Mỹ vẫn mở rộng chương trình nghe lén

Thứ Ba, 09/06/2015, 08:30
Mặc dù bị Tòa án Tối cao Thụy Điển bác đơn kháng cáo (11/5), nhưng nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange lại vừa gây sốc khi tuyên bố "Đồng hồ minh bạch về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp điểm và sẽ không còn bí mật nào nữa. Hãy để chúng tôi hé lộ về TPP cho cả thế giới". 

Cùng tuyên bố này là khoản tiền trị giá 100.000 USD để được quyền truy cập vào các chương còn thiếu trong TPP. WikiLeaks coi đây là các chương còn thiếu của thoả thuận và là "bí mật được tìm kiếm nhiều nhất ở Mỹ".

Được biết, Thượng viện Mỹ đã thông qua quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama. Và dự luật này sẽ được Hạ viện Mỹ biểu quyết trong vài ngày tới. Nếu được thông qua, Tổng thống Barack Obama sẽ được toàn quyền đàm phán các điều khoản trong TPP, Quốc hội Mỹ chỉ được phép thông qua hoặc phủ quyết mà không có quyền sửa đổi.

Người dân Mỹ những tưởng họ sẽ giảm sức ép bị nghe lén từ cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) sau khi Thượng viện Mỹ thông qua "Đạo luật nước Mỹ Tự do" do Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đệ trình nhằm chấn chỉnh hoạt động của cơ quan này. Nhưng không hẳn vậy ngày 4/6, tờ New York Times dẫn những tài liệu mật, do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ chứng tỏ, Washington đang mở rộng chương trình do thám không phép của NSA đối với mạng Internet quốc tế để truy lùng các tin tặc. Những tài liệu này được Edward Snowden cung cấp cho tờ New York Times và tờ ProPublica. Việc tiết lộ tài liệu diễn ra trong bối cảnh các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Mỹ đang trở thành mục tiêu của các vụ tấn công mạng.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

Tờ New York Times cũng dẫn tuyên bố của người phát ngôn Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Brian Hale khi cho rằng: "Không có gì ngạc nhiên khi Chính phủ Mỹ thu thập thông tin tình báo về các thế lực nước ngoài âm mưu xâm nhập các mạng lưới của Mỹ và đánh cắp thông tin riêng tư của các công dân và công ty Mỹ". 2 năm trước (tháng 6/2013), Edward Snowden từng chuyển cho tờ Washington Post và tờ The Guardian nhiều tài liệu bí mật về chương trình giám sát của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh trên Internet.

Theo tờ New York Times, vào giữa năm 2012, các luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã trình 2 bản ghi nhớ mật cho phép NSA do thám Internet tại Mỹ mà không cần giấy phép đối với những dữ liệu liên quan tới các vụ đột nhập máy tính bắt nguồn từ nước ngoài. Bộ Tư pháp chỉ cho phép NSA theo dõi địa chỉ và "chữ ký điện tử" mà cơ quan này nhận thấy có sự liên hệ với các chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, theo tài liệu tiết lộ của Edward Snowden, NSA còn nhằm tới các tin tặc dù không có thông tin về sự liên hệ với nước ngoài.

Trong đoạn băng ghi hình từ Moskva (Nga) khi tham gia thảo luận do Tổ chức Ân xá Quốc tế tổ chức tại London (Anh), Edward Snowden cũng từng cảnh báo, chương trình giám sát hàng loạt do ông vạch trần đã chứng minh tính vô hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố. Đồng thời nhấn mạnh, hoạt động giám sát hàng loạt là sự lãng phí tiền của xã hội và bộc lộ những tiêu cực về hạn chế tự do.

Trong khi đó hãng Sputnik cũng dẫn thông tin từ Edward Snowden cho rằng, Mỹ đang dùng quân bài chống khủng bố để khôi phục hoạt động giám sát hàng loạt mà Washington từng công nhận là bất hợp pháp. Hãng AP vừa cho biết, Viện hàn lâm Văn học và tự do biểu đạt Nauy quyết định trao tặng Edward Snowden giải thưởng Bjornson (trị giá 100.000 kroner, khoảng 12.700 USD) vì những đóng góp trong việc bảo vệ quyền riêng tư và việc tiết lộ chương trình nghe lén gây tranh cãi của NSA. Năm ngoái, Edward Snowden cũng được Thụy Điển trao Giải thưởng Right Livelihood.

Ngày 4/6, tờ Buenos Aires Herald đưa tin, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã gặp Edward Snowden tại Moskva hồi hạ tuần tháng 4 (nhân chuyến thăm Nga trong hai ngày 23 và 24/4, theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin).

Theo ông Anthony Romero, luật sư của Edward Snowden, đồng thời là Giám đốc điều hành tổ chức American Civil Liberties Union (ACLU), cuộc gặp diễn ra khoảng 60 phút và bà Cristina Fernandez là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gặp cựu nhân viên CIA. Và cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày sau khi Buenos Aires triệu hồi Đại sứ Anh John Freeman để yêu cầu ông này giải thích việc London theo dõi thư điện tử của lãnh đạo Argentina liên quan tới cuộc tranh chấp quần đảo Malvinas/Falkland, theo như tiết lộ của Edward Snowden.

Theo tiết lộ của Edward Snowden, trong khoảng thời gian 2006-2011, Chính phủ Anh từng theo dõi giới lãnh đạo và sĩ quan cấp cao Argentina để thu thập thông tin liên quan tới kế hoạch của nước này đối với cuộc tranh chấp quần đảo Malvinas/Falkland. Cũng theo ông Anthony Romero, bà Cristina Fernandez đã để lại ấn tượng tốt đối với Edward Snowden, nhưng vị luật sư này không rõ nguyên nhân tại sao Tổng thống Argentina chưa bao giờ đề cập tới vấn đề kể trên trước công luận.

Nhiệm Bình
.
.
.