Không có gì mà ầm ĩ cả

Mỹ cảm hay nhục cảm

Thứ Ba, 03/04/2018, 10:11
Nhóm tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu bỗng dưng nổi như cồn khi có người đưa ảnh lên mạng. Ai cũng biết 12 bức tượng này đều không giấu bộ phận sinh thực khí.


Nhiều bài báo coi bộ tượng này “dung tục”. Cư dân mạng mò vào xem thì người phẫn nộ, người chê xấu, kẻ cười phá lên như bị ma làm. Ngay sau đó thấy các bức tượng này được che bằng vải hoặc lá nho hoặc bất cứ cái gì có khả năng đậy. 

Xem ảnh, người ta lại càng cười tợn. Đến đây lại nhớ tới quái kiệt Nguyễn Bảo Sinh được người đời coi là "thi sĩ dân gian" có viết "Ai mà cũng cởi hết ra/ Đứa mặc quần áo lại là khiêu dâm".

Tác giả bộ tượng Hòn Dáu cảm ơn những phản hồi và lý giải chuyện đó là bình thường với thế giới. Nhà điêu khắc dẫn ra những tượng cổ Hy Lạp đều khỏa thân và không hề giấu giếm sinh thực khí. Việc bức xúc hay không  chỉ do thói quen mà thôi.

Quả là vậy. Những kiệt tác tượng Hy Lạp, La Mã đều cho phép bộ phận sinh dục được "biểu diễn" rất hồn nhiên. Ai có dịp đi châu Âu đều có thể chiêm ngưỡng tận mắt tượng David khỏa thân cùng rất nhiều tượng khác gắn với kiến trúc ở trạng thái hoàn toàn không che đậy. Dung tục hay không là do mắt người.

Danh họa Francisco Goya để lại hai bức tranh người đàn bà giống hệt nhau nhưng chỉ khác ở chỗ, một bức khỏa thân, bức kia "kín cổng cao tường". Ai xem cũng tấm tắc với bức khỏa thân và thấy quần áo của bức kia rất thừa.

Minh họa: Tả Từ

Chớ lầm tưởng châu Âu coi việc khỏa thân là lẽ thường. Thực tế thì chẳng có sự tự do nào tự đến cả. Sự kiểm duyệt thời nào cũng có dựa trên cơ sở thói quen, văn hóa thời đó. 

Sau đứt gãy văn hóa Hy Lạp cổ đại, suốt chục thế kỷ vẽ phục vụ tôn giáo, các họa sĩ châu Âu chỉ được phép vẽ các vị Thánh đầy đủ trang phục. Thậm chí khuôn mặt Thánh cũng buộc phải giống nhau. 

Sau nhiều nỗ lực vượt rào thì những bức khỏa thân cũng đã được cho phép công bố. Nhưng có những giới hạn. Thí dụ vẽ sinh thực khí cả nam và nữ đều phải nhẵn nhụi như da em bé. Không có tý "rừng rậm" nào được phép "xanh tốt". 

Ngay cả sinh thực khí nam cũng thường được vẽ kích thước nhỏ hơn thực tế, thậm chí cho cảm giác chưa trưởng thành. Thói quen đương thời coi kích thước lớn là sự thô bỉ.

Văn hóa cổ Ấn Độ thế kỷ 12 để lại nhiều ngôi đền tạc vô số phù điêu là những cảnh giao hoan. Trong đó nổi bật là đền Khajuraho được các nhà nghiên cứu quan tâm. Với người nơi khác, ngắm những bức phù điêu và tượng phồn thực này thì rất dễ bị sốc. 

Một nhà phê bình mỹ thuật xứ ta có hỏi cảm nghĩ của người trông coi đền thì ông ấy cười mà rằng: “Tôi đã thử sáng tạo theo cách của các cụ nhưng theo không  nổi. Chịu các cụ".

Quay trở lại ngắm những bộ tượng nhà mồ Tây Nguyên của chúng ta thì chắc còn sốc hơn nhiều bởi các tác giả đã cường điệu kích thước sinh thực khí tới mức không tưởng. Hội Ná Nhèm ở Bắc Sơn, Lạng Sơn cũng rước sinh thực khí nam nữ gọi là tàng thinh và mặt nguyệt. 

Riêng tàng thinh thì tạo hình rất nam tính và có kích thước non một quả tên lửa Buk (SA11). Cả hội vui vẻ tưng bừng đón rước mà không ai băn khoăn. Lễ hội độc đáo này thu hút rất nhiều khách thập phương. Trong đó phần lớn là phụ nữ. Chị em kéo đến chụp ảnh tay chạm vào vật thiêng cười đắc ý.

12 con giáp ở Hòn Dáu mang lại mỹ cảm hay nhục cảm phụ thuộc vào năng lực của tác giả và người xem. Vấn đề giản dị chỉ là đẹp hay xấu mà thôi.

Nếu bộ tượng xấu xí mà vẫn thu hút khách du lịch thì nên chăng xây dựng thương hiệu xứ sở hay thế giới tượng xấu nhất thế giới. Biết đâu đó là địa chỉ cho du khách thư giãn. Một nụ cười bằng 10 thang thuốc.

Còn bạn. Bạn thích thư  giãn hay ngắm cái gì cũng lăm lăm trong tay thước đo?

Lê Tâm
.
.
.