NSA sẽ tiếp tục được nghe lén

Chủ Nhật, 13/09/2015, 10:00
Viện Hàn lâm Văn học và Tự do Biểu đạt của Na Uy vừa trao giải thưởng Bjornson mang tính tượng trưng cho cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden. Bởi Edward Snowden không thể tới Na Uy vì đang bị chính quyền Mỹ phát lệnh truy nã, nên cựu nhân viên tình báo CIA chỉ có thể nhận giải thưởng Bjornson (đặt theo tên nhà văn Na Uy từng đoạt Nobel Văn học) có trị giá 100.000 kroner (khoảng 12.700 USD) qua truyền hình hôm 6/9.
Sau đó, Edward Snowden đã có bài phát biểu thông qua video từ nơi đang cư trú tại Nga. Viện Hàn lâm Văn học và Tự do Biểu đạt của Na Uy đã trao giải thưởng Bjornson cho Edward Snowden vì những đóng góp trong việc bảo vệ quyền riêng tư và tiết lộ chương trình nghe lén gây tranh cãi của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Trước đó, Viện Hàn lâm Văn học và Tự do Biểu đạt của Na Uy từng đề nghị Chính phủ Na Uy đảm bảo an toàn để Edward Snowden tới nước này nhận giải Bjornson, nhưng Bộ Tư pháp Na Uy đã từ chối. Năm ngoái, Edward Snowden cũng được Thụy Điển trao tặng giải thưởng Right Livelihood (qua kết nối video).

Và cách đây không lâu, Edward Snowden đã để ngỏ khả năng trở về Mỹ, nếu được đảm bảo xét xử một cách công bằng. Hãng Al-Jazeera vừa dẫn lời Edward Snowden cho biết, điều kiện duy nhất để trở về Mỹ là được xét xử công bằng. Đây không phải lần đầu tiên Edward Snowden đề cập tới khả năng trở về Mỹ. Trước đó, Edward Snowden từng ra điều kiện không bị giam giữ hay thẩm vấn, mới trở về Mỹ.

Cũng trong ngày 6/9, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đạt thỏa thuận về bảo vệ dữ liệu cá nhân được chia sẻ phục vụ mục đích thực thi pháp luật như điều tra chống khủng bố. Theo đó, bảo vệ dữ liệu cá nhân được chia sẻ giữa giới chức cảnh sát với tư pháp trong quá trình điều tra, cũng như giữa các công ty với các cơ quan thực thi pháp luật.

Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đã và đang là chủ đề nhức nhối của EU sau khi Edward Snowden tiết lộ thông tin về các chương trình do thám quy mô lớn của Washington liên quan tới công dân EU. Thỏa thuận kể trên diễn ra sau khi một tòa án phúc thẩm liên bang tại Washington, Mỹ bác bỏ phán quyết trước đó của một tòa án sơ thẩm khi bắt buộc NSA phải chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu quy mô lớn gây tranh cãi.

Bởi theo phán quyết đưa ra hôm 28/8, tòa án phúc thẩm nhấn mạnh, không đủ bằng chứng chứng minh chương trình do thám của NSA vi hiến, nhưng cũng không khẳng định những việc làm của NSA là hợp pháp. Và với phán quyết kể trên, NSA sẽ được phép nối lại hoạt động thu thập và lưu trữ dữ liệu điện thoại đến khi chương trình này hết hạn vào cuối tháng 11.

Trong khi người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ca ngợi phán quyết kể trên vì phù hợp với những tuyên bố trước đó của chính phủ Mỹ, thì luật sư Larry Klayman, người nộp đơn kiện NSA tuyên bố, sẽ kháng cáo lên Tòa án tối cao. Bởi theo "Đạo luật nước Mỹ Tự do" được phê chuẩn hồi tháng 6, Quốc hội đã cho phép dành 180 ngày để chính phủ tiếp tục chương trình thu thập dữ liệu cho tới khi cơ chế mới được triển khai.

Và khi cơ chế mới chính thức có hiệu lực từ tháng 12, các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật Mỹ không thể thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn. Bởi việc này do các công ty dịch vụ điện thoại đảm trách và cơ quan chức năng chỉ có thể tiếp cận các dữ liệu kể trên sau khi Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài (FISC) cho phép. Nhưng theo phán quyết hôm 28/8 của tòa án phúc thẩm, NSA vẫn có thể "múa tay trong bị". Được biết, NSA từng hợp tác với tập đoàn viễn thông AT&T để do thám người dùng Internet trong hàng thập kỷ qua. Bởi theo tiết lộ của Edward Snowden, AT&T đã hợp tác chặt chẽ với NSA do thám hàng tỷ thư điện tử (e-mail) thông qua hệ thống máy chủ do công ty này quản lý.

Viện Hàn lâm Văn học và Tự do Biểu đạt của Na Uy trao giải mang tính tượng trưng cho Edward Snowden.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để giải thích vụ Washington nghe lén Tokyo. Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng xin lỗi Tokyo sau khi trang mạng WikiLeaks tiết lộ "Washington từng tiến hành các hoạt động do thám nhằm vào các chính trị gia Nhật Bản", nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn khẳng định, việc thu thập thông tin tình báo chủ yếu phục vụ "lợi ích an ninh quốc gia", và không cam kết sẽ không tiến hành nghe lén đồng minh thân cận Nhật Bản nữa.

Đây là lần thứ hai trong tháng 8, Mỹ phải giải thích với người đứng đầu đất nước mặt trời mọc về vụ nghe lén. Bởi trước đó (4/8), Phó Tổng thống Mỹ John Biden đã điện đàm với ông Shinzo Abe để thông báo: hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ chủ yếu tập trung vào "lợi ích an ninh quốc gia".

Nhiệm Bình
.
.
.