Mỹ:

Người da màu biểu tình chống cảnh sát

Thứ Sáu, 07/10/2016, 09:29
"Cảnh sát tới và bắn chết anh tôi", cô Trenell Snell, em gái của nghi phạm Carnell Snell, 18 tuổi, người da màu, đã nói với tờ The Los Angeles Times.


Đồng thời còn cho biết, anh mình đã bị bắn chết ở khu vực đang sinh sống và cô tình cờ nhìn thấy nạn nhân chạy trốn cảnh sát và khi tới hiện trường thì thấy anh trai nằm trên mặt đất, bị cảnh sát còng tay.

Mẹ của Carnell Snell tuyên bố, cảnh sát đã không cho phép bà nhìn mặt nghi phạm tử vong để xác nhận đó có đúng là con trai hay không.

Người biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết người đàn ông da màu tại El Cajon.

Cảnh sát Los Angeles đã bắn chết Carnell Snell, nghi phạm ăn cắp xe hơi sau cuộc đuổi bắt bằng xe hơi ở phía Nam thành phố này vào khoảng 13 giờ ngày 1-10 (theo giờ địa phương). Theo lời Đại úy Barry Montgomery thuộc Sở Cảnh sát Los Angeles, có 2 đối tượng đi trên chiếc xe hơi bị tình nghi là xe ăn cắp.

Sau khi bị truy đuổi, một đối tượng đã nhảy khỏi xe, chạy về phía sau một ngôi nhà và tại đây hắn bị cảnh sát bắn chết. Tại hiện trường vụ nổ súng, cảnh sát phát hiện vũ khí nhưng không thông báo là loại gì và có liên quan đến vụ nổ súng hay không.

Hàng chục người có mặt ở hiện trường đã vô cùng tức giận khi cảnh sát lại bắn một người đàn ông da đen. Một số người đã la hét, phản đối cảnh sát.

Vụ bắn chết anh Carnell Snell diễn ra không lâu sau các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết người da đen ở thành phố Tulsa (bang Oklahoma), thành phố Charlotte (bang Bắc Carolina) và thị  trấn El Cajon, ngoại ô thành phố San Diego (bang California).

Và vụ bắn chết nghi phạm Carnell Snell diễn ra sau khi hãng tin AP công bố kết quả cuộc điều tra độc quyền của họ cho thấy, trong khoảng thời gian 2013-2015, số lượng cảnh sát Mỹ bị khiển trách, cho nghỉ việc vì lạm dụng quyền theo dõi người dân vì mục đích cá nhân đã tăng 325 lần.

Dư luận nước Mỹ đã rúng động về thông tin này - cảnh sát tự ý sử dụng và phát tán thông tin cá nhân của người dân.

Theo đó, dù là doanh nghiệp, là nhà báo, hay chỉ là hàng xóm của cảnh sát, thông tin cá nhân của họ rất dễ dàng bị cảnh sát nắm bắt và sử dụng vào mục đích cá nhân. Dư luận cho rằng, trên thực tế có thể có nhiều vụ việc người dân bị cảnh sát quấy rối, nhưng không được ghi nhận.

Carnell Snell chết sau khi cảnh sát bắt giữ 82 người và công bố lệnh bắt 95 người khác liên quan tới cuộc biểu tình bạo lực tại thành phố Charlotte hôm 29-9. Trước đó (25-9), chính quyền thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm áp đặt từ hôm 22-9, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối việc cảnh sát bắn chết người da màu Keith Lamont Scott vẫn đang tiếp diễn.

Mặc dù Thị trưởng thành phố Charlotte, bà Jennifer Roberts kêu gọi người dân đoàn kết, nhưng căng thẳng vẫn diễn ra sau vụ cảnh sát bắn chết ông Keith Lamont Scott hôm 20-9.

Các cuộc bạo loạn đường phố tại thành phố Charlotte đã khiến ít nhất 16 cảnh sát và một số người tham gia biểu tình bị thương. Cảnh sát Brentley Vinson, người đã bắn chết ông Keith Lamont Scott, cũng là người da màu, đang bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

Camera giám sát cá nhân của cảnh sát Mỹ.

Theo giới truyền thông, sau khi được Thống đốc bang Bắc Carolina cho phép, ngày 25-9, cảnh sát thành phố Charlotte đã công bố 2 đoạn băng video liên quan đến vụ ông Keith Lamont Scott bị cảnh sát bắn chết hôm 20-9.

Theo đó, ôngKeith Lamont Scott ra khỏi xe và đi thụt lùi, 2 tay buông thõng và không rõ có cầm gì trong tay hay không, 4 tiếng súng đã vang lên và nạn nhân ngã xuống đất...

Cảnh sát trưởng Kerr Putney cho biết, việc công bố 2 đoạn băng video diễn ra sau khi người dân muốn biết những gì đã xảy ra đối với ông Keith Lamont Scott. Đồng thời khẳng định, sẽ công bố bằng chứng ADN về vụ việc này.

Theo hãng NBC News, nhiều người được lệnh sơ tán khỏi Sở cảnh sát thành phố Charlotte (chiều27-9, theo giờ địa phương), sau khi cảnh sát phát hiện một gói hàng đáng ngờ bên trong trụ sở.

Người phát ngôn Sở cảnh sát Charlotte cho biết, để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, cảnh sát đã sơ tán nhân viên khỏi trụ sở và các đội rà phá bom mìn được điều tới hiện trường ngay sau đó.

Ngày 28-9, Bộ Tư pháp đã công bố báo cáo chỉ ra sơ hở của chính quyền địa phương không cập nhập hệ thống dữ liệu vốn được sử dụng để kiểm tra lý lịch khách hàng khi mua súng, và đó được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "bi kịch thảm khốc". Báo cáo cũng cho rằng, hệ thống kiểm tra lý lịch tội phạm khẩn cấp quốc gia (NICS) hiện thiếu dữ liệu mới và chính xác từ các cơ quan địa phương, vốn được sử dụng để ngăn chặn việc mua bán và sử dụng vũ khí.
Thiện Lân
.
.
.