Na Uy:

Cảnh sát sử dụng súng phóng điện đối phó với tội phạm

Thứ Bảy, 12/05/2018, 11:23
Từ tháng 5 năm nay, lực lượng cảnh sát Na Uy được trang bị súng phóng điện để đối phó với các loại tội phạm, hãng thông tấn NRK đưa tin hôm 6-5.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Knut Smedsrud, Giám đốc Trung tâm khẩn cấp của lực lượng cảnh sát Na Uy cho biết: "Chúng tôi thấy rằng đây là một công cụ cưỡng chế mà cảnh sát ở các nước khác đã sử dụng với kết quả tốt. Nó cho ít thiệt hại hơn một số công cụ cưỡng chế khác mà cảnh sát thường sử dụng". 

Cũng theo lời ông Knut Smedsrud thì súng phóng điện mà cảnh sát Na Uy sử dụng là loại súng có thể phóng ra tia điện 50.000 volts. Súng này được cảnh sát nhiều nước dùng như Anh, Mỹ, Phần Lan. Trước mắt, cảnh sát một số khu vực như thủ đô Oslo và một số thành phố lớn khác sẽ sử dụng thử nghiệm trong vòng 2 năm. Nếu việc sử dụng súng phóng điện có hiệu quả cao trong công tác phòng chống tội phạm, loại súng này sẽ được dùng rộng rãi trên toàn quốc. 

Knut Smedsrud cũng cho biết thêm, đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa, chính quy hóa và tinh nhuệ hóa lực lượng cảnh sát Na Uy và súng phóng điện được lựa chọn để có thể thay thế các loại vũ khí thông thường đang được sử dụng. "Điều này là cần thiết và nhiều quốc gia khác đã triển khai. Nhưng chúng tôi muốn mọi việc phải chắc chắn và rằng vũ khí được thay thế phải có tính năng nổi bật", ông Knut Smedsrud nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng Xinhua của Trung Quốc, kế hoạch thay thế bằng súng phóng điện của lực lượng cảnh sát Na Uy đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số tổ chức nhân quyền trong đó có Tổ chức Ân xá quốc tế. Đại diện của tổ chức này cho rằng, súng phóng điện với cường độ 50.000 volt phải được coi là vũ khí sát thương, có thể gây tử vong ngay lập tức. 

"Việc chấp nhận sử dụng vũ khí có thể gây thương tích nghiêm trọng này sẽ làm thay đổi nhiều giá trị căn bản trong xã hội. Loại súng này thậm chí có thể khiến người ta chết ngay lập tức. Cách người ta sử dụng súng này chẳng khác gì súng ngắn", Gerald Folkvord, cố vấn chính trị của tổ chức Ân xá quốc tế cho biết. 

Đồng thời, ông Gerald Folkvord cho rằng, súng phóng điện là công cụ hữu ích để công việc của cảnh sát dễ dàng hơn nhưng chỉ môt "ly sai" thì các quy định quốc tế có liên quan có thể bị phá vỡ "nó có thể đi sai" và các quy định quốc tế có liên quan có thể bị phá vỡ. 

Đáp lại những lo lắng từ Tổ chức Ân xá quốc tế, ông Knut Smedsrud khẳng định, cảnh sát Na Uy sẽ sử dụng súng phóng điện khi thật sự cần thiết chứ không được phép lạm dụng chúng.

Nhiều tờ báo đã nhận định rằng, những tuyên bố của ông Knut Smedsrud về khả năng cảnh sát Na Uy không lạm dụng súng phóng điện có thể là sự thật. Bởi lẽ, từ năm 2014 đến nay, cảnh sát Na Uy mới phải nổ súng 2 lần những họ đều không bắn trúng đối tượng, tức là không làm bị thương bất kỳ ai. 

Tờ The Washingtonpost dẫn các số liệu từ cuộc thống kê cho thấy tần suất cảnh sát Na Uy phải dùng tới súng ở mức thấp nhất trong vòng ít nhất 12 năm qua. 

Ngay cả vào năm 2011, khi đất nước Na Uy chấn động vì vụ tấn công khủng bố chưa từng có tiền lệ làm 77 người thiệt mạng, cảnh sát Na Uy cũng chỉ nổ súng đúng một lần và làm bị thương đúng một người. Thủ phạm vụ khủng bố là Anders Behring Breivik đã đầu hàng nên cảnh sát cũng không phải dùng súng.

Nguyên do của việc cảnh sát Na Uy ít dùng súng bắt nguồn từ việc Na Uy nổi tiếng trên thế giới là quốc gia có tỷ lệ tội phạm bạo lực cực thấp. Các quan chức cấp cao ở Na Uy thậm chí cũng ít khi phải lo lắng về vấn đề giữ an ninh cho mình. 

Còn người dân Na Uy thì cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy sự xuất hiện của cả đội cảnh sát đặc nhiệm vũ trang hạng nặng canh gác ở các tòa nhà chính quyền trong trường hợp xảy ra tấn công. Nhưng thời gian gần đây, sự bùng nổ về người di cư ở châu Âu nói chung đã ảnh hưởng mạnh tới đời sống người dân Na Uy. Tình trạng trộm cắp, tấn công cũng gia tăng khiến lực lượng cảnh sát Na Uy phải tính đến phương án dùng súng phóng điện để ngăn chặn.

Linh Oanh (Tổng hợp)
.
.
.