Mỹ ra dự luật siết chặt hơn Luật Nhập cư

Thứ Hai, 10/04/2017, 10:16
Người gốc Việt tại Mỹ đang quan tâm trước những thay đổi có tính pháp luật về nhập cư và cho rằng Dự luật RAISE của Hoa Kỳ sẽ siết chặt nhập cư và nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, trong đó có người Việt.


Luật này, theo nhiều nhà nghiên cứu, là nỗ lực không chỉ nhằm giảm thiểu người di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, mà cả người di dân hợp pháp. Nghĩa là, di dân đến Mỹ theo dạng hợp pháp đi nữa, cũng gặp nhiều cản trở hơn, huống hồ đi bất hợp pháp.

Dự luật cũng có nhiều điểm thúc đẩy người được chấp nhận nhập cư hợp pháp làm việc, tạo ra của cải xã hội, giảm thiểu tình trạng được nhập cư rồi cứ việc ngồi nhà ăn trợ cấp. Chính điều này là áp lực và gây ức chế cho người nai lưng làm việc để nuôi người nhập cư ăn trợ cấp.

Một luật sư gốc Việt tại Cali nói với BBC rằng luật mới sẽ "gia tăng khả năng sống tự lập của những người di dân hợp pháp để không trở thành gánh nặng cho của xã hội Hoa Kỳ".

Những người biểu tình tập hợp tại Sân bay Quốc tế Dallas-Fort Worth để phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump tạm thời cấm người tị nạn và công dân của 7 quốc gia.

Dự luật RAISE tạm diễn giải là Cải cách Di trú Mỹ Vì Việc làm tốt, thay đổi luật về di trú theo diện bảo lãnh gia đình. Mỹ điều chỉnh luật này để giảm người di cư ăn theo gia đình.

Các gia đình muốn nhận thêm người thân nhập cư sẽ phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện chặt chẽ hơn, bảo đảm nếu nhận thêm người họ phải tự nuôi, giảm phần trợ giúp từ chính phủ.

Dự thảo luật mới này được hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và David Perdue đề xuất hôm 13-2 vừa qua, lên một ủy ban của Thượng viện.

Họ cho biết mục đích dự luật này là hy vọng nó có thể giúp cắt giảm 40% lượng dân nhập cư tại Mỹ ngay trong năm đầu áp dụng, và giảm đến 50% trong năm thứ mười.

Kể từ khi Trump ra các lệnh hạn chế nhập cư và lệnh cấm đi lại, rất nhiều người đã vội vàng chuẩn bị thủ tục đăng ký nhập tịch.

"Hiện tại, bình quân mỗi năm, nước Mỹ đón gần 1 triệu dân nhập cư, tương đương số dân của cả bang Montana, nhưng ước tính chỉ 1/15 dân nhập cư là có tay nghề cao, còn lại hầu hết ít hoặc không có tay nghề", ông Cotton nói trong cuộc họp báo ra mắt dự luật hôm 7-2.

Và để cắt giảm số lượng nhập cư, Dự luật RAISE chỉ ưu tiên những trường hợp có liên hệ trực tiếp với người bảo lãnh: vợ hoặc chồng, con cái còn độc thân và dưới 21 tuổi.

Ông Cotton cho biết thêm: "Trong trường hợp cha mẹ của công dân Mỹ già yếu cần được chăm sóc, Mỹ sẽ cung cấp một loại thị thực có thể gia hạn cho những người này, với điều kiện họ không được phép đi làm, hay hưởng phúc lợi xã hội, và mọi trợ giúp về tài chính, bảo hiểm sức khỏe phải do con cái là công dân Mỹ cung cấp".

Luật này nếu thông qua sẽ chấm dứt tình trạng được gọi là “Chain immigration” tức nhập cư dây chuyền. Đó là thực tế diễn ra lâu nay, chỉ cần một người qua Mỹ sau đó bảo lãnh vợ, con, gia đình sui gia, anh chị em… Những người này lại tiếp tục bảo lãnh gia đình kế tiếp.

Những người biểu tình tập hợp tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York, ngày 28/1/2017. Sau khi 2 người tị nạn Iraq bị giam khi cố gắng vào đất nước này.

Theo dữ liệu cuối tháng 11-2016 của Trung tâm Visa Quốc gia Mỹ, có hơn 200.000 người Việt đang chờ thủ tục bảo lãnh di trú vào Mỹ.

Nếu RAISE Act được thông qua, chỉ có 8.470 đơn của dạng bảo lãnh diện gia đình 2A là vợ, chồng, con cái dưới 21 tuổi sẽ được chấp nhận. Còn lại hơn 250.000 đơn sẽ bị hủy.

Con số 266.297 này cũng chỉ tính số lượng đơn đã được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua, còn một số lượng lớn đang ứ đọng ở Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS).

Các chuyên gia luật cho rằng nếu được thông qua, dự luật có thể giảm số lượng di dân toàn diện vào Hoa Kỳ từ 1triệu xuống còn khoảng 500.000 người ngay trong năm đầu tiên.

Dự luật RAISE phải được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua, và chỉ trở thành luật sau khi Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Hiện tại, theo giới quan sát, “Khả năng cao sẽ được thông qua và thông qua tương đối dễ dàng” vì lưỡng viện Mỹ đang do phe Cộng hòa kiểm soát tuyệt đối, hành pháp và lập pháp đang trong tay một đảng.

Hiện Tổng thống Trump được cho rằng ủng hộ dự luật, vì nó phù hợp với những ưu tiên trong chính sách về dân nhập cư của ông.

Nhiều di dân lo ngại, đang tranh thủ hoàn tất hồ sơ để hợp pháp hóa, trở thành công dân Mỹ trước khi luật được thông qua.

Phương Nga
.
.
.