Mỹ, Nga và các bên muốn gì ở Syria?

Chủ Nhật, 01/04/2018, 07:28
Cuộc nội chiến phức tạp và tàn phá của Syria đã thu hút nhiều thế lực nước ngoài kể từ khi nổ ra vào năm 2011. Cho đến nay, chiến trường Syria có sự tham chiến rõ ràng của 4 thế lực nước ngoài gồm: Mỹ, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ðâu là mục tiêu thật sự của các nước này?


Một cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria đã bắt đầu vào cuối năm 2017 tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Dưới đây là một cái nhìn về những gì mà các thế lực nước ngoài mong muốn từ cuộc xung đột này, và cách họ tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Mỹ

Ủng hộ: Washington đã hỗ trợ vũ khí và đào tạo binh lính cho phe nổi dậy chống lại các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng đã chấm dứt viện trợ quân sự vào tháng 7-2017. 

Gần đây, Mỹ đã hỗ trợ không kích và vũ khí cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh của quân đội người Kurd và Ảrập chống lại các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Bắc Syria. 

Hàng trăm binh lính lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã được triển khai cùng với SDF. Một cách riêng biệt, Mỹ ủng hộ quân nổi dậy người Syria chống lại IS và có căn cứ ở al-Tanf, gần biên giới Iraq.

Hàng trăm binh lính lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã được triển khai cùng với SDF.

Chống lại: Mỹ đã dẫn đầu một liên minh quốc tế gần 60 quốc gia, bao gồm cả Đức, nhắm mục tiêu IS và các nhóm cực đoan khác bằng những cuộc không kích từ cuối năm 2014. Mỹ đã cố tránh xung đột trực tiếp với các lực lượng ủng hộ chế độ, nhưng vào tháng 4-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh không kích vào một căn cứ không quân Syria nhằm đáp lại một cuộc tấn công vũ khí hóa học được cho là của chính phủ chống lại thường dân.

Mục tiêu: Cho đến nay, Washington vẫn kiên định trong việc cố gắng hủy diệt IS ở Syria và Iraq. Nhưng ý định của họ về các vấn đề khác đã trở nên không rõ ràng. Tổng thống Trump nói với các phóng viên vào tháng 9-2017 rằng Mỹ "rất ít liên quan đến Syria trừ việc tiêu diệt IS". 

Nhưng vào tháng 7, Nhà Trắng đã tham gia sâu vào vai trò trung gian cho một cuộc ngừng bắn giữa chính phủ và các lực lượng đối lập. Chính quyền mới cũng đưa ra những tín hiệu mâu thuẫn về việc liệu Mỹ có phản đối một thỏa thuận hòa bình với ông Assad vẫn nắm quyền hay không. 

Người tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama, từng nói rằng "Assad phải ra đi" trước khi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có thể hoạt động. Mỹ cũng tuyên bố muốn ngăn chặn Iran và chiến binh Hezbollah khỏi việc thiết lập sự hiện diện vĩnh viễn tại Syria có thể đe doạ Israel.

Con đường hòa bình: Washington ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình của LHQ được tổ chức tại Geneva từ năm 2012 giữa các đại diện của chính phủ Assad và phe đối lập Syria. Nhưng những cuộc đàm phán này cho đến nay không đạt được bước đột phá. Cả hai bên đều không đồng ý về việc liệu việc ra đi của Assad sẽ là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào.

Nga

Hỗ trợ: Moskva từ lâu đã ủng hộ chế độ Assad. Nga đã cung cấp cho quân đội chính phủ các lực lượng không quân và vũ khí và hỗ trợ về mặt ngoại giao tại LHQ và trong các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế. Nga cũng có quân đội trên mặt đất.

Chống lại: Nga đã can thiệp vào Syria từ tháng 10-2015 khi bắt đầu cuộc không kích chống lại các mục tiêu "khủng bố". Các giới chức Mỹ đã liên tục phản đối tuyên bố này bằng cách nói rằng các cuộc không kích của Nga chủ yếu nhằm chống lại các lực lượng nổi dậy chống chính phủ Assad, chứ không chỉ là IS. Trong khi đó, Kremlin cáo buộc Mỹ sử dụng chiến dịch chống lại IS như một cách để làm chậm tiến trình quân sự của Chính phủ Nga và Syria.

Mục tiêu: Moskva muốn giữ Assad nắm quyền và đảm bảo ảnh hưởng quân sự của mình trong khu vực. Chính quyền Assad là đồng minh thân cận nhất của Nga ở Trung Đông. Nga có một căn cứ không quân quan trọng ở Tây Latakia và căn cứ hải quân tại thành phố cảng Tartus của Syria. Các nhà lãnh đạo Nga ủng hộ một thỏa thuận hòa bình với sự nhất trí rộng rãi trong các phe phái ôn hòa của Syria, cho phép Assad nắm quyền. Moskva cũng ám chỉ có thể hỗ trợ tự trị hạn chế cho các lực lượng đối lập ở một số khu vực Syria.

Con đường hòa bình: Trong khi hỗ trợ các cuộc đàm phán ở Geneva, Moskva cũng đã tài trợ cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria và phe đối lập ở Astana, Kazakhstan bắt đầu vào tháng 1-2017. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia các cuộc đàm phán. Tiến trình Astana phấn đấu để tạo ra "các vùng không xung đột" nhằm giảm bạo lực và mở đường cho các cuộc đàm phán chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ

Hỗ trợ: Ngay từ đầu cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những bên ủng hộ chính của phe đối lập Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu bên cạnh các phe phái không phải là người Kurd trong phe đối lập Syria, bao gồm cả Lực lượng Giải phóng Syria (FSA).

Chống lại: Ankara đã tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu IS như một phần của liên minh do Mỹ lãnh đạo. Họ cũng đã tiến hành các cuộc không kích đơn phương chống lại lực lượng đối lập người Kurd ở miền Bắc Syria và đưa các lực lượng mặt đất vào Syria để chống lại các lực lượng IS và người Kurd như một phần của chiến dịch do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, gọi là "Euphrates Shield". Theo thỏa thuận "vùng không xung đột” đã đồng ý với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chuyển đến tỉnh Idlib cùng với quân nổi dậy mà họ ủng hộ.

Mục tiêu: Ankara muốn ngăn chặn các lợi ích lãnh thổ của người Kurd và ngăn họ giành được quyền tự trị trong bất kỳ giải quyết hậu chiến nào. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các chiến binh người Kurd được gắn với đảng Công nhân Kurdistan (PKK), đã chiến đấu trong một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 3 thập kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara cũng muốn đánh bại IS và các nhóm cực đoan khác đã tấn công khủng bố vào đất Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hơi mơ hồ về việc liệu Assad có được phép duy trì quyền lực trong hiệp định hòa bình cuối cùng hay không.

Con đường hòa bình: Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán ở Geneva và đồng tài trợ cho các cuộc đàm phán ở Astana. Họ phản đối mạnh mẽ các phe phái người Kurd tham dự các cuộc đàm phán hòa bình.

Iran

Hỗ trợ: Tehran đã hỗ trợ chính phủ Assad ít nhất năm 2012, viện trợ quân sự phong phú dưới hình thức đào tạo, cung cấp vũ khí và chia sẻ tình báo. Họ cũng đã triển khai lực lượng quân sự ưu tú của Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và dân quân Shiite từ khắp khu vực. Đồng minh Hezbollah của Iran ở Liban cũng là những người ủng hộ lớn cho chế độ Assad.

Chống lại: Iran đã trực tiếp và gián tiếp chiến đấu chống lại cả phe nhóm ôn hòa và cực đoan trong phe đối lập Syria, cũng như IS.

Mục tiêu: Syria từ lâu đã là đồng minh chính của Iran ở Trung Đông. Hỗ trợ Assad đảm bảo một đồng minh chống lại các đối thủ khu vực của Iran, như Israel và Ảrập Xêút. Tehran cũng cần Syria để vận chuyển vũ khí cho Hezbollah ở Liban, nhóm này cũng phản đối Israel. Mục tiêu lớn hơn của Iran là tạo ra một hành lang vùng đệm kéo dài từ Iran sang Liban qua Iraq và Syria.

Con đường hòa bình: Iran đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva vào tháng 11-2015 sau khi Mỹ từ bỏ sự phản đối lâu dài của mình đối với sự tham gia của Iran. Tehran cũng đã tài trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Astana cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Vĩnh Cẩm
.
.
.