Mỹ:

Triệt đường dây bác sĩ tuồn thuốc gây nghiện hàng tỷ USD cho tội phạm gây “thảm họa chết chóc”

Thứ Ba, 05/03/2019, 10:42
Cáo buộc cũng nhắm đến những người lừa đảo lợi dụng chương trình của chính phủ. Đó là những người điều hành các chương trình bảo hiểm y tế Medicaid và Medicare nhưng chưa bao giờ thật sự phục vụ dịch vụ y tế này, bao gồm chương trình cai nghiện cho người nghiện.

Ngoài ra cáo buộc cũng nhắm đến các chuyên gia y tế kê đơn những loại thuốc không cần thiết cho bệnh nhân trong chương trình bảo hiểm y tế để lấy tiền chính phủ. Bộ Tư pháp cho biết chính phủ Mỹ đã tổn thất hàng chục tỉ USD từ các đơn thuốc trên. NYT ngày 1-3 cho hay.

Đặt nghề nghiệp vào ngành kinh doanh tội phạm

"Quá nhiều những chuyên gia y tế đáng tin như bác sĩ, y tá và dược sĩ lại chọn cách vi phạm lời thề đạo đức nghề nghiệp và đặt lòng tham lên trước bệnh nhân" - Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tỏ ra tức giận. "Thật đáng kinh ngạc khi có nhiều người đặt nghề nghiệp của họ vào ngành kinh doanh tội phạm nhiều triệu USD này. Họ đã quên mất hậu quả thảm khốc chỉ vì lòng tham" - ông Sessions nói thêm.

412 người làm trong lĩnh vực y tế ở Mỹ vừa bị buộc tội lừa đảo vì kê đơn quá nhiều thuốc giảm đau nhóm opioids, góp phần vào tình trạng nghiện ngập của quốc gia.  Ông Jeff Sessions tuyên bố việc buộc tội này diễn ra trong bối cảnh "cuộc khủng hoảng thuốc chết người nhất trong lịch sử của chúng ta" với gần 60.000 người chết trong năm ngoái vì dùng thuốc quá liều. 

Hãng tin AFP cho biết cáo buộc liên quan đến các bác sĩ và những cá nhân khác đã điều hành các cơ sở y tế chuyên cung cấp thuốc kém chất lượng với những liều thuốc giảm đau có tính gây nghiện nặng như oxycodone ra đường phố thông qua các đơn thuốc bất hợp pháp.

Trong số những người bị cáo buộc có56 bác sĩ. Sáu người trong số này thuộc một đường dây tại Michigan chuyên kê các đơn thuốc giảm đau không cần thiết cho bệnh nhân và nhận về 164 triệu USD từ các đơn thuốc này. Một bác sĩ tại Houston cũng đã tuồn 2,5 triệu liều hydrocodone và các thuốc khác cho các băng nhóm tội phạm và những người nghiện liên kết với cơ sở y tế của nữ bác sĩ này để trả tiền cho các hóa đơn khống. 

Một trung tâm cai nghiện ở Palm Beach, bang Florida đã lừa lấy của chính phủ 58 triệu USD dù chưa bao giờ cung cấp dịch vụ đã được chính phủ thanh toán này cho các con nghiện. Thay vào đó trung tâm này thuê những con nghiện để dùng tên của họ trên các hóa đơn giả rồi tặng quà cho họ hoặc cung cấp thuốc cho họ. 

Theo kết quả điều tra công bố mới đây, có 120 trong 412 người bị buộc tội liên quan đến thuốc nhóm opioids, còn nhiều người khác liên quan đến việc kê đơn khống và các cơ sở y tế lừa đảo.

Nhiều nhân viên y tế Mỹ đã tham gia lừa đảo (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Vấn đề nhức nhối

Chính quyền bang và các địa phươngtại Mỹ cũng đang đệ đơn kiện đến các nhà phân phối và sản xuất thuốc giảm đau kê đơn nhóm opioids vì góp phần vào đại dịch gây nghiện khi phớt lờ các đơn hàng khả nghi. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã phạt nhà sản xuất thuốc Mallinckrodt Pharmaceuticals 35 triệu USD vì cung cấp và không báo cáo hàng loạt đơn hàng khả nghi loại thuốc oxycodone có tính gây nghiện cao trong những năm 2000. 

Trong một diễn biến có liên quan, theo đài BBC, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen cảnh báo sự lạm dụng thuốc nhóm opioids rộng rãi gắn liền với sự sụt giảm số người Mỹ đi làm hoặc tìm việc. 

"Tôi nghĩ rằng nó liên quan đến sự sụt giảm lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên. Đây rõ ràng là một vấn đề nhức nhối và nghiêm trọng" - bà Yellen cảnh báo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ước tính việc lạm dụng thuốc kê đơn trị giá 78,5 tỉ USD hằng năm có liên quan đến các hoạt động tội phạm, sự quản lý kém dịch vụ chăm sóc sức khỏe,... 

Nhà chức trách liên bang Mỹ  cáo buộc hơn 100 bác sĩ, y tá và chuyên viên vật lý trị liệu ở chính thành phố tham gia vụ lừa đảo đối với Cơ quan bảo hiểm y tế của Mỹ (Medicare). Đây mới chỉ là một phần của mẻ lưới với số lượng nghi can nhiều hơn bất kỳ vụ án nào trong lịch sử ngành y tế Mỹ.

Trước đó, hơn 700 nhân viên pháp luật đã được huy động vào cuộc điều tra trong hai năm để đưa ra ánh sáng vụ lừa đảo quy mô khổng lồ, được cho là gây thiệt hại cho chính phủ khoảng 60-90 tỉ USD mỗi năm. Những nghi can vừa bị pháp luật sờ gáy đã bị cáo buộc lừa đảo chính phủ hơn 225 triệu USD bằng cách gửi hóa đơn thanh toán lừa đảo hoặc không có thật tới Medicare… 
Nguyễn Lai
.
.
.