Myanmar: Luôn xảy ra án mạng và tệ nạn ma túy hoành hành

Thứ Hai, 25/05/2015, 14:00
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 30% người chích ma túy tại thủ phủ Myitkyina, bang Khachin nhiễm HIV. Còn các tổ chức phi chính phủ tại đây ước đoán, đại đa số thanh niên Khachin mắc nghiện ma túy.
Tham nhũng và xung đột sắc tộc

Nguồn tài nguyên ngọc thạch của Myanmar nằm tại vùng núi bang Khachin, khu vực nằm ở phía Bắc giáp ranh với Trung Quốc. Đây là quê hương của tộc người Khachin, với đa phần dân số theo đạo Thiên chúa.

Myitkyina là thủ phủ của bang Khachin và cũng là trạm trung chuyển của tuyến đường dẫn đến các mỏ ngọc thạch. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là nơi có trữ lượng ngọc thạch chất lượng cao lớn nhất thế giới.

Khu mỏ Hpakant là cấm địa với người nước ngoài. Chính quyền địa phương cho biết, đây là nơi vẫn diễn ra xung đột giữa quân đội và quân phản loạn.

Gần như không có thông tin nào về tình hình vận hành tại khu mỏ được tiết lộ ra ngoài, như có bao nhiêu công ty đang khai thác tại đây hay có bao nhiêu người Trung Quốc đầu tư vốn vào đây. Luật pháp Myanmar quy định, cấm hoạt động với các công ty nước ngoài, nhưng giới thương nhân đá quý, quan chức ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ cho biết, ngành khai thác ngọc thạch ở đây chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư từ Trung Quốc.

Một lái buôn Trung Quốc tiết lộ, phiến quân hợp tác với các công ty Trung Quốc vận chuyển lậu ngọc thạch vào nước này qua đường rừng. "Họ sẽ gọi điện thông báo trước, rồi chúng tôi sẽ cho xe đến nhận hàng"- người này cho biết. "Hình thức thanh toán là tiền trao cháo múc".

Mike Davis thuộc Tổ chức chống tham nhũng Global Witness cho rằng, các doanh nghiệp thân quân đội được cấp những khu mỏ tốt nhất. Một số quan chức quân sự cũng tham gia vào đường dây buôn lậu sang thị trường Trung Quốc, thông qua việc thao túng thị trường và thu phí bảo hộ.

Chuyên gia David Dapice thuộc Đại học Harvard cho hay, một nửa số ngọc thạch khai thác được tuồn vào chợ đen, khiến chính phủ Myanmar tổn thất hàng tỷ USD mỗi năm. "Nhưng, bi kịch lớn hơn cả là tệ nạn ma túy tràn lan trong giới trẻ Kachin"- ông nói.

Giới trẻ ở Myitkyina đang chích ma túy.

Ma túy và buôn lậu

Cậu thiếu niên 16 tuổi Sang Aung Bau Hkum tìm đến Myitkyina, với giấc mơ phát tài từ những viên ngọc thạch. Một tháng sau, cậu nghiện heroin.

Ba năm sau ngày đến Myitkyina, Sang Aung Bau Hkum cuối cùng cũng tìm thấy thứ mà cậu hằng mơ ước: một viên ngọc thạch xanh mướt như màu lá ngày hè. Với 6.000 USD mà một lái buôn Trung Quốc trả giá, cậu mua xe máy, điện thoại di động và đánh bạc.

"Chỗ tiền còn lại đều chảy vào tĩnh mạch của tôi hết rồi"- Sang Aung Bau Hkum vỗ vỗ vào bắp tay trái của mình. "Các ông chủ người Trung Quốc biết chúng tôi nghiện ma túy, nhưng họ mặc kệ, bởi trong đầu họ chỉ có ngọc thạch".

 Những lô hàng ngọc thạch trị giá hàng tỷ USD được tuồn vào thị trường nội địa Trung Quốc.

Tình trạng tham nhũng nghiêm trọng này không chỉ tước đoạt hàng tỷ USD tiền thuế mà chính phủ có thể dùng vào kiến thiết, mà còn cung cấp nguồn tài chính cho các cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu, cũng như dẫn đến tệ nạn ma túy và căn bệnh AIDS tràn lan tại bang Khachin.

"Ma túy ở đây chẳng khác gì rau ngoài chợ"- Ze Hkaung Lazum, một công nhân 27 tuổi, cho biết. Giá mỗi liều ma túy dao động từ 4 đến 8 USD. Công nhân ngồi chích ma túy ngay bên vệ đường, bên cạnh là hàng đống đầu kim tiêm cũ.

Một số công nhân cho hay, bản thân cần ma túy mới hoàn thành được khối lượng công việc nặng nề mà các ông chủ Myanmar và Trung Quốc giao cho. "Anh cứ thử ngày nào cũng cầm cuốc sắt đào mỏ xem thế nào. Ma túy giúp tôi có sức làm việc 24 tiếng"- một công nhân 24 tuổi nói.

Theo tính toán của WHO, 30% người chích ma túy tại thủ phủ Myitkyina nhiễm HIV. Còn các tổ chức phi chính phủ tại đây ước đoán, đại đa số thanh niên Khachin mắc nghiện ma túy.

Bàn tay của lái buôn Trung Quốc

"Các thương nhân Trung Quốc đã đặt lòng tham lên trên số phận người dân địa phương và phương thức khai thác ngọc"- David Mathieson, nghiên cứu viên cao cấp của Tổ chức quan sát nhân quyền, bình luận.

Từ hàng ngàn năm qua, ngọc được coi là thứ vật chất linh thiêng với người Trung Quốc. Truyền thuyết kể lại rằng, trước khi Khổng Tử ra đời có con kỳ lân đến hiến sách ngọc, ghi lại vận mệnh một đời của vị Thánh nhân này. Cho đến tận bây giờ, không ít người dân Trung Quốc tin rằng, ngọc có tác dụng trừ tà trị bệnh.

"Từ cổ chí kim, ngọc với người Trung Quốc là tượng trưng cho sự nho nhã"- cô Chi Phi Na, một công chức Trung Quốc 34 tuổi, cho biết. Cô là khách hàng thường xuyên của Công ty ngọc Vân Nam.

Theo tính toán của Hiệp hội Ngọc và đá quý trang sức Trung Quốc, tổng lượng tiêu thụ ngọc của nước này một năm đạt tới 5 tỷ USD. Hơn một nửa trong số đó là ngọc thạch Myanmar. Ông Dương Hậu Lan, đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, thừa nhận rằng, một số người Trung Quốc đã vi phạm luật pháp nước sở tại và Bắc Kinh cũng đang nỗ lực trấn áp tình trạng này.

"Một số thương nhân vì lợi ích mà đã có những hoạt động phạm pháp, vượt biên để khai thác và buôn lậu ngọc thạch"- ông Dương cho biết. "Hai nước đã tăng cường hợp tác trong quản lý biên giới và điều tra rửa tiền. Nhưng, những hoạt động thương mại phi pháp này cũng giống như ma túy, khó có thể trừ tận gốc".

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.