Mỹ: Phá án giết người kỳ bí nhất nhờ nước bọt, chữ viết trên tấm bưu thiếp

Thứ Hai, 17/08/2020, 07:59
Paul Gruber là thầy giáo nổi tiếng nhất trường trung học Incline, bang  Nevada. Khi 50 tuổi, Paul được thừa kế một số tiền và đã xin nghỉ hưu sớm. Ngay sau đó, ông chuyển đến Sandpoint, Idaho và mua ngôi nhà bên bờ hồ Muskrate sống một mình và bị giết.


Nghi vấn từ chữ ký

Vào dịp giáng sinh, Paul gửi tấm thiệp mừng đến cháu trai 3, tuổi của mình. Tuy nhiên, khi nhận con gái Shellie của ông cảm thấy điều kỳ lạ vì chữ ký của bố không giống như mọi khi. Ngay lập tức, Shellie gửi tin nhắn đến bố. Lo lắng khi không nhận được câu trả lời, Shellie liền gọi cho cảnh sát khu vực Idaho, nhờ đến kiểm tra tình hình ông Paul.

Khi đến, cảnh sát phát hiện ra căn nhà trống trơn, không có ông Paul và đồ đạc cá nhân, không có dấu hiệu đột nhập. Cảm thấy bất ổn với câu trả lời của cảnh sát rằng có thể ông Paul chỉ đang đi du lịch ở đâu đó, Shellie quyết định thử "bẫy" bố mình. Cô gửi tin nhắn cho bố với nội dung thông báo sắp đến sinh nhật chồng mình, nhắc ông gửi lại 25 USD đang nợ vợ chồng cô.

Ngôi nhà của nạn nhân - ảnh mylifeofcrime.

5 ngày sau, cô nhận được bưu phẩm từ bố mình, gửi thiệp mừng sinh nhật con rể cùng tờ séc 25 USD. Cả hai thông tin này đều là Shellie tự dựng ra. Vì vậy khi nhận được bưu phẩm, cô chắc rằng "ai đó" đã nhận được tin nhắn và đang cố giả danh cha mình.

Cảnh sát bang Idaho so sánh mẫu chữ ký trên tấm bưu thiệp với mẫu chữ ký trên séc chuyển tiền trước đây của Paul Gruber. Trái ngược với Shellie, họ nhận định rằng hai chữ ký là của cùng một người. Tuy nhiên, gia đình Shellie vẫn không cảm thấy thuyết phục với quyết định này.

Gian nan phá án

Cùng với đó, cảnh sát kiểm tra tài khoản của Paul Gruber. Theo đó, ông vẫn chi trả các hóa đơn hàng tháng đúng hạn, vẫn đều đặn rút tiền ở các cây ATM trong khu vực lân cận. Tuy nhiên, không một cây ATM nào trong số các cây ATM Paul rút tiền có camera giám sát, vì vậy cảnh sát không thể xác định chính xác ai là người đã đi rút tiền.

Có linh cảm chẳng lành, Shellie liên hệ nhờ cảnh sát Idaho xác nhận xem ai là người đến lấy thư trong hòm thư của Paul. Khi quan sát hình ảnh tại camera lắp tại hòm thư, cảnh sát xác nhận người đến lấy thư không phải Paul Gruber. Theo một số hàng xóm, người đến lấy thư là Dary Kuehl, 43 tuổi, một người thợ từng đến sửa đồ cho thầy giáo già.

Kỳ lạ thay, khi cảnh sát đưa ảnh Paul Gruber, Kuehl không thể nhận diện. Paul Gruber trong ảnh hoàn toàn khác với Paul Gruber đã nhờ Kuehl lấy bức thư kia. Cảnh sát yêu cầu Kuehl mô tả kẻ đã giả danh Paul Gruber. Họ sử dụng phần mềm chuyên phác họa chân dung theo những đặc điểm được mô tả, sau đó đưa cho Kuehl xem và yêu cầu ông đưa nhận xét chỉnh sửa. Sau quá trình thẩm vấn, cảnh sát thu được bức chân dung phác họa "kẻ giả mạo" và đăng hình lên báo.

Vài tháng trôi qua, cảnh sát không nhận được thông tin phản hồi nào, cũng như không tìm thấy tăm tích của Paul Gruber thật. Sau nhiều lần khám xét nhà nạn nhân, trung sĩ Valdez - một thành viên trong ban điều tra tìm thấy một điểm rất kì lạ trong ngôi nhà: Một tấm thảm nhỏ trong bếp được dính chặt vào sàn gỗ. Sau khi cân nhắc, cảnh sát quyết định xé tấm thảm và phát hiện vết máu của Paul Gruber.

Lúc này, cảnh sát tập trung điều tra Kuehl. Tuy nhiên, họ lại không thể tìm thấy thi thể Paul Gruber. Vật chứng duy nhất còn lại là tấm bưu thiếp Paul và tấm séc mà "kẻ giả mạo" đã gửi cho cháu trai và con rể mình.

Cảnh sát cũng xác định mẫu chữ trong tấm thiếp. Tại đây, chuyên gia giám định mẫu chữ Robert Floberg đã tìm ra một số điểm khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất trong mẫu chữ ký là ở ký tự "P". Ký tự "P" trong chữ kí thật của nạn nhân có vòng P to và ngắn hơn mẫu chữ P trong chữ kí giả mạo. Ngoài ra, trong mẫu chữ viết, Robert còn tìm ra điểm khác biệt đáng kể trong các chữ "m", "n". Dựa vào những lập luận này, ông kết luận mẫu chữ trong tấm bưu thiếp là "giả mạo".

Tiếp đó, Robert được phân công phân tích mẫu chữ của Kuehl để xác định xem hắn có phải kẻ đã giả mạo chữ ông Paul hay không. Ông nhận thấy rất nhiều điểm giống nhau như vòng lúp ở chữ "k" viết hoa, cách viết ký tự "t" hay "w". Đặc biệt, ký tự "f" viết trong tấm bưu thiếp hoàn toàn giống ký tự "f" mà Kuehl hay viết. Để có sự giống nhau của vô số các ký tự như thế này, phải là một thói quen được rèn luyện trong nhiều năm. Điều này chỉ ra Kuehl chính là kẻ đã giả mạo ông Paul trong tấm bưu thiếp gửi cho cháu trai và con rể.

Cảnh sát cũng tìm thấy vô số vật dụng của Paul trong nhà Kuehl: một con thuyền, một khẩu súng ngắn cỡ 22… Họ cũng đã thu thập được tấm bưu thiếp được gửi đến cháu trai Paul trước đó, lấy mẫu nước bọt phía sau tem đem đi kiểm định ADN. Kết quả cho thấy mẫu nước bọt và ADN hoàn toàn trùng khớp với Kuehl. Với những bằng chứng này, tòa kết án Keuhl phạm tội giết người cấp độ 1, án phạt 25 năm tù.

Trường Vân
.
.
.