Mỹ:

Phá án phức tạp bằng thôi miên pháp y

Thứ Hai, 03/09/2018, 15:51
Phương pháp thôi miên pháp y không chỉ được sử dụng trong nhiều vụ việc mà còn được ứng dụng để xác minh làm rõ nhiều loại tội phạm thông thường khác như cướp giật, cướp ngân hàng, hiếp dâm và xâm hại trẻ em...  


Nó đã được dùng trong điều tra hình sự hoặc dân sự để trích xuất thông tin nhằm giúp điều tra, hướng đến sự thật khách quan. Phương pháp này giúp cảnh sát có được manh mối trong khi điều tra nhiều vụ án.

Lật tẩy nhiều vụ án

Trong vụ án của Sam Sheppard, thôi miên pháp y đã góp phần cứu mạng người vô tội. Tháng 7/1954, trong khi Marilyn Sheppard ngủ trên phòng, chồng cô, anh Sam, ngủ gật khi đang xem tivi dưới tầng. Nghe thấy tiếng vợ gọi, Sam sực tỉnh chạy lên lầu thì thấy cô đang bị một kẻ đột nhập hành hung. Trong quá trình vật lộn với kẻ xấu, anh bị đập mạnh vào đầu và bất tỉnh. 

Nhiều vụ án phức tạp được phá nhờ thôi miên.

Sam Sheppard sau đó phải vào tù vì hành vi giết vợ. Sau 10 năm Sam Sheppard thi hành án tù và nhiều lần kháng cáo, vụ án được tòa cho xử lại. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Sam đã thuyết phục thành công bồi thẩm đoàn rằng giai đoạn điều tra ban đầu vốn được thực hiện cẩu thả, một số chứng cứ bị bỏ qua như đầu lọc thuốc lá trên sàn nhà tắm, trong khi không ai trong nhà hút thuốc, cũng không có động cơ giết người rõ ràng. 

Một bằng chứng nữa được đưa ra là lời khai của Sam khi bị đặt trong trạng thái thôi miên đã miêu tả rằng kẻ tấn công mình bị thọt và hồi tưởng cảm giác bị chân người khác đè mạnh vào cổ. Bồi thẩm đoàn sau đó tuyên Sam vô tội.

Cũng nhờ thôi miên pháp y mà cảnh sát đã tìm ra Ted Bundy - tên sát nhân hàng loạt khét tiếng ở Mỹ. Từ khi bắt đầu giết người tới khi bị bắt, hắn khai đã theo dõi và sát hại hơn 30 nữ sinh. Một ngày, khi bước chân vào ký túc xá, nữ sinh Nita Neary trông thấy một người đàn ông chạy từ cầu thang xuống với một chiếc dùi cui trong tay. 

Cô phát hiện bốn cô bạn sống cùng nhà đã bị đánh đập dã man, hai người sau đó tử vong. Một tuần sau, khi được phỏng vấn trong trạng thái bị thôi miên, Nita Neary đã lựa ra Ted Bundy trong tập ảnh nghi phạm do cảnh sát cung cấp.

Khoảng một tháng sau đó, Clarence Anderson trông thấy một người đàn ông đi chiếc xe van trắng bắt cóc bé gái Kimberly Leach 12 tuổi ở trường học. Sau khi được đưa vào trạng thái bị thôi miên để khôi phục trí nhớ, anh này đã xác minh kẻ bắt cóc chính là Ted Bundy. Sau hai lần vượt ngục và 11 năm xét xử và kháng cáo, Ted Bundy cuối cùng đã chịu thừa nhận tội ác và phải ngồi ghế điện sau đó.

Giá trị pháp lý

Theo nhiều nhà nghiên cứu, khi ở trong trạng thôi miên, bạn trở nên tập trung cao độ và dễ bị ám thị.

Lời khai hoặc chứng cứ được trích xuất nhờ thôi miên có được chấp nhận tại tòa án hay không tùy thuộc vào luật pháp của từng quốc gia. Dù không chấp nhận thôi miên là một công cụ điều tra chính thức, Tòa án tối cao Mỹ vẫn đánh giá: "Phương pháp thôi miên có phần không chắc chắn, nhưng những biện pháp phòng ngừa mang tính thủ tục sẽ giảm thiểu khả năng người bị thôi miên bị định hướng khi trong trạng thái dễ bị tác động". 

Theo tòa, những biện pháp phòng ngừa ở đây bao gồm yêu cầu về bằng cấp của chuyên gia thôi miên, môi trường xét hỏi phải trung lập, diễn biến và nội dung trước, trong và sau buổi thôi miên cần được ghi hình và ghi chép thành biên bản.

Dù vậy, nó còn nhiều khuyết điểm và rủi ro. Hơn nữa ký ức của một người dù được gợi lại và tăng cường nhưng vẫn hoàn toàn chỉ là chủ quan, phiến diện.

Theo Justice, chính vì thế mà chứng cứ lấy từ thôi miên chỉ có thể được coi là một nguồn tham khảo và cung cấp manh mối điều tra, không thể được coi là xác đáng. Chẳng hạn, chuyên gia thôi miên có thể "mớm" cho người bị thôi miên một đặc điểm nào đó về ngoại hình, màu mắt, chiều cao… của hung thủ và khiến người này tưởng thật. 

Đồng thời, khi bị đặt trong trạng thái thôi miên, một người có thể bị định kiến của mình dẫn dắt, gây ảnh hưởng tới cách thức người này diễn giải tình huống trong quá trình gợi nhớ. Bên cạnh đó, một người có động cơ nói dối vẫn có khả năng nói dối trong khi bị thôi miên; và nếu trong ký ức có khoảng trống, người này có thể đưa vào đó những tình tiết sai sự thật để tư lợi cá nhân.

Trên thực tế, có rất nhiều cảnh sát của các thành phố lớn của Nga hiện nay đảm nhiệm vai trò chuyên gia về thuật thôi miên. Một trong những người nổi tiếng trong lĩnh vực này là Đại tá Alexei Skripnikov. Thành tích gần đây nhất của ông là giúp cảnh sát Permi bắt được một kẻ giết người hàng loạt nhiều năm liền chạy trốn trong thành phố lớn đông dân. 

Tên này có đặc điểm là hay tấn công cảnh sát để giật súng và đi gây tội ác. Nhờ thôi miên một số nhân chứng, Skripnikov đã phác họa được chân dung của tên giết người hàng loạt. Sau đó bức phác họa chân dung của hắn đã được dán trên toàn quốc và hắn nhanh chóng bị bắt không lâu sau đó. Hắn là một lính cứu hoả, hành tung khá bí ẩn và là kẻ thoắt ẩn thoắt hiện, di chuyển rất nhanh.

Trường Vân
.
.
.