Na Uy:

Cảnh sát cả năm chỉ bắn hai phát đạn

Thứ Hai, 16/05/2016, 14:02
Tờ The Washington Post vừa dẫn các số liệu từ cuộc thống kê cho thấy, tần suất cảnh sát Na Uy phải dùng tới súng ở mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Suốt năm 2015, cảnh sát Na Uy chưa nổ súng làm bị thương bất kỳ ai. Thật ra họ có bắn 2 lần, nhưng đều không trúng.


Thông tin trên được tiết lộ trong một thống kê của Chính phủ Na Uy về tình hình sử dụng súng của lực lượng cảnh sát nước này trong những năm gần đây.

Theo đó, trong năm 2015, cảnh sát Na Uy sử dụng súng cả thảy 42 lần, nhưng họ chỉ thật sự dùng tới nó có... 2 lần. Nhưng rút cuộc thì cũng chẳng có ai bị thương vì cảnh sát không bắn vào mục tiêu mà họ chỉ bắn đe dọa.

Cảnh sát Na Uy thực thi nhiệm vụ.

Ngay cả năm 2011, khi đất nước Na Uy chấn động vì vụ tấn công khủng bố chưa từng có tiền lệ làm 77 người thiệt mạng, cảnh sát Na Uy cũng chỉ nổ súng đúng một lần và làm bị thương đúng một người. Ngay cả với kẻ khủng bố gieo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng là Anders Behring Breivik, cảnh sát cũng không bắn bởi hắn đã đầu hàng.

Có một lý do rất dễ hiểu để giải thích tại sao cảnh sát ít khi dùng súng ở Na Uy: vì họ ít khi mang theo súng! Tại một đất nước có nhiều người thích đi săn và sở hữu súng, nhưng cảnh sát lại không thường giắt súng trong người và khi kẻ khủng bố tự do xả súng tại khu trại hè của trẻ em mà cảnh sát không phản ứng kịp thời do không có súng ở trong tay, đã làm người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia phải từ chức.

Phần lớn cảnh sát Na Uy, cũng giống như lực lượng ở Anh, Ireland, và Iceland, khi đi tuần tra không mang theo vũ khí và chỉ mang theo súng trong những trường hợp đặc biệt.

Cảnh sát Anh có tần suất sử dụng súng thấp tương tự Na Uy. Năm 2014, chỉ một người bị cảnh sát bắn chết ở nước này.

Những con số thống kê trên hẳn là rất khác biệt so với Mỹ, nơi cảnh sát dùng súng là... chuyện thường ngày ở huyện. Tờ The Washington Post cho biết, số liệu toàn quốc về việc cảnh sát Mỹ sử dụng súng ít khi được đưa ra, sáu tháng đầu năm 2015, đã có 547 người bị thiệt mạng do cảnh sát, 503 người trong số đó bị cảnh sát bắn chết.

Trong 24 ngày đầu năm 2016, cảnh sát Mỹ đã bắn chết 59 người, nhiều hơn số người mà cảnh sát Anh và cảnh sát xứ Wales tiến hành trong 24 năm qua. Cùng với sự khác biệt về dân số, công dân Mỹ có khả năng bị cảnh sát bắn gấp 100 lần công dân Anh.

Cảnh sát Na Uy mới đây cho biết, đã cảnh báo các chính khách nước này về nguy cơ bị nghe lén sau khi có tin phát hiện nhiều thiết bị nghe lén ở trung tâm thủ đô Oslo của Na Uy, kể cả các khu vực gần trụ sở chính phủ và quốc hội.

Tên khủng bố Anders Behring Breivik từng gây chấn động Na Uy.

Phát biểu với hãng tin AP, ông Siv Alsen thuộc lực lượng cảnh sát kỹ thuật cho biết, hoạt động gián điệp đang gia tăng đến cao độ cảnh sát đã yêu cầu các chính khách cảnh giác. Ông Alsen cũng thông báo, Cơ quan An ninh Quốc gia đang điều tra thông tin trên.

Trước đó, truyền thông Na Uy đưa tin, nhiều thiết bị nghe và theo dõi đã được phát hiện tại một số cơ sở giả danh trạm tiếp sóng điện thoại di động. Những thiết bị này có thể được sử dụng để giám sát các cuộc gọi, dữ liệu và theo dõi mọi hoạt động đi lại trong khu vực. Các trạm này hoạt động tinh vi trong nhiều tháng liền. Đây là kết quả cuộc điều tra do nhật báo Aftenposten tiến hành.

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.