Mỹ tái sản xuất “sát thần hủy diệt” BGM-109G Tomahawk

Chủ Nhật, 24/03/2019, 17:04
Sau hơn 30 năm dừng hoạt động, ngày 11-3 Lầu Năm Góc cho hay Mỹ quyết định cho "hồi sinh" phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk nổi tiếng, được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến thuật của Nga.


Phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất của Mỹ từng làm Liên Xô kinh sợ. Sau khi đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí với Liên Xô, loại vũ khí này đã được rút ra khỏi biên chế năm 1991. 

Nhưng theo Business Insider, Lầu Năm Góc đã xác nhận sẽ sớm tái tổ chức lại quá trình sản xuất loại tên lửa hành trình cực khủng mà nước này đã ngưng sử dụng từ cuối Chiến tranh Lạnh sau khi ký Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Intermediate-Range Nuclear Forces - gọi tắt là INF) với Liên Xô.

Loại tên lửa sẽ được Mỹ tái sản xuất lại là BGM-109G. Đây là loại tên lửa hành trình có cơ cấu phóng từ mặt đất và là phiên bản cải tiến từ tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ. 

"Mỹ duy trì và tôn trọng thỏa thuận nhưng đáng tiếc là Nga không làm điều tương tự. Họ vi phạm hiệp ước này và chế tạo vũ khí mới suốt nhiều năm qua trong khi Washington không được phép làm vậy. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF)", Tổng thống Donald Trump tuyên bố. 

Quyết định này được ông Trump đưa ra sau nhiều lần cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước INF khi phát triển tên lửa hành trình Novator 9M729.

Dù nhiều lần khẳng định 9M729 vi phạm Hiệp ước INF, nhưng kể cả khi Nga đưa loại tên lửa này ra họp báo, Mỹ vẫn không tham dự và tiếp tục cho rằng Nga đã cố tình lập lờ. 

Truyền thông Mỹ cho biết, Nga thử tên lửa 9M729 lần đầu vào năm 2008 tại bãi thử Kapustin Yar, vùng Astrakhan. Năm 2014, Nga hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước tên lửa 9M729 cùng các phiên bản cải tiến và phóng thành công một năm sau đó với khoảng cách xấp xỉ 500 km. 

Như vậy, Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm khi sản xuất và phóng thử tên lửa hành trình mặt đất với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Việc này khiến Mỹ đi đến quyết định tái sản xuất và trang bị Tomahawk phóng từ mặt đất.

Trước đó, người ta chỉ biết đến tên lửa hành trình Tomahawk được phát triển để phóng từ tàu chiến hoặc từ máy bay ném bom chiến lược. 

Phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ mặt đất được định danh là BGM-109 Gryphon. BGM-109G Gryphon là tên lửa hành trình do Không quân Mỹ (USAF) vận hành vào cuối những năm 80 và đầu 90 thế kỷ trước. 

Nó thực chất là một chiếc Tomahawk BGM-109A được phóng từ mặt đất, và cũng được chỉ định là Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM), còn được gọi đơn giản là "Glickum".

Gryphon là sản phẩm của chương trình GLCM, do USAF khởi xướng vào năm 1971 như một nỗ lực để phát triển thay thế cho tên lửa hành trình MGM-13 Mace đã lỗi thời. Gryphon được phóng thử nghiệm lần đầu vào tháng 5-1982. BGM-109 Tomahawk được Mỹ đưa vào trang bị năm 1983, cùng năm với phiên bản tên lửa hành trình của Liên Xô là Raduga Kh-55. 

Xét về tính năng, 2 tên lửa có cơ chế dẫn đường tương đương nhau, tuy nhiên Kh-55 hơi nặng hơn và trội hơn nhiều về tầm bắn (3.000 km so với 2.500 km của Tomahawk, các phiên bản nâng cấp của Kh-55 (loại Kh-101) có thể bắn xa tới trên 10.000 km). 

Tuy nhiên, Tomahawk đã được Mỹ sử dụng trong nhiều cuộc chiến, trong khi Kh-55 thì chưa từng được sử dụng trong chiến tranh, cho nên Tomahawk "nổi tiếng" hơn nhiều hơn so với đối thủ Liên Xô của nó.

Đạn tên lửa hành trình BGM-109 Gryphon dài 6,4m, đường kính thân 0,52m và trọng lượng khi phóng 1.470kg. Ngoài đầu đạn thông thường nặng 176kg với thuốc nổ mạnh, tên lửa còn mang được đầu đạn hạt nhân. 

Tên lửa được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W-84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, sử dụng hệ thống dẫn đường INS/TERCOM, được lắp trên hệ thống phóng TEL. BGM-109 Gryphon sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn MK 106, có tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500km. Mỗi hệ thống phóng tự hành có 4 ống phóng mang theo 4 quả tên lửa BGM-109 Gryphon.

Có một vài dạng khác nhau của BGM-109 Tomahawk gồm: loại nguyên khối TLAM-C, loại dải bom chùm TLAM-D, loại hạt nhân TLAM-A và TLAM-N (chưa được sử dụng), loại tên lửa chống tàu (TASM), loại Tên lửa hành trình phóng từ trên cạn (GLCM, đã bị loại khỏi biên chế). 

Loại Block III TLAM được đưa vào sử dụng năm 1993 có thể bay xa hơn và sử dụng Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để tăng độ chính xác. Block IV TLAM có sự phát triển hơn do có hệ thống so sánh ảnh quang học kỹ thuật số về vị trí mục tiêu mà nó sẽ tấn công (DSMAC).

Các chuyên gia quân sự đánh giá tên lửa Tomahawk là thứ vũ khí mang tính bước ngoặt thay đổi quy luật của chiến tranh hiện đại. Trước khi xuất hiện Tomahawk, không quân và bộ binh Mỹ từng phải chịu những tổn thất nặng nề về người và phương tiện trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. 

Với tầm bắn xa của Tomahawk, chỉ cần ngồi một nơi an toàn cách xa chiến trường và phóng tên lửa Tomahawk là có thể phá hủy mục tiêu. 

Sau khi hàng trăm quả Tomahawk tiêu diệt hoặc làm tê liệt các mục tiêu quan trọng có giá trị cao khiến kẻ thù không còn khả năng chống trả hoặc vô cùng yếu ớt thì các lực lượng Mỹ và đồng minh mới vào cuộc giải quyết chiến trường một cách dễ dàng. 

Tuy nhiên, Tomahawk cũng có những hạn chế như: việc lập kế hoạch nhiệm vụ tốn rất nhiều thời gian và phức tạp về yêu cầu thông tin tình báo (phải yêu cầu một loạt thông tin chỉ thị mục tiêu từ các cơ quan như Cục Bản đồ, Bộ Quốc phòng, Tình báo...), sức công phá không đủ để phá hủy các mục tiêu kiên cố vì đầu nổ của tên lửa chỉ nặng 450 kg (ngang với 1 quả bom cỡ nhỏ) nên chỉ có thể tấn công đối phương ở những nơi tương đối dễ bị tổn thương.

Việc xuất hiện trở lại của các loại tên lửa tầm trung cho thấy nguy cơ của cuộc chạy đua vũ trang. Loại tên lửa này nguy hiểm bởi nó có thời gian triển khai nhanh và một khi bắn đi đối phương khó lòng đánh chặn.

Hồng Định
.
.
.