Mỹ:

Xây kho chứa máy bay không người lái siêu hiện đại ở Nigeria để diệt khủng bố

Thứ Năm, 03/05/2018, 14:25
Theo RT ngày 25-4, việc Mỹ có thêm căn cứ máy bay không người lái (UAV) tại Nigeria được cho là nhằm mục đích ngăn cản mầm mống khủng bố đang phát triển tại đây.

Vào tháng 10-2017, 4 lính đặc nhiệm Mỹ đã thiệt mạng trong một chiến dịch tiêu diệt nhóm khủng bố thề trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Nigeria.

Căn cứ lớn thứ 2 của Mỹ ở châu Phi

Quân đội Mỹ đang xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Nigeria. Đây sẽ là căn cứ chuyên vận hành các máy bay không người lái và là căn cứ lớn thứ 2 của Mỹ ở châu Phi. 

Theo hãng tin AP, không quân Mỹ đang xây dựng nhà chứa máy bay và đường băng cho các UAV MQ-9 Reaper hoạt động dọc vùng Tây Phi. Đây được cho là căn cứ xây dựng theo yêu cầu của chính phủ Nigeria với chi phí khoảng 110 triệu USD.

Giới chức Mỹ không tiết lộ bao nhiêu UAV sẽ được triển khai đến đây. MQ-9 Reaper đang là UAV tấn công mạnh nhất có trong kho vũ khí quân đội Mỹ. Nó có tầm hoạt động 1.600km nên cho phép quân đội Mỹ có thể hỗ trợ hỏa lực và thu thập thông tin tình báo toàn bộ vùng Tây và Bắc Phi. 

Loại UAV này lớn hơn so với MQ-1 Predator thế hệ cũ, đồng thời trang bị đầu dò laser để triển khai bom GBU-12 Paveway II, bom GBU-38 và khả năng mang theo 4 tên lửa đa nhiệm Hellfire.

Kể từ khi lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, đường dây buôn lậu giữa Nigeria và Libya đã phát triển mạnh mẽ. Căn cứ quân sự mới của Mỹ được xây dựng chỉ cách vùng Agadez một vài kilômét, nơi được coi là địa điểm diễn ra hoạt động buôn lậu mạnh mẽ nhất. 

Ma túy, vũ khí và thậm chí là người thường được đưa qua Agadez, sau đó đến Libya hoặc Tunisia rồi băng qua Địa Trung Hải để vào châu Âu. Thực tế, các UAV của Mỹ đang phát huy hiệu quả chống khủng bố, tội phạm ở chính nước Mỹ, Afghanistan, Iraq, Yemen, Lybia thời gian qua.

Trong một phòng khách sạn hồng rực ở bang Edo, miền nam Nigeria, một tay buôn người đang sắp xếp đưa lậu phóng viên CNN băng qua lục địa tới Libya với đích đến là châu Âu. 

Đèn liên tục nhấp nháy trong khách sạn, nơi vừa là nhà chứa vừa là trụ sở của hoạt động buôn người. Hai nữ phóng viên CNN đóng giả là người tị nạn đang tìm đường sang Italy, theo lời giới thiệu của một tay môi giới hợp tác cùng những kẻ buôn người từ châu Phi sang châu Âu. 

Edo là trung tâm đưa lậu người ở Nigeria và là một trong những điểm khởi hành lớn nhất ở châu Phi. Mỗi năm, hàng chục nghìn người nhập cư trái phép được đưa đi từ đây. 

Họ là dân tị nạn chạy trốn khỏi xung đột trong nước hay muốn tìm cơ hội làm ăn đổi đời ở châu Âu. Đa số đều bán hết tài sản để lấy tiền chi trả cho hành trình. Tuy nhiên, phần lớn họ không bao giờ ra khỏi Libya. 

Khi đến bờ biển, họ sẽ bị đòi thêm hàng nghìn đôla để tiếp tục hành trình xuyên Địa Trung Hải. Nếu không có tiền, họ sẽ bị giam giữ trong điều kiện sống tồi tệ, bị bỏ đói, bị bạo hành và bán làm nô lệ. 

Những thước phim năm ngoái về cuộc đấu giá nô lệ ở Libya, nơi một thanh niên khỏe mạnh chỉ có giá 400USD, đã khiến dư luận quốc tế phẫn nộ.

Căn cứ quân sự Mỹ ở Nigeria.

Tội phạm, khủng bố xuyên lục địa đen

Phụ nữ và trẻ em thường xuyên đối mặt bạo lực, lạm dụng tình dục và giam giữ dọc tuyến di cư từ Bắc Phi tới Italy qua Địa Trung Hải, theo báo cáo năm 2017 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). 

"Gần một nửa số phụ nữ và trẻ em được phỏng vấn từng bị lạm dụng tình dục trên đường di cư. Họ bị lạm dụng nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau", trích báo cáo phỏng vấn 122 di dân.

Mới đây, phát biểu bên lề ngày họp thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU), Ủy viên Hòa bình và An ninh AU Smail Chergui khẳng định, tình trạng hỗn loạn tại Libya là điều kiện thuận lợi để các mạng lưới tội phạm và khủng bố phát triển mạnh. 

Cuộc khủng hoảng tại Libya đang thực sự gây ra những tác động tiêu cực đến châu lục, trong đó có Nigeria. Theo ông Chergui, Libya đang trở thành nơi ẩn náu cho các đối tượng khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi nhóm này bị đánh bại tại Trung Đông.

Bên cạnh đó, khủng hoảng Libya còn làm gia tăng các loại tội phạm như buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn người từ Nigeria sang. Đặc biệt, những hình ảnh được CNN công bố về tình trạng người di cư da đen mắc kẹt tại Libya bị buôn bán như nô lệ buộc cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này tìm ra giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng. 

Hàng trăm nghìn người di cư châu Phi đã quá cảnh Nigeria và thông qua bờ biển Libya để tìm cách vượt biển Địa Trung Hải, nhập cư trái phép vào châu Âu.  

Các nước thành viên AU đang cố gắng hỗ trợ hòa bình ở Libya. AU cũng thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan tại Libya để có thể sớm tổ chức một cuộc bầu cử hòa bình, toàn diện và tin cậy. 

Trường Vân
.
.
.