Mỹ tăng cường biện pháp truy quét người nhập cư bất hợp pháp

Chủ Nhật, 28/07/2019, 22:20
Sau 10 ngày triển khai chiến dịch truy quét người nhập cư không giấy tờ trên quy mô lớn, Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) chỉ bắt được 35 người, trong khi mục tiêu đặt ra là hơn 2.000 người. Chính phủ Mỹ buộc phải đưa ra quy trình mới, đồng thời cân nhắc thêm biện pháp gây áp lực cho “nước thứ 3 an toàn”.


Kết quả không như mong đợi

Theo số liệu thống kê đầu tiên do Đài CBS (Mỹ) công bố ngày 23-7 (giờ địa phương), sau khi chính thức triển khai chiến dịch truy quét người nhập cư lậu tại 10 thành phố lớn, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) chỉ bắt được 35 người.

Trong số 35 di dân lậu đã bị bắt, 18 người đã có lệnh trục xuất của tòa án. Rõ ràng đây là những kết quả hết sức khiêm tốn so với mục tiêu bắt 2.100 di dân lậu (tương đương tỷ lệ khoảng 2%) và những cam kết khác của Tổng thống Trump.

Các nhân viên ICE bắt một người nhập cư không có giấy tờ tùy thân trong một cuộc truy quét ở Bushwick, Brooklyn, Mỹ.

Trước thực tế này, Chính phủ Mỹ  thông báo sẽ tăng tốc quy trình trục xuất những người di cư bất hợp pháp vào nước này, bằng cách lược bỏ các khâu giám sát của tòa án, cho phép các quan chức trục xuất những người nhập cư lậu có thời gian ở Mỹ chưa đến 2 năm chỉ trong vòng vài ngày, thay vì vài tháng hay vài năm như quy trình cũ.

Chính phủ cho rằng quy định sẽ giúp tăng tốc việc trục xuất, giảm tải cho các cơ sở tạm giữ và giảm tình trạng căng thẳng tại tòa án di trú, hiện đang tồn đọng hơn 900.000 hồ sơ cần giải quyết. Theo Viện chính sách di cư, gần 300.000 trong số khoảng 11 triệu người nhập cư lậu tại Mỹ có thể bị trục xuất nhanh chóng bởi quy định mới.

Bộ An ninh nội địa (DHS) cho biết khoảng 37% những người bị Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) phát hiện, tương đương với 20.570 người, đều có thời gian ở Mỹ chưa đến 2 năm. Những người bị liệt vào thủ tục trục xuất nhanh chóng sẽ bị giam giữ trung bình khoảng 11 ngày. Đối với thủ tục trục xuất thông thường, người nhập cư sẽ bị giam giữ trong khoảng 51 ngày và được thả tại Mỹ để chờ đợi kết quả tố tụng.

Guatemala và Mexico không đồng ý với Mỹ về quy chế "nước thứ 3 an toàn"

Ngày 23-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp dụng các biện pháp hạn chế, áp thuế hoặc nâng lệ phí đối với nguồn kiều hối đổ vào Guatemala, sau khi quốc gia Trung Mỹ này từ chối đóng vai trò làm “nước thứ 3 an toàn” trong vấn đề người di cư.

 “Nước thứ 3 an toàn” là khái niệm chỉ một quốc gia trên đường trung chuyển của những dòng người di cư tới Mỹ, cấp quy chế tị nạn cho họ trong thời gian làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ một cách hợp pháp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó đối mặt với khả năng sẽ phải chăm lo cho những người di cư này một cách lâu dài nếu họ bị chính quyền Mỹ từ chối nhập cảnh, hay nói cách khác là chia sẻ gánh nặng người di cư.

Trước đó, Mỹ và Guatemala  đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề này, song Quốc hội Guatemala hôm 14-7 đã bác dự thảo và Tổng thống Guatemala Jimmy Morales đang tìm cách thông qua bằng việc đưa dự thảo ra Tòa án Hiến pháp phân xử.

Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump cho rằng Guatemala đã quyết định phá vỡ thỏa thuận ký với Mỹ về nước thứ 3 an toàn nên Mỹ sẽ cân nhắc các biện pháp hạn chế, áp thuế và lệ phí kiều hối, hay tất cả các biện pháp đó cùng lúc.

Trong khi đó, ngày 22-7, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết, nước này sẽ không đồng ý thảo luận với Mỹ về quy chế “nước thứ 3 an toàn” đối với người di cư. Ông Ebrard thông báo, trong cuộc hội đàm tại Thủ đô Mexico City ngày 21-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không đề cập đến một thỏa thuận trước đó rằng, hai nước xem xét việc xin tị nạn đối với người di cư ở Mexico, nếu các biện pháp giảm lượng người di cư không đạt kết quả như mong muốn.

Mexico đã triển khai tới 21.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia tới các khu vực biên giới để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ. Chỉ trong tháng 6, lượng người di cư Trung Mỹ vượt qua lãnh thổ Mexico tìm đường tới Mỹ đã giảm 36,2%. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Ebrard cho biết, không thể lường trước lập trường của Mỹ, Mexico sẽ không thay đổi quan điểm và không chấp nhận đàm phán về “nước thứ 3 an toàn” cho người di cư.

Trong cuộc gặp ngày 21-7, Ngoại trưởng Pompeo đánh giá cao những nỗ lực của Mexico trong việc giảm dòng người di cư, nhưng cho biết vẫn còn "nhiều việc phải làm" và ông sẽ tham khảo Tổng thống Mỹ Donald Trump về hành động tiếp theo.

Đức Quý
.
.
.