Mỹ - Nợ trong chồng chất, nợ ngoài bao vây

Thứ Ba, 24/01/2017, 07:00
Dân Mỹ nổi tiếng xưa nay là những kẻ tiêu xài bạt mạng, và chính phủ của họ cũng không kém. Thói tiêu xài vung vít này đã đẩy nền kinh tế thế giới đến chỗ mất cân bằng, gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại và khiến nền kinh tế số 1 hành tinh ngày càng chìm sâu dưới núi nợ.


Theo tính toán của giới chuyên gia, tính đến giữa tháng 1-2010, tổng nợ của Mỹ (gồm nợ của chính quyền liên bang, chính quyền các tiểu bang, chính quyền các địa phương, các định chế tài chính, các doanh nghiệp và các hộ gia đình) đã hơn 66.606 tỷ USD. Con số này tương đương 355% GDP, tức nếu người Mỹ gom hết tài sản làm ra trong 3 năm liền vẫn chưa đủ trả hết nợ.

Mỗi công dân nợ trên 4 tỷ VNĐ

Với “núi nợ” khổng lồ trên, bình quân mỗi hộ gia đình Mỹ hiện phải gánh 806.419 USD  tiền nợ (18,15 tỷ VNĐ), trong khi mỗi công dân phải gồng cục nợ 204.805 USD (4,61 tỷ VNĐ). Chỉ tính riêng tiền lãi phải trả cho số nợ này, mỗi năm Mỹ phải mất 2.527,6 tỷ USD. Nhiều người sẽ cho rằng những con số trên thật ra không đè lên vai mỗi công dân Mỹ, vì nó được bao gồm cả tiền nợ của chính quyền các cấp, các định chế tài chính và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định những khoản nợ trên cuối cùng vẫn phải đổ lên người đóng thuế, vì xét cho cùng, thu nhập của một đất nước chính là tổng thu nhập của từng cá nhân. Nhưng ngay cả khi loại các khoản nợ trên, con số cũng không hề nhỏ. Tổng nợ cá nhân (nợ do cá nhân trực tiếp vay mượn) của người Mỹ hiện ở mức 18.079,4 tỷ USD, tức mỗi công dân phải chịu ít nhất 55.599 USD tiền nợ trực tiếp (1,25 tỷ VNĐ). Đó là chưa kể còn có các khoản nợ khác liên quan đến người tiêu dùng như nợ nhà ở (14.325,2 tỷ USD), nợ tín dụng (985,1 tỷ USD)…

Nợ quốc gia gần 20.000 tỷ USD

Giới chuyên gia ước tính nợ quốc gia của Mỹ hiện đã lên đến 19.944 tỷ USD (chiếm 109,91% GDP) và dự báo sẽ đạt 23.245 tỷ USD vào năm 2017. Theo số liệu của Bộ Ngân khố Mỹ, tiền lãi của các khoản nợ của chính phủ trong năm tài khóa 2015 (kết thúc vào tháng 9-2016) lên đến 494 tỷ USD. Dự báo trong năm nay, số tiền lãi này còn cao hơn khi các chủ nợ luôn muốn tăng lãi suất để bù vào những rủi ro ngày càng lớn do sự trương phình quá mức của nợ quốc gia Mỹ.

Dù không trả một lần hết các khoản tiền lãi này, nhưng Chính phủ Mỹ phải cân nhắc và trả lãi cầm chừng để tổng số tiền nợ và tiền lãi không vượt quá tầm kiểm soát. Việc trả lãi cho các khoản nợ hiện là khoản chi ngân sách lớn thứ tư của chính quyền Tổng thống Barack Obama, chỉ sau các khoản chi cho dịch vụ y tế, an sinh và quốc phòng. Cũng theo Bộ Ngân khố, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2016 là 587 tỷ USD, và năm 2017 ước 504 tỷ USD. Đây là con số rất khả quan so với mức thâm hụt 1.410 tỷ USD vào năm 2009.

Nợ nước ngoài 30% GDP

Một điều khiến nhiều nhà phân tích lo ngại là hiện tỷ lệ nợ do các chính phủ nước ngoài nắm giữ đang ở mức rất cao, vào khoảng 6.037,7 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP (năm 2009, những con số này lần lượt là 3.789 tỷ USD và 25,7% GDP). Không chỉ vậy, với mức thâm hụt mậu dịch hiện nay và những kế hoạch chi tiêu khổng lồ của chính phủ, dự báo nợ nước ngoài của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Gánh nặng nợ nước ngoài của nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ là nỗi lo của chính họ, mà của cả kinh tế toàn cầu. Trong số những chủ nợ nước ngoài của Mỹ (tính đến tháng 11-2016), Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất, với số nợ nắm giữ lên đến 1.132 tỷ USD. Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 với 1.115 tỷ USD. 

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua, một số chủ nợ lớn của Mỹ như Trung Quốc, Nga, Brazil tuyên bố sẽ bán bớt trái phiếu Mỹ trong kho dự trữ ngoại tệ của họ để mua trái phiếu của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Lúc đó, các nước nói trên cho biết họ sẽ bán ra khoảng 70 tỷ USD công trái phiếu Mỹ, Trung Quốc dự định bán 50 tỷ USD, Nga và Brazil mỗi nước bán 10 tỷ USD. 

Dù các nước này về sau hủy bỏ hoặc giảm bớt kế hoạch bán trái phiếu Mỹ của họ, giới quan sát vẫn lo ngại một khi các động thái này lặp lại trong tương lai với qui mô lớn, đồng USD sẽ mất giá, làm ảnh hưởng đến 2/3 tài sản của thế giới và tạo ra một cuộc khủng hoảng mới.

Một nước nợ, toàn cầu lo

Với tư cách là nền kinh tế số 1 hành tinh, Mỹ được xem là hệ qui chiếu của cả thế giới. Một khi nền kinh tế này sụp đổ, nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có. Với núi nợ chồng chất như hiện nay, liệu Mỹ có thể vỡ nợ?

Theo một báo cáo dựa trên dữ liệu của 44 quốc gia trong vòng 200 năm qua, một đất nước có tỷ lệ nợ/GDP cao như tại Mỹ hiện nay có thể không tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc ĐH Maryland và Harvard (Mỹ) cho biết, khi nợ quốc gia của một nước trên 60% GDP, tăng trưởng của nước đó sẽ cực thấp. Nếu tỷ lệ đó vượt 90%, tăng trưởng kinh tế sẽ bằng zero, hoặc thụt lùi. Tỷ lệ nợ quốc gia của Mỹ hiện nay vào khoảng trên 100% GDP. Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo không khẳng định Mỹ sẽ tăng trưởng âm, nhưng tin rằng tỷ lệ nợ cao sẽ làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Đa số các nhà kinh tế tin rằng diễn biến của thời hậu khủng hoảng hiện nay sẽ tương tự thời hậu đại khủng hoảng những năm 1930. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay nhờ tác động của các chi tiêu kích cầu trước đó. Tuy nhiên, đến giữa năm, kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại một khi nguồn tiền rót từ các chương trình kích cầu cạn kiệt. Nợ cao sẽ khiến Quốc hội ít có khả năng phê chuẩn thêm một chương trình kích cầu mới. 

Trong vòng 20 năm nữa, các quỹ an sinh hiện nay phải hoàn tiền lại cho người nghỉ hưu thuộc thế hệ hậu khủng hoảng. Vì khoản tiền này đã được chi, chính phủ cần huy động nguồn tiền mới. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng thuế, vì chính phủ hầu như đã vay mượn “tối đa” từ các nguồn nước ngoài và không thể vay thêm. Thông thường, tăng thuế sẽ trì hoãn sự phát triển kinh tế.

Bong bóng trái phiếu

Nhiều nhà chuyên môn từng cảnh báo trái phiếu Bộ Ngân khố Mỹ đang có những biểu hiện bong bóng, nếu quả bong bóng này bị vỡ, nó sẽ tạo ra một sự hỗn loạn thật sự cho những ai dựa vào đồng USD. Một khi các nhà đầu tư cấp tư nhân, định chế và chính phủ cảm thấy bất an về nền kinh tế Mỹ, họ sẽ chuyển sang những kênh đầu tư khác được cho là an toàn hơn như kim loại quí hay những loại hàng hóa khác.

Trong thực tế điều này đã xảy ra vài lần kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn, Trung Quốc trong năm 2008 tăng cường mua các loại “tài sản cứng”, trong khi giảm mua trái phiếu Mỹ và các sản phẩm tài chính khác. Việc bán ra một lượng lớn trái phiếu Mỹ của các chính phủ, hoặc giảm nhu cầu về trái phiếu Mỹ đều làm gia tăng nguy cơ mất giá của đồng USD, tức sẽ ảnh hưởng đến 2/3 tài sản của thế giới.

Trở lại vấn đề được đặt ra khi các chủ nợ lớn của Mỹ đe dọa bán bớt trái phiếu Mỹ để gia tăng những kênh dự trữ khác: Liệu điều đó có xảy ra, và sẽ ảnh hưởng như thế nào? Đa số giới chuyên gia cho rằng khả năng các chủ nợ bán lượng lớn trái phiếu Mỹ là rất thấp. Trong thực tế, các nước từng mạnh miệng tuyên bố bán hàng chục tỷ USD trái phiếu Mỹ vào năm 2009 như Trung Quốc, Nga, Brazil sau đó đều rút lời.

Ước tính hiện có khoảng 11.000 tỷ trái phiếu Chính phủ Mỹ đang được lưu hành. Giả sử Trung Quốc, Brazil hay Nga có thực hiện như từng đe dọa, khả năng làm suy sụp thị trường trái phiếu Mỹ vẫn rất thấp. Ngược lại, nếu động thái của họ làm đồng USD sụp đổ, chẳng hạn từ 3-4%, thì chính các chủ nợ kia sẽ thấy tài sản của họ lưu trữ bằng USD mất giá 3-4%.

Theo tờ Wall Street Journal, khả năng Mỹ vỡ nợ dường như không thể. Nhưng đó không phải là những gì thị trường đang phản ánh. Giá bảo hiểm cho một sự vỡ nợ như vậy tăng hơn 50% trong vài tháng gần đây. 

Theo CMA DataVision có trụ sở ở London, chi phí bảo đảm nợ trái phiếu Mỹ hiện chiếm khoảng 0,34% tiền vốn. Nếu bạn nắm giữ 1 triệu USD trái phiếu Mỹ, việc bảo hiểm này sẽ khiến bạn mất 3.400 USD/năm. Cách đây một vài tháng, chi phí này ít hơn 2.000 USD. Dữ liệu của CMA DataVision còn cho biết có ít nhất 3% các nhà đầu tư chuyên nghiệp tin nền kinh tế số 1 hành tinh sẽ vỡ nợ trong vòng 5 năm tới.

Trong nhiều thập kỷ, trái phiếu Mỹ được xem là một loại tài sản không rủi ro. Tuy nhiên, thời vàng son đó đã chấm dứt khi Chính phủ Mỹ không ngừng bán trái phiếu để phục vụ cho các chương trình chi tiêu khổng lồ của họ và để vượt qua cuộc khủng hoảng vừa rồi. 

Đối với giới đầu tư, đe dọa lớn nhất không phải là việc Mỹ vỡ nợ chính thức, mà khả năng chính phủ có thể “vỡ nợ không chính thức” bằng cách để mặc cho lạm phát hoành hành. Lúc đó, những người nắm giữ trái phiếu Mỹ dài hạn sẽ như ngồi trên đống lửa vì nhìn thấy chi phí bảo hiểm vỡ nợ của loại chứng khoán này tăng theo từng ngày.

Vĩnh Cẩm
.
.
.