Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Thứ Ba, 24/11/2020, 10:10
Ngày 22-11, Mỹ đã thông báo chính thức rút khỏi hiệp ước quốc phòng Bầu trời Mở, 6 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm thỏa thuận.

"Mỹ đã thực thi quyền của mình theo khoản 2, Điều 15 trong Hiệp ước Bầu trời Mở vào ngày 22-5, báo trước cho toàn bộ các nước liên quan về quyết định rút khỏi thỏa thuận này. 6 tháng đã trôi qua, Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận vào ngày 22-11 và không còn là thành viên trong Hiệp ước Bầu trời Mở", thong cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Quyết định rút khỏi hiệp ước được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau nhiều tháng đánh giá, trong đó Washington cáo buộc Moskva liên tục vi phạm thỏa thuận như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Washington cũng cho rằng Moskva lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh.

Máy bay trinh sát OC-135B của Mỹ chuyên thực hiện các chuyến bay trong hiệp ước.

Hiệp ước Bầu trời Mở được Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu ký năm 1992, có hiệu lực năm 2002, nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự. Theo hiệp ước, 35 quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. Thỏa thuận cho phép những đồng minh và đối tác của Mỹ tiếp cận dữ liệu không ảnh độ nét cao, ngay cả khi họ không có mạng lưới vệ tinh trinh sát hiện đại. Quan chức Lầu Năm Góc khẳng định quân đội Mỹ dự định chia sẻ dữ liệu tình báo và trinh sát từ các vệ tinh với đồng minh NATO nhằm bù đắp khoảng trống thông tin sau khi Washington rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở.

Sau khi Mỹ thông báo chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trởi Mở, Nga cho biết sẽ tìm kiếm sự bảo đảm chắc chắn của các bên còn lại để thúc đẩy thực thi đầy đủ những nghĩa vụ đã cam kết. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Nga luôn sẵn sàng cho tất cả các phương án. Nga sẽ cẩn trọng theo dõi những tuyên bố và hành động của các bên tham gia Hiệp ước, đánh giá lợi ích an ninh của Nga và các đồng minh để đưa ra những quyết định tương xứng.

Trưởng đoàn đàm phán Nga về các vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, ông Konstantin Gavrilov cho biết sau khi Washington rút khỏi hiệp ước, một số nhiệm vụ thiết thực sẽ nằm trong chương trình nghị sự, trong đó có công tác phân bổ các chi phí tài chính liên quan đến hoạt động của Ủy ban Tham vấn Bầu trời Mở (OSCC), bổ nhiệm 2 chủ tịch của các nhóm chuyên viên không chính thức thay thế các đại diện của Mỹ và xác định địa vị của Washington. Ông hy vọng rằng hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên trong tất cả các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của OSCC sẽ tiếp tục được thực hiện không gián đoạn. Ông Gavrilov cho biết thêm Moskva không loại trừ khả năng chính quyền mới sắp tới ở Mỹ có thể tham gia trở lại Hiệp ước.

Trong một tuyên bố từ Berlin ngày 22-11 liên quan việc Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ lấy làm tiếc về động thái của Mỹ, đồng thời tái khẳng định lập trường của Đức coi Hiệp ước Bầu trời Mở là cấu thành quan trọng của cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu. Ngoại trưởng Maas nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về việc Mỹ đã ra quyết định và hiện thực hóa việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Quan điểm của Đức đối với Hiệp ước vẫn không thay đổi: Chúng tôi coi đây là một cấu thành quan trọng của cấu trúc kiểm soát vũ khí vốn góp phần vào việc xây dựng niềm tin lẫn nhau và qua đó đảm bảo an ninh tốt hơn ở Bắc Bán cầu từ Vladivostok đến Vancouver".

Máy bay do thám của Quân đội Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Maas, Đức chắc chắn sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước này, trong đó có việc mua sắm máy bay giám sát mới Airbus A319. Ngoài ra, Đức cũng cam kết hiện đại hóa toàn diện việc kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu. Ông cho rằng cần phải điều chỉnh các hiệp ước đa phương hiện có cũng như tạo ra các cơ chế xây dựng niềm tin mới để có thể sẵn sàng ứng phó với các thách thức đối với hòa bình và an ninh trong thế kỷ này. Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh Berlin sẽ kiên quyết tiếp tục cùng các đối tác giải quyết các nhiệm vụ khó khăn này.

Trước đó, vào tháng 5- 2020, các thành viên NATO và một số nước Đông Âu nhiều lần hối thúc Mỹ duy trì thỏa thuận do lo ngại Nga sẽ rút khỏi hiệp ước để đáp trả, gây suy yếu an ninh trong khu vực.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.