Mỹ áp lệnh trừng phạt với Ngoại trưởng Iran

Thứ Ba, 06/08/2019, 13:50
Ngày 31-7, Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif  bằng cách phong tỏa các tài sản và lợi ích của ông tại Mỹ.


"Javad Zarif là người thi hành các chương trình nghị sự liều lĩnh của lãnh tụ tối cao Iran và là người phát ngôn chính cho chính quyền nước này trên khắp thế giới. Mỹ đang gửi thông điệp rõ ràng tới Tehran rằng, những hành vi gần đây của họ là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố hôm 31-7.

Các biện pháp trừng phạt mà Washington áp dụng với Zarif bao gồm phong tỏa bất kỳ tài sản hoặc lợi ích nào mà ông có ở Mỹ, nhưng Ngoại trưởng Iran khẳng định các biện pháp này là vô ích đối với ông. Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump cũng đang cân nhắc về việc có cấp thị thực cho ông Zarif hay không, bao gồm cả các chuyến đi tới trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.

Ngay sau đó, Tehran gọi hành động của Washington là "đỉnh cao của sự ngu ngốc". Tuy nhiên, ngoài những hậu quả về mặt ngoại giao, lệnh trừng phạt mới của Mỹ có vẻ không có tác động nhiều với ông Zarif bởi ông không có tài sản bên ngoài Iran.

"Mỹ trừng phạt tôi vì họ coi tôi là "người phát ngôn chính cho Iran trên cộng đồng quốc tế". Sự thật đau đớn đến thế ư? Lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới tôi hoặc gia đình tôi, vì tôi không có tài sản hoặc lợi ích bên ngoài Iran. Cảm ơn các bạn vì đã coi tôi như một mối đe dọa lớn với chính sách của Washington”, ông Zarif viết trên Twitter.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran – Abbas Mousavi cũng cho rằng, Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Zarif vì “lo ngại trước kĩ năng đàm phán của ông”. “Đỉnh cao của sự không nhất quán của các lãnh đạo nước Mỹ là họ tuyên bố không coi ông Zarif là một mối đe dọa, nhưng lại áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông”, Mousavi nói. “Mỹ thực tế rất sợ khả năng suy luận và kĩ năng đàm phán của ông Zarif.”

Ông Javad Zarif là nhà ngoại giao hàng đầu của Tehran. Ông từng sống ở Mỹ từ năm 17 tuổi, khi còn là một sinh viên ngành quan hệ quốc tế ở San Francisco và Denver, sau đó trở thành Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc năm 2002 - 2007. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc khiến Iran và các cường quốc ký Thỏa thuận hạt nhân Iran  năm 2015 (JCPOA).

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran gia tăng từ tháng 5-2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, trong đó có Mỹ. Mỹ sau đó nối lại các lệnh trừng phạt cũ nhắm vào Tehran và đơn phương áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt mới, bao gồm cấm các nước mua dầu thô của Iran. Tình hình càng trở nên xấu hơn vào tháng 6 năm nay, sau các vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh mà Mỹ khẳng định Iran là thủ phạm và kêu gọi các nước gia nhập một liên minh tuần tra hàng hải quốc tế.

Ngày 14-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông đã phê chuẩn việc cấp thị thực cho người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tới New York để dự một cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ông Zarif và phái đoàn Iran chỉ được phép di chuyển giữa trụ sở Liên Hợp Quốc và văn phòng phái bộ Iran cũng như chỗ ở của đại sứ Iran cách đó 6 khu nhà.

"Các nhà ngoại giao Mỹ không lang thang quanh Tehran, nên chúng tôi cho rằng phái đoàn Iran cũng không có bất cứ lý do gì để đi lại tự do ở New York. Chúng tôi cấp cho Ngoại trưởng Zarif và phái đoàn của ông ấy toàn bộ quyền mà họ được hưởng theo thỏa thuận với Liên Hợp Quốc, nhưng không có gì hơn", Ngoại trưởng Pompeo nói.

Phản ứng trước quyết định này, ông Javad Zarif  tuyên bố: "Đây chắc chắn không phải là một hành động thân thiện. Nó đẩy các nhân viên ngoại giao đang thực hiện công vụ và gia đình họ vào một điều kiện cơ bản là vô nhân đạo. Nhưng đối với tôi, điều này vẫn ổn vì tôi chẳng có việc gì khác ngoài việc di chuyển trong ba tòa nhà".

Ngoại trưởng Zarif tái khẳng định rằng, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại Iran và nhằm vào các thường dân nước này. Khi được hỏi rằng làm thế nào để có thể hạ nhiệt những căng thẳng giữa Washington và Tehran, ông Zarif cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ phải dừng lại.

Trong khi đó, ngày 30-7, Tổng thống Donal Trump viết một dòng trạng thái ngắn gọn và đầy ẩn í về Iran rằng: “Hãy nhớ rằng: người Iran chưa bao giờ thắng trên chiến trường, nhưng cũng chưa từng thua trên bàn đàm phán”. Ông Trump viết như vậy sau khi có thông tin cho rằng Iran không chấp nhận đề nghị thăm Tehran của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. “Mới đây tôi đã đề nghị được đến Tehran để trực tiếp trò chuyện với người dân Iran. Nhưng chính phủ nước này không đồng ý”, ông Pompeo tiết lộ.

Trước đó, Tổng thống Trump thừa nhận “việc đàm phán với Iran càng ngày càng khó khăn”. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thể hiện dấu hiệu sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng, trước tiên Washington phải loại bỏ lệnh trừng phạt chống lại Tehran. Tuy nhiên, với động thái mới nhất này của Mỹ, hai bên đang ngày càng khó tìm tiếng nói chung.

Minh khuê (tổng hợp)
.
.
.