Mỹ: Sở Cảnh sát Chicago bị điều tra

Thứ Hai, 14/12/2015, 11:00
Tuyên bố hôm 8-12 của Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cho thấy, giới chức Mỹ quyết tâm làm rõ những sai phạm tại Sở Cảnh sát Chicago, cho dù nhân viên cảnh sát Chicago Jason Van Dyke đã bị xét xử và đang chờ phán quyết của toà sau khi bắn chết thiếu niên da màu 17 tuổi Laquan McDonald hôm 20-10-2014.
"Chúng tôi sẽ xem xét một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng vũ lực của Sở Cảnh sát Chicago, bao gồm việc sử dụng vũ lực gây chết người và những sự bất công khác trong việc sử dụng vũ lực và cơ chế trách nhiệm của họ", bà Loretta Lynch nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 8-12. Ngoài ra, nữ Bộ trưởng Tư pháp cũng cho rằng, mọi người dân Mỹ trông chờ và xứng đáng nhận được sự bảo vệ hữu hiệu, nhanh chóng, thể hiện sự tôn trọng, và quan trọng nhất là hợp hiến của giới chấp pháp.

Bộ Tư pháp quyết định điều tra Sở Cảnh sát Chicago sau khi cuốn băng video được công bố hồi hạ tuần tháng 11 tiết lộ hành vi sai trái của cảnh sát Jason Van Dyke khi bắn chết Laquan McDonald. Và trọng tâm của cuộc điều tra tập trung vào việc cải thiện hệ thống, chứ không phải chỉ ra những cá nhân vi phạm.

Hãng AP cho rằng, cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh có nhiều cuộc biểu tình nổ ra sau khi Sở Cảnh sát Chicago công bố cuốn băng chỉ rõ hành vi sát hại dã man Laquan McDonald của cảnh sát Jason Van Dyke. Bởi Laquan McDonald được cho là cố gắng chạy thoát khỏi các nhân viên cảnh sát trên một con đường thì bị cảnh sát Jason Van Dyke, người vừa bước ra khỏi xe tuần tra của mình nổ súng bắn từ khoảng cách rất gần.

Chicago sa thải cảnh sát trưởng sau vụ bắn người da đen.

Thậm chí khi Laquan McDonald đã gục xuống, cảnh sát Jason Van Dyke vẫn tiếp tục nổ súng. Điều đáng nói là đoạn video này không có âm thanh và giới chức Chicago cũng từ chối giải thích tại sao lại như vậy. Được biết, mặc dù Sở Cảnh sát Chicago đã chấp thuận chi 5 triệu USD để bồi thường cho gia đình Laquan McDonald trước khi họ quyết định khởi kiện và cố gắng dàn xếp để đoạn video kể trên không phải công bố rộng rãi, nhưng bất thành.

Sở Cảnh sát Chicago và Thị trưởng Rahm Emanuel đang phải chịu áp lực rất lớn về cách hành xử của cảnh sát Jason Van Dyke trong cái chết của Laquan McDonald. Bởi tại phiên toà hôm 24-11, cảnh sát Jason Van Dyke đã bị buộc tội giết người cấp độ một. Và trong tuyên bố ngày 24-11, Thị trưởng Rahm Emamuel khẳng định, người dân Chicago đã mất niềm tin vào cảnh sát và vụ việc hôm 20-10-2014 đã tạo làn sóng phẫn nộ ở thành phố này, căng thẳng sắc tộc trở nên phức tạp.

Mặc dù Thị trưởng Chicago đã quyết định sa thải Giám đốc Sở Cảnh sát Garry McCarthy hôm 1-12, nhưng nhiều người dân vẫn đang yêu cầu ông Rahm Emanuel phải từ chức. Tại cuộc biểu tình hôm 6-12, khoảng 200 người đã yêu cầu Thị trưởng Ralm Emnuel từ chức bằng cách đếm từ 1 đến 16 để thể hiện số phát đạn mà cảnh sát Jason Van Dyke đã bắn vào người Laquan McDonald.

Lãnh đạo nhóm đấu tranh đòi nhân quyền tại Chicago, ông Jesse Jackson tuyên bố, tuy đồng tình với quyết định điều tra Sở Cảnh sát Chicago của Bộ Tư pháp, nhưng yêu cầu không giới hạn trong Sở Cảnh sát, mà phải "lan sang" Văn phòng Thị trưởng và Văn phòng Công tố hạt Cook bởi họ đã quá chậm trong việc xét xử cảnh sát Jason Van Dyke. Dư luận địa phương cho rằng, Sở Cảnh sát Chicago đã cố tình che đậy vụ bắn chết Laquan McDonald.

Giới truyền thông cho biết, nhà báo Brandon Smith, người có công trong việc buộc Sở Cảnh sát Chicago phải công bố cuốn băng video quay đoạn cảnh sát Jason Van Dyke giết người, tiếp tục khẳng định, chính quyền thành phố vẫn đang che giấu nhiều bằng chứng xung quanh vụ án này. Đó là một số video quay từ xe cảnh sát đoạn cảnh sát Jason Van Dyke giết người, và những thư điện tử của các sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường gửi cho nhau sau đó.

Tờ New York Times còn cho rằng, Sở Cảnh sát Chicago đã xóa 86 phút trong đoạn video của máy quay an ninh từ một cửa hàng Burger King, ngay sát địa điểm Laquan McDonald bị bắn chết. 4 tháng trước (tháng 8-2015), nhà báo Brandon Smith đâm đơn kiện sau khi biết Sở Cảnh sát Chicago đã bác 14 đơn yêu cầu trước đó, đề nghị công bố bằng chứng về vụ bắn chết Laquan McDonald theo Luật Tự do thông tin Mỹ. Và đơn của nhà báo Brandon Smith đã được một thẩm phán địa phương chấp thuận, buộc Sở Cảnh sát Chicago phải công bố đoạn video kể trên.

Hình ảnh từ video được cung cấp bởi Sở Cảnh sát Chicago cho thấy Laquan McDonald (phải) xuống đường trước khi bị cảnh sát bắn chết ngày 20-10-2014.

Và qua đoạn video mọi người đều nhận thấy, tại hiện trường khi đó không chỉ có cảnh sát Jason Van Dyke, mà còn có ít nhất 8 cảnh sát khác, nhưng không ai can thiệp hay cấp cứu nạn nhân và nhiều khả năng tất cả đều dính líu vào âm mưu che đậy tội ác cho hung thủ. Được biết, sau khi trải qua Lễ Tạ ơn trong tù, ngày 30-11, cảnh sát Jason Van Dyke đã được tại ngoại sau khi đóng 1,5 triệu USD tiền bảo lãnh, chờ ngày toà ra phán quyết cuối cùng.

Trọng Hậu
.
.
.