Mỹ mất bom hạt nhân

Thứ Hai, 07/09/2020, 13:13
Theo báo chí nước ngoài, mới đây một người thợ lặn đã phát hiện ra quả bom hạt nhân Mark 4 nghi là của Mỹ đánh rơi từ năm 1950 tại vùng biển gần British Columbia, Canada làm dấy lên mối lo ngại trên toàn thế giới.


Nhiều người biết rằng quân đội Mỹ phân loại các tai nạn hạt nhân theo mức độ nặng nhẹ gọi là "mũi tên gãy'', "giáo gãy" hay "lưỡi dao cùn" v.v... Trong đó tai nạn "mũi tên gãy" là nghiêm trọng nhất bao gồm bom hạt nhân bị mất, bị nổ và thả nhầm. Kể từ khi quân đội Mỹ được trang bị vũ khí hạt nhân đã để xảy ra hàng trăm vụ tai nạn "giáo gãy", trong đó có gần một trăm vụ để mất đầu đạn hạt nhân và cho đến nay vẫn còn hơn một chục quả bom hạt nhân chưa tìm thấy, phần lớn chúng bị chìm ở dưới đáy biển sâu mà khả năng kỹ thuật hiện tại chưa thể với tới được. 

Quả bom hạt nhân được cho là bị thất lạc đầu tiên là vào ngày 13 tháng 2 năm 1950. Đây là vụ tai nạn hạt nhân thuộc loại "giáo gãy" đầu tiên ở Hoa Kỳ. Hôm đó, một máy bay ném bom B-36 thuộc liên đội bay máy ném bom số 7 của không quân Mỹ đang trên đường từ Alaska đến Texas. Chiếc máy bay B-36 mang theo một quả bom hạt nhân Mark 4 có sức công phá bằng 30.000 tấn thuốc nổ TNT có tên là "tháng béo" một mẫu bom giống với quả bom hạt nhân đã ném xuống Nagasaki, Nhật Bản. Khi chiếc máy bay ném bom B-36 bay về phía bờ biển British Columbia thuộc Canada thì bất ngờ bị trục trặc, 3 động cơ mất kiểm soát và bốc cháy.

Các thành viên phi hành đoàn đã buộc phải thả quả bom hạt nhân xuống Thái Bình Dương nhằm giảm tải nhưng may mắn là quả bom hạt nhân này không được trang bị lõi plutonium cần thiết để gây ra vụ nổ nên quả bom đã không phát nổ nhưng các thành phần lõi uranium đã bị thất lạc và vẫn chưa được tìm thấy.

Bom hạt nhân Mark 4 của Mỹ.

Ngày 10 tháng 3 năm 1956, quân đội Mỹ lại để xảy ra một vụ tai nạn bom hạt nhân khác. Ngày hôm đó, một máy bay ném bom B-47 của Hoa Kỳ bay từ căn cứ không quân McDill ở Florida đến một căn cứ không quân ở nước ngoài. Khi chiếc máy bay B-47 bay ở độ cao 7.000m đang chuẩn bị để tiếp nhiên liệu trên không thì bất ngờ biến mất khỏi màn hình radar, lúc đó chiếc máy bay ném bom này đang mang theo 2 quả bom hạt nhân. Sau vụ tai nạn, quân đội Mỹ thậm chí không thể tìm thấy xác máy bay và hai quả bom hạt nhân trên máy bay. Cho đến nay vẫn chưa có tin tức gì về chiếc máy bay bị mất tích này, đây là quả bom hạt nhân thứ 2 và thứ 3 mà Mỹ bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy.

Ngày 28 tháng 7 năm 1957, một máy bay vận tải C-124 của không quân Hoa Kỳ đang vận chuyển 3 quả bom hạt nhân từ căn cứ không quân Dover. Khi bay qua Đại Tây Dương chiếc máy bay xảy ra sự cố về bộ phận cơ khí nên không thể bay với trọng tải quá nặng. Để bảo đảm an toàn cho chính mình các thành viên phi hành đoàn đã phải thả bỏ hai quả bom hạt nhân xuống biển để giảm tải. Hai quả bom hạt nhân này đã rơi xuống một khu vực sâu thẳm ở Đại Tây Dương và cũng coi là bị mất tích, đây là hai quả bom hạt nhân thứ 4 và thứ 5 của Hoa Kỳ bị mất tích.

Trong các vụ tai nạn về bom hạt nhân của Mỹ thì vụ tai nạn của máy bay ném bom B-47 có thể nói là vụ tai nạn hạt nhân lớn nhất. Ngày mùng 5 tháng 2 năm 1958, hai máy bay ném bom B-47 của không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Atsugi Stead ở Florida cùng với máy bay tiêm kích F-86 để tham gia cuộc tập trận mô phỏng việc đánh chặn, một trong hai chiếc máy bay ném bom B-47 có mang theo quả bom khinh khí Mark 15. Buổi tối hôm đó, máy bay tiêm kích F-86 cất cánh từ căn cứ Charleston để luyện tập "đánh chặn" máy bay ném bom B-47. 

Trong bóng tối, máy bay chiến đấu F-86 chỉ có thể dựa vào radar dẫn đường để phát hiện máy bay ném bom B-47 nhưng không hiểu sao radar dẫn đường của máy bay tiêm kích F-86 chỉ nhìn thấy một máy bay ném bom B-47. Khi phi công đang thắc mắc vì sao thì máy bay tiêm kích F-86 bất ngờ va vào cánh phải của chiếc B-47 khác. Sau khi va chạm, phi công lái máy bay tiêm kích F-86 buộc phải nhảy dù, còn chiếc máy bay ném bom B-47 bị hỏng cánh phải và phi hành đoàn đã cố gắng giữ ổn định bay đến căn cứ không quân Hunter nhưng những người chỉ huy căn cứ không quân này sợ bom hạt nhân trên máy bay phát nổ đã không đồng ý cho chiếc B-47 hạ cánh. 

Không còn cách nào khác phi hành đoàn chiếc máy bay C-47 phải bay đến vùng biển gần đảo Tybee ở Georgia và thả quả bom hạt nhân xuống. Quả bom này cũng cho là bị thất lạc cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy, nó đã trở thành quả bom hạt nhân thứ 6 của Hoa Kỳ bị mất tích.

Ngư lôi hạt nhân Mark 45 của Mỹ.

Ngày 25 tháng 9 năm 1959, một máy bay chống ngầm P5M của hải quân Hoa Kỳ trong khi tuần tra đã đâm xuống vùng biển của đảo Whidbey gần Puget Sound. Chiếc máy bay này mang theo một quả bom hạt nhân chống ngầm và quả bom cùng với chiếc máy bay P5M đã nằm yên ở dưới đáy biển, quả bom này cũng không được tìm thấy trở thành quả bom hạt nhân thứ 7 của Hoa Kỳ bị mất tích.

Ngày 24 tháng 1 năm 1961, một máy bay ném bom B-52 đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở trên vùng trời Goldsboro, bắc Carolina thì đột nhiên cánh máy bay xảy ra sự cố, chiếc máy bay này sau đó bị nổ ở trên không, hai quả bom hạt nhân trong khoang bom bị rơi tự do, một quả được mở dù và hạ cánh từ từ, còn một quả thì dù không mở nên rơi xuống một cánh đồng vá chui sâu vào lòng đất. 

Khi lực lượng cứu hộ của không quân Hoa Kỳ đến tìm kiếm, đội quân cứu hộ đã đào sâu xuống hơn 15m nhưng vẫn không tìm thấy quả bom đâu. Để đảm bảo rằng quả bom hạt nhân này sẽ không rơi vào tay người khác chính phủ Hoa Kỳ đã phải chi tiền ra mua lại khu đất nông nghiệp còn ẩn dấu quả bom hạt nhân này. Đây là quả bom hạt nhân thứ 8 của Hoa Kỳ bị mất tích.

Ngày 5 tháng 12 năm 1965, tàu sân bay "Ticonderoga" sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam trở về Nhật Bản thì một chiếc máy bay cường kích A-4 "Sky Eagle" mang một quả bom khinh khí B-43 đã vô tình bị trượt từ dàn nâng của tàu sân bay rơi xuống biển. Chiếc máy bay mang theo quả bom hạt nhân cùng với viên phi công bị chìm dưới độ sâu 4.850 mét nên việc trục vớt chiếc máy bay là không thể nên chiếc máy bay cường kích A-4 và quả bom hạt nhân vẫn bị bỏ lại dưới đáy biển sâu cho đến ngày nay. Vụ để rơi quả bom hạt nhân này đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở Nhật Bản vì nơi bom hạt nhân bị mất chỉ cách quần đảo Ryukyu có 130km và cách Okinawa 320\km. Đây là quả bom hạt nhân thứ 9 của Hoa Kỳ bị mất tích.

Tên lửa đẩy máy bay ném bom B-47 cất cánh

Ngày 22 tháng 5 năm 1968, chiếc tàu ngầm hạt nhân USS SSN-589 "Scorpion" bị đắm cách Azores 400 hải lý về phía tây nam, nguyên nhân vụ tai nạn này vẫn còn là một bí ẩn. Vụ tai nạn đã làm toàn bộ 99 sĩ quan và thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Chiếc tàu ngầm hạt nhân USS SSN-589 chìm dưới đáy biển ở độ sâu 3.000m nên cũng không thể trục vớt được. Ngoài lò phản ứng hạt nhân của con tàu còn có 2 ngư lôi Mark 45 mang đầu đạn hạt nhân W34. Đây là quả bom thứ 10 và thứ 11 của Hoa Kỳ bị mất tích.

Ngoài 10 quả bom hạt nhân được ghi nhận vẫn chưa tìm thấy sau khi mất tích, quân đội Mỹ còn để xảy ra nhiều vụ bom hạt nhân bị hư hại do máy bay chiến đấu bị rơi dẫn đến rò rỉ chất phóng xạ. Nếu tính tất cả các vụ tai nạn hạt nhân lớn nhỏ của Hoa kỳ thì có đến hàng trăm vụ. Tất nhiên không chỉ có Mỹ, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều để xảy ra những tai nạn đáng tiếc, riêng Liên Xô cũ nước sở hữu vũ khí hạt nhân đứng đầu thế giới cũng để mất rất nhiều bom hạt nhân. Ví dụ, vào ngày 7 tháng 4 năm 1989, tàu ngầm hạt nhân "Komsomolskaya" của Liên Xô bị chìm ở bắc Đại Tây Dương, trên tàu ngầm này có hai quả ngư lôi mang đầu đạn vẫn chưa được trục vớt. Theo ước tính của Greenpeace, tổng số bom hạt nhân mà Liên Xô bị đánh mất có thể lên tới 30 quả.

Nguyễn Thiêm (Theo "Xinhuanet.com")
.
.
.