Mỹ với “lá bài” chiến tranh thương mại

Thứ Năm, 05/04/2018, 16:48
Ngày 22-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, động thái được xem là cứng rắn nhất cho đến thời điểm hiện nay.


Ông đã ký một Biên bản ghi nhớ của Tổng thống, lệnh cho Đại diện Thương mại (USTR) và Bộ Tài chính Mỹ tiến hành các biện pháp chống lại Trung Quốc dựa trên kết quả của cuộc điều tra theo Điều 301.

Cáo buộc của Washington

Cuộc điều tra này bắt đầu từ tháng 8-2017, dẫn tới kết luận các chính sách của Trung Quốc cho thấy một loạt hoạt động thương mại không công bằng, như sử dụng những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài buộc các công ty chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố tìm thấy bằng chứng cho thấy Bắc Kinh áp đặt những điều khoản không công bằng đối với các công ty Mỹ, hướng các khoản đầu tư ở Mỹ vào các ngành công nghiệp chiến lược, và hỗ trợ tấn công không gian mạng. Ông Trump cho biết hiện Mỹ phải gánh chịu thâm hụt thương mại lên tới 375-504 tỷ USD với Trung Quốc.

Trong tuyên bố hôm 22-3, Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc “ngay lập tức” cắt giảm mức thâm hụt đó xuống 100 tỷ USD. Và lý do thứ hai, theo tuyên bố của Nhà Trắng là nhằm chống lại việc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ; đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Theo CNN, Nhà Trắng tuyên bố chuẩn bị danh sách hơn 1.000 sản phẩm của Trung Quốc có thể sẽ bị áp mức thuế quan mới. Đây được coi là nỗ lực mới nhất của Washington sau nhiều năm đàm phán thất bại nhằm đưa ra các biện pháp chống lại sự bành trướng thương mại của Trung Quốc. Các mức thuế sẽ không được áp dụng ngay. Các ngành công nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội bày tỏ ý kiến về thuế đề xuất trước khi nó được ban hành.

Biếm họa về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump.

Gần như ngay sau động thái của Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo, kêu gọi Mỹ “hãy lùi lại khỏi bờ vực chiến tranh thương mại”. "Trung Quốc không mong muốn sa vào một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng không sợ tham chiến. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ lùi lại từ bờ vực, ra các quyết định thận trọng, và tránh kéo quan hệ thương mại song phương tới chỗ nguy hiểm", Bộ Thương mại Trung Quốc nói.

Trung Quốc cũng thể hiện lập trường sẵn sàng trả đũa bằng cách tuyên bố kế hoạch thu thêm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá lên tới 3 tỷ USD.

Theo đó, có 128 mặt hàng của Mỹ bị “đưa vào tầm ngắm” để sẵn sàng cho hành động trả đũa, trong đó có trái cây, rượu và ống thép, sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 15% với tổng trị giá 977 triệu USD. Và các mặt hàng còn lại sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 25%, trị giá 2 tỷ USD, gồm trái cây và rượu vang.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo gói thuế quan đầu tiên sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng nhất định nhập khẩu từ Mỹ nếu Washington không đạt được một thỏa thuận được đàm phán với Bắc Kinh.

Lợi thế đàm phán?

Với kế hoạch trên, ông Donald Trump đang hiện thực hóa các chính sách tranh cử cuối năm 2016 rằng sẽ “đòi lại công bằng” cho nước Mỹ. Một mặt, ông vừa thể hiện phương châm “nói là làm”, không dọa suông mà làm thật, buộc Trung Quốc phải cam kết gia tăng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Mặt khác, với việc áp thuế, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm, đồng nghĩa Mỹ sẽ thu hẹp mức thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, ước tính đã lên tới 375 tỷ USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, việc Nhà Trắng thông báo quyết định của Tổng thống Trump hoãn áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập dành cho EU, cũng như miễn áp mức thuế này vĩnh viễn đối với Hàn Quốc, sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc cũng như các nước khác: Phải “biết điều” nếu muốn Mỹ không áp thuế cao.

Ông Trump dường như muốn dùng một mũi tên để hạ 2 con chim. Tại tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia công bố cuối năm ngoái, chính quyền Mỹ đã nêu đích danh Trung Quốc (cùng với Nga) là hai quốc gia “xét lại” đang mong muốn thay đổi trật tự thế giới và vị trí số 1 của nước Mỹ. 

Kể từ sau Thế chiến II, nước Mỹ luôn để ý nhận thức ai sẽ thách thức vị trí số 1 của mình, dù là quân sự, kinh tế hay ảnh hưởng quốc tế. Trải qua các thời kỳ, đó là Liên Xô, Đức, Nhật Bản và nay là Trung Quốc.

Mỹ hiện chiếm 36% lượng nhập khẩu thép của thế giới, trị giá khoảng 33 tỷ USD. Một nước nhập khẩu thép lớn nhất như Mỹ có thể có khả năng gây ảnh hưởng tới cung cầu thế giới. 

Mức thuế cao, nhu cầu thép giảm và việc phân biệt đối xử với đối thủ sẽ làm lệch dòng thương mại và qua đó vắt kiệt hơn nữa khả năng xuất khẩu của Trung Quốc và Nga. 

Tất nhiên, đó là kịch bản, còn thực tế chưa chắc đã như vậy. Những quốc gia lớn bị ảnh hưởng đều lên tiếng phản đối gay gắt, bao gồm Canada, EU và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, những đồng minh của Mỹ như Canada và EU đều có lợi thế vì họ có thể đàm phán, trao đổi với Mỹ để tìm ra giải pháp được lòng cả đôi bên. 

EU nhận thức rất rõ động cơ chính trị của ông Trump và họ đã tấn công đúng vào điểm yếu này khi dọa sẽ đánh thuế xe Harley-Davidson và rượu Bourbon. 

Đây chính là hai mặt hàng xuất khẩu đến từ bang Wisconsin của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và bang Kentucky của Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell. 

Mất sự ủng hộ của cả hai nhân vật này, ông Trump sẽ bị phong tỏa và khó đưa ra được chính sách gì trong những năm tại nhiệm còn lại.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ khó khăn hơn nhiều. Trung Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ đưa vụ tranh chấp này ra WTO và xem xét khả năng trả đũa bằng cách đánh thuế các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ nhập khẩu vào nước này. Cũng đừng nên quên rằng vào năm 2002, chính quyền Bush cũng áp dụng thuế lên mặt hàng thép của Trung Quốc, bị Trung Quốc kiện ngược lại và buộc phải rút chính sách thuế.

Lý do khác cần xét đến là đây có thể là một trong những chiêu bài của chính quyền Mỹ nhằm hướng tới đàm phán lại các thỏa thuận thương mại song phương. Ông Trump vốn tự hào về khả năng đàm phán của mình, đặc biệt với phương thức đẩy vấn đề lên rất cao để tạo vị thế thuận lợi khi đàm phán. Cách của ông là thích gây sốc và tạo dấu ấn mạnh.

Chuỗi hành động áp đặt thuế theo kiểu bảo hộ này có thể là một trong những bước đi chuẩn bị cho sau này. Trước đó, ông đã không ngần ngại chỉ trích các hiệp định thương mại trước đó của Mỹ, tiêu biểu như NAFTA là một thảm họa. Bản thân ông Trump không phải là một người chống lại thương mại một cách cực đoan, mà ông muốn tạo dấu ấn bằng các thỏa thuận thương mại mới, tiêu biểu như vậy tuyên bố sẽ sẵn sàng đàm phán thương mại song phương với các nước thuộc CPTPP.

Xu hướng nguy hiểm

Sẽ cần thời gian để khẳng định được cuối cùng thì chính sách bảo hộ của chính quyền ông Trump có thực sự phát huy tác dụng hay không, và động lực mạnh nhất đằng sau đó là gì. 

Nhưng có thể khẳng định quyết định này sẽ gây ra nhiều tác động trực tiếp tới kinh tế Mỹ, đời sống quan hệ quốc tế cũng như gia tăng chia rẽ trong nội bộ Mỹ. Mới đây, cố vấn kinh tế, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Gary Cohn đã từ chức. 

Ông Cohn vốn được coi là chiến binh cuối cùng đấu tranh bảo vệ tự do thương mại tại Nhà Trắng. Bên ngoài nước Mỹ, các nước như Canada, Trung Quốc và EU lần lượt tuyên bố đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa thương mại.

Chiến tranh thương mại ảnh hưởng thế nào tới từng quốc gia còn chưa biết. Nhưng chắc chắn sẽ không dễ dàng. Nước Mỹ chắc chắn sẽ chịu thiệt hại, bởi lẽ giá cả trong nước Mỹ sẽ tăng, và các quốc gia khác sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Chiến tranh thương mại là một cuộc chơi tốn kém, bản chất là xem ai có thể chịu đau nhiều hơn và dài hơn, vốn không dành cho người nghèo. Một nền kinh tế Mỹ mới khởi sắc chút ít trong vài năm trở lại đây chưa chắc sẽ đứng vững về lâu dài. Và điều nguy hiểm hơn, như đã nói, là việc “ăn miếng trả miếng” sẽ có thể nối đuôi nhau và kết quả là kéo toàn bộ hệ thống thương mại đi xuống, trong khi nền kinh tế thế giới hiện nay vốn đã không khỏe mạnh gì cho cam.

Trong một thế giới bất định như vậy, nước Mỹ liên tục khuấy nước để củng cố và tìm lại vị trí của mình, và các nước khác tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tác động, thì một ẩn số lớn đang đặt ra đối với một người khổng lồ khác ở bên kia bán cầu.

Bàng Cương
.
.
.