Mỹ:

Người dân nổi giận vì cảnh sát lạm quyền

Thứ Hai, 22/08/2016, 18:18
Quyết định điều lực lượng vệ binh quốc gia đến giúp lực lượng cảnh sát địa phương vãn hồi trật tự tại thành phố Milwaukee, càng khiến cho căng thẳng gia tăng.


Bởi trong tuyên bố hôm 15-8, Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker cho biết, lực lượng vệ binh quốc gia đã được huy động để triển khai tại thành phố Milwaukee nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương ổn định tình hình.

Động thái trên diễn ra sau khi các vụ đập phá do những người biểu tình tức giận trước việc cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Sylville K Smith, 23 tuổi. Ông Scott Walker đưa ra quyết định kể trên sau khi tình hình tại thành phố Milwaukee đã trở lại bình thường bởi nhà chức trách đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra.

Khi được hỏi, Thống đốc Scott Walker cho biết, ông đã quyết định sau khi nhận được đề nghị của Cảnh sát trưởng Milwaukee và trao đổi với Thị trưởng thành phố Tom Barrett. Ông Scott Walker cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 14-8 sau khi diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực tại thành phố Milwaukee.

Một chiếc xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy.

Thị trưởng thành phố Milwaukee Tom Barrett cho biết, hình ảnh ghi lại từ camera của cảnh sát cho thấy, Sylville K Smith đã chạy về phía cảnh sát với một khẩu súng trên tay (khẩu súng bán tự động của nạn nhân khi đó nạp tới 23 viên đạn).

Và trước khi bị cảnh sát bắn, Sylville K Smith không hạ súng khi được yêu cầu. Thị trưởng Tom Barrett cũng kêu gọi người dân bình tĩnh sau bạo loạn.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 14-8, ông Tom Barrett đã yêu cầu tất cả cư dân của thành phố hãy làm mọi thứ có thể để giúp lực lượng chức năng lập lại trật tự, và khuyên mọi người trở về nhà, trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, Cảnh sát trưởng thành phố Milwaukee Edward Flynn cho biết, Sylville K Smith đã được cảnh sát yêu cầu dừng xe vì có hành động khả nghi, có một khẩu súng ăn cắp, và từng bị cảnh sát bắt giữ nhiều lần. Nhưng sau khi ra khỏi xe, Sylville K Smith đã chạy trốn.

Và trong lúc rượt đuổi, một cảnh sát đã bắn chết Sylville K Smith. Chỉ vài giờ sau đó, bạo loạn đã diễn ra khi hơn 100 người biểu tình, la ó đập vỡ nhiều xe cảnh sát, các cửa sổ và đốt cháy nhiều ôtô khác.

Thậm chí một số người còn nổ súng, ném gạch đá vào cảnh sát để phản đối hành động bắn chết Sylville K Smith. Và có 4 cảnh sát bị thương phải nhập viện vì bị người biểu tình đã ném gạch đá.

Cảnh sát bị ném gạch đá khi cố giải tán đám đông ở khu vực Burleigh và một số vụ bắt giữ đã diễn ra ở Sherman và Burleigh. Lực lượng cảnh sát buộc phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông và bắt giữ 17 người để thẩm vấn.

Cảnh sát bắn chết Sylville K Smith, cũng là người gốc Phi, đã phục vụ 6 năm tại Sở cảnh sát Milwaukee, đang bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

Theo lời kể của một người dân địa phương tên là Nefataria Gordon khi nói với phóng viên tờ Milwaukee Journal Sentinel - Sylville K Smith là một người tốt, đáng được tôn trọng và đó là lý do tại sao tất cả mọi người ùa ra đường biểu tình - họ đang thực sự tức giận.

Cuộc biểu tình nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát, bất chấp việc một người thân của Sylville K Smith kêu gọi mọi người nên về nhà và bình tĩnh lại - tôi không muốn ai bị bắt hoặc bị tổn thương.

Cảnh sát trưởng Edward Flynn cho biết, khi cảnh sát tiếp cận nghi phạm, họ đều gắn trên người một máy quay giám sát và những cảnh quay sẽ sớm được đăng tải để chứng minh họ làm đúng phận sự.

Trong một diễn biến liên quan, Thị trưởng New York Bill de Blasio cũng vừa kêu gọi người dân nỗ lực hàn gắn rạn nứt sau khi một lãnh đạo Hồi giáo, ông Imam Maulama Akonjee, 55 tuổi, và phụ tá Thara Uddin, 64 tuổi, bị bắn chết bên ngoài đền thờ al-Furqan Jame tại khu Queens hôm 13-8.

Ông Imam Maulama Akonjee và trợ lý Thara Uddin bị bắn chết ngay trên phố sau khi họ vừa rời khỏi một Thánh đường Hồi giáo sau buổi cầu nguyện chiều 13-8.

Cảnh sát cho biết, 2 nạn nhân đến từ Bangladesh đã bị sát thủ tiếp cận từ phía sau, bắn vào đầu và hắn rời khỏi hiện trường một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, theo lời kể của nhân chứng, cảnh sát đã công bố bản phác thảo chân dung nghi phạm.

Theo đó, hắn là một người đàn ông giống người Tây Ban Nha, dáng người cao, mặc áo sơ mi xanh đậm, quần short. Cô Naima Akonjee, con gái ông Imam Maulama Akonjee cho biết, cha cô không có hiềm khích với bất cứ ai.

Một lãnh đạo Hồi giáo địa phương tên là Kobir Chowdhury coi vụ tấn công có thể xuất phát từ kỳ thị tôn giáo. "Chưa có bằng chứng cho thấy họ bị nhắm làm mục tiêu vì đức tin của họ", Phó Thanh tra Henry Sautner của Sở Cảnh sát New York cho biết.

Mạnh Phong
.
.
.