Mỹ thiếu hụt bác sĩ “ngoại nhập” do lệnh cấm di trú

Thứ Năm, 06/04/2017, 09:38
Trong bối cảnh lệnh cấm di trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngày càng được thắt chặt, nhiều người lo ngại rằng hệ thống y tế tại các vùng xa xôi của Mỹ vốn phụ thuộc vào các bác sĩ và chuyên viên đến từ nhiều nước trên thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Sắc lệnh 13769 hay còn được biết đến là Sắc lệnh “Muslim Ban”, Sắc lệnh bảo vệ nước Mỹ khỏi nguy cơ khủng bố từ con đường nhập cư, được Tổng thống Mỹ ký vào ngày 27-1-2017, được sửa đổi vào đầu tháng 3, hạn chế việc đi lại và cư trú của công dân đến từ một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.

Sắc lệnh này đã có những tác động trước mắt và lâu dài. Ngay sau khi ban hành lệnh này, hàng chục du khách bị tạm giữ trong nhiều giờ mà không được tiếp xúc với gia đình, bạn bè, hoặc trợ giúp pháp lý. Theo tờ The Washington Post, đình chỉ đi lại có thể gây ảnh hưởng đến khoảng 90.000 người, những người có thị thực nhập cư và không di dân cấp cho người từ bảy quốc gia bị ảnh hưởng trong năm tài chính 2015.

Theo Forbes, lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, ngăn cản những nhà khoa học, kỹ sư, lao động tay nghề cao từ các nước khác đến những trung tâm công nghệ, công nghiệp như Thung lũng Silicon lập nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm.

Mỹ, mặc dù là quốc gia có nền y tế hàng đầu thế giới nhưng hệ thống y tế ở các thị trấn, thành phố nhỏ của Mỹ phần lớn phụ thuộc rất nhiều vào các bác sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới mới có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Mặc dù vậy, một vài quy định mới ban hành của chính phủ Mỹ, đi kèm với đó là nhiều thay đổi thủ tục cấp thị thực có thể sẽ dẫn đến nhiều hạn chế cho các bác sĩ nước ngoài đến làm việc tạm thời tại những trung tâm vốn dĩ phụ thuộc rất nhiều vào họ.

Tại Coudersport, một thị trấn vùng núi xa xôi của Mỹ, nơi cách siêu thị Walmart gần nhất cũng đến 1 tiếng lái xe, bệnh viện địa phương Cole Memorial đang phải phụ thuộc vào hai bác sĩ gốc Jordan để vận hành khoa sản, đồng thời cũng đang tích cực tuyển thêm bác sĩ.

Ở Fargo, bang North Dakota, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đến từ Lebanon – một trong hàng trăm bác sĩ ngoại quốc trong bang này – đang nỗ lực trở thành Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa của bang.

Tại Great Falls, bang Montana, 60% bác sĩ đang làm việc cho hệ thống Benefis Health đều là những bác sĩ không có quốc tịch Mỹ và sử dụng thị thực lao động. Benefis Health System là một công ty y tế của Mỹ, chăm sóc sức khỏe cho hơn 230.000 người đến từ 15 quốc gia khác nhau.

Đặc biệt, tại Montana, một bang có đến 9 hạt không có bất kỳ một bác sĩ chuyên khoa nào. Hệ thống Benefis Health đã rất vất vả mới tuyển dụng được một bác sĩ người Romania chuyên ngành cấy ghép thận, theo lịch trình, bác sĩ này sẽ chính thức làm việc trong tháng Bảy tới. Tuy nhiên, lệnh cấm di trú cùng với những thay đổi trong quá trình cấp visa đã khiến cho kế hoạch của Benefis Health cũng như bác sĩ người Romania này không biết xoay xở ra sao.

Cô Silviana Marineci, bác sĩ được nhắc tới trong trường hợp trên, người vừa hoàn thành khóa thực tập tại Đại học Minnesota, cho biết mình không biết làm cách nào để có thể xoay xở tiền thuê nhà và không biết tương lai sẽ ra sao.

Silviana Marineci, một bác sĩ “ngoại nhập” gặp rất nhiều khó khăn do lệnh cấm di trú.

Theo số liệu của Ủy ban Giáo dục cho Du học sinh ngành Y của Mỹ, có 211.460 sinh viên quốc tế tốt nghiệp ngành Y tế đang thực tập tại nhiều trung tâm y tế của Mỹ tính đến tháng 12-2015. Khoảng 25% bác sĩ đang thực tập hoặc đang được đào tạo tại Mỹ là người nước ngoài, tuy nhiên ở một số thành phố nằm sâu trong đất liền và ở hầu hết các vùng nông thôn thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều.

“Sinh viên y khoa quốc tế đang lấp đầy những khoảng trống trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh nước Mỹ có nguy cơ thiếu trầm trọng bác sĩ”, ông Matthew Shick, Giám đốc quan hệ chính phủ và tư vấn pháp lý thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ nói.

Theo số liệu của Hiệp hội các trường Y khoa Mỹ (AAMC), mỗi năm có hơn 6.000 thực tập sinh y tế nước ngoài tham gia chương trình nội trú y tế tại Mỹ bằng thị thực không di dân J-1. Ngoài ra còn có 1.000 người xin thị thực J-1 đang tìm cách theo học trường y khoa năm nay, nhiều người trong số đó đến từ các nước bị ảnh hưởng trực tiếp của lệnh cấm di trú. Khi đã hoàn thành chương trình này, các bác sĩ có thể trở về quê trong hai năm trước khi đủ điều kiện để tái nhập cảnh vào Mỹ thông qua một con đường nhập cư khác, chẳng hạn như visa H1-B.

Thị thực tạm thời cho người lao động có tay nghề được gọi là thị thực H-1B. Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ gần đây đã thông báo rằng họ sẽ tạm thời đình chỉ một phương án mà theo đó các nhà tuyển dụng có thể phải trả thêm 1.225USD để các đơn đăng ký H-1B được phê duyệt trong ít nhất là hai tuần, chứ không phải vài tháng.

AAMC đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu bác sĩ ở Mỹ sẽ trở nên trầm trọng hơn, cụ thể, con số thiếu hụt sẽ tăng từ 61.700 đến 94.700 vào năm 2025 khi dân số Hoa Kỳ bắt đầu già đi và số người có bảo hiểm y tế tăng lên.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Y khoa Mỹ, hiệp hội đại diện cho bác sĩ trên toàn nước Mỹ, đã có yêu cầu đến Bộ An ninh Nội địa đưa ra những lý do cụ thể cho lệnh cấm visa. Trong đó, AAMC nhấn mạnh rằng lệnh cấm sẽ trầm trọng thêm tình trạng thiếu bác sĩ và làm giảm năng lực của các chăm sóc sức khỏe ở nhiều vùng xa xôi của Mỹ.

Duy Tiến
.
.
.