Mỹ điều tra về lỗi túi khí trong xe hơi của Hyundai và Kia

Thứ Năm, 22/03/2018, 08:56
Túi khí trong một số xe của hai hãng sản xuất ôtô của Hàn Quốc là Hyundai và Kia đã không thành công khi bung ra để bảo vệ tài xế và người ngồi cạnh trong một vụ va chạm.

 Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và Cục Quản lý An toàn Giao thông quốc gia (NHTSA) quyết định mở cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Đại diện của NHTSA trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng NPR ngày 17-3 cho biết, cơ quan này quyết định mở cuộc điều tra về những lỗi có thể xảy ra đối với 425.000 xe ôtô do các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc sản xuất. Đồng thời, cơ quan này cũng đang xem liệu cùng một vấn đề có thể xảy ra trong các loại xe do các công ty khác nhau thực hiện hay không. 

Một báo cáo của NHTSA được công bố hôm 10-3 cũng cho thấy, nhiều xe Hyundai Sonata phiên bản 2011 và xe Kia Forte phiên bản 2012-2013 tại Mỹ gặp nhiều vấn đề khi vận hành. Ít nhất 6 tai nạn đã xảy ra và trong các vụ mới nhất, 4 người đã thiệt mạng, 6 người bị thương do lỗi túi khí của xe. 

Tháng 4 năm 2017, Mỹ đã triệu hồi 572.000 xe Hyundai Sonata và Santa Fe phiên bản 2013-2014 được nhà máy Hyundai ở Montegomery, bang Alabam sản xuất. 

Hôm 27-2, Hyundai đã tuyên bố, từ ngày 20-4, hãng sẽ thu hồi gần 155.000 chiếc Sonata phiên bản 2011 do lỗi túi khí. Kỹ sư của Hyundai cho biết, trục trặc đến từ hệ thống kiểm soát túi khí, với nguy cơ đoản mạch, dẫn tới việc túi khí trước, túi khí bên và hệ thống căng đai dây an toàn có thể bị vô hiệu hoá nên sẽ không hoạt động đúng chức năng bảo vệ người ngồi trên xe khi xảy ra va chạm. 

Trong khi đó, hãng Kia cho biết, họ chưa phát hiện được lý do nào dẫn đến lỗi túi khí của xe Kia Forte trong khoảng thời gian từ 2002-2013. Kia khẳng định sẽ có hợp tác chặt chẽ với NHTSA để điều tra và "hành động ngay lập tức để tiến hành thu hồi an toàn nếu có quyết định này". 

Tuy nhiên, theo một khiếu nại tiêu dùng được trích dẫn trong các tài liệu điều tra của NHTSA, hãng Kia đã được thông báo về vụ tai nạn gần Oakland, trong đó túi khí không được triển khai và một hành khách bị chết. 

Trước đó, vào tháng 10 năm 2015, một đơn khiếu nại được gửi lên NHTSA cũng chỉ ra rằng một chiếc Kia Forte đời 2012 có liên quan đến một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào tháng 7 năm 2013. 

Một hành khách đã chết và người lái xe bị thương. Theo đơn khiếu nại, Kia Forte được thông báo, tính túi khí đã được thử nghiệm và nó đã không hoạt động được…

Hồi năm 2014, Hyundai và Kia cũng đã phải nộp phạt 350 triệu USD vì tội khai khống khả năng tiết kiệm nhiên liệu của các xe do hai hãng sản xuất.

Hyundai và Kia là hai nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nhì của Hàn Quốc. Các sản phẩm của Hyundai và Kia luôn được người Mỹ ưa chuộng. Thống kê cho thấy, Hyundai đã bán ra 225.961 chiếc Sonata tại Mỹ trong năm 2011 và 196.623 chiếc trong năm 2010 (khi phiên bản 2011 đã có mặt trên thị trường). 

Con số này là khá lớn so với tổng số 538.228 xe Hyundai bán ra tại Mỹ trong năm 2010 và 645.691 chiếc trong năm 2011. Nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc đã đạt đỉnh cao doanh số tại Mỹ vào năm 2016 với 768.057 xe bán ra, cao gần gấp đôi mức 400.000 xe của cách đó một thập kỷ. 

Cùng với Sonata, các mẫu Elantra và Santa Fe cũng là các xe bán chạy nhất của Hyundai. Riêng Kia thì theo kết quả cuộc khảo sát về chất lượng do Công ty Nghiên cứu thị trường J.D.Power thực hiện trong nhiều năm qua, Kia là thương hiệu xe hơi chất lượng nhất ở Mỹ. 

Những chiếc xe Kia được cho là chỉ xảy ra 72 sự cố/100 chiếc xe. Tuy vây, NHTSA cho rằng, những rắc rối mới nhất của Hyundai và Kia đã khiến cơ quan này phải xem xét lại mọi đánh giá về chuẩn mực an toàn xe hơi. 

Các phân tích kỹ thuật của NHTSQ cho thấy không chỉ dòng xe Kia Forte mà cả Kia Spectra đời 2007-2009 cũng bị lỗi do hệ thống phân loại tự động không hoạt động hiệu quả. 

Ước tính có 186.000 xe bị ảnh hưởng và 43 yêu cầu điều tra từ người sử dụng. Lỗi này khiến cho túi khí không mở ra khi đủ lực hoặc không hoạt động trong các tình huống tai nạn và NHTSQ sẽ phải điều tra đánh giá phạm vi nguy hiểm của lỗi cũng như việc liệu các xe này có bị thu hồi hay không.

Chi Anh
.
.
.