Nam Phi:

Tỷ lệ các vụ án giết người tăng gần 20%

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:39
Theo một báo cáo của cảnh sát Nam Phi công bố cuối tuần trước, số vụ án mạng ở nước này đã tăng đến mức “kỷ lục” với khoảng 50 người thiệt mạng mỗi ngày. Người đứng đầu cơ quan cảnh sát Nam Phi thừa nhận, quốc gia đang đấu tranh với tình trạng bạo lực chưa từng có.


18.673 người thiệt mạng trong 12 tháng qua

Theo bản báo cáo, số vụ giết người ở Nam Phi tăng 4,9% so với năm 2015. Tổng cộng 18.673 người đã thiệt mạng trong 12 tháng qua, tính trung bình, mỗi ngày có 51 người bị sát hại. Bảng thống kê số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ giết người ở Nam Phi đã tăng gần 20% trong bốn năm trở lại đây.

Cảnh sát Nam Phi bị chỉ trích vì không thể làm giảm tỷ lệ phạm tội.

Northern Cape với dân số ít, phân bố thưa thớt là tỉnh duy nhất có số vụ giết người giảm, trong khi đó, Eastern Cape ghi nhận số vụ giết người tăng mạnh với 9,9%.

Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi, Nathi Nhleko cho biết, sự gia tăng các vụ án mạng phần lớn là do bạo lực gia đình và tình trạng lạm dụng rượu. "Những gì đang xảy ra ở Nam Phi thực sự là đáng lo ngại.

Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực nghiêm trọng chưa từng có. Đó không còn là vấn đề của riêng chính phủ, mà là vấn đề của tất cả chúng ta”, ông Nathi Nhleko nói với các nhà báo.

Một quan chức của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) nói rằng, sự báo động về số vụ giết người, cướp xe hơi, tình trạng bạo lực tràn lan đã làm cho người dân “sống trong sợ hãi”.

Các quan chức cho biết, hầu hết những vụ giết người xảy ra trong nhà, trong khu vực đô thị, những người thực hiện hành vi phạm tội và nạn nhân thường có quen biết với nhau.

Phân tích cơ cấu những vụ phạm tội cho thấy, cướp xe hơi là một trong những tội phạm phổ biến nhất ở Nam Phi. Tội phạm này đã tăng 14,3% so với năm ngoái, trong khi đó, các vụ cướp xảy ra tại nhà riêng cũng tăng 2,7%.

Hành vi phạm tội tình dục giảm 3,2%. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, số liệu về tội phạm tình dục không đầy đủ vì nhiều hành vi phạm tội đã không được báo cáo.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước

Cảnh sát Nam Phi ngày càng bị chỉ trích vì không thể làm giảm tỷ lệ phạm tội, mặc dù các quan chức nhấn mạnh rằng, con số này thấp hơn so với trước khi kết thúc nạn phân biệt chủng tộc hồi năm 1994.

Nghèo đói và mức thất nghiệp cao thường được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phạm tội ở Nam Phi.

Chính phủ Nam Phi cho biết, số liệu thống kê tội phạm ở nước này sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hàng quý, thay vì mỗi năm một lần như trước kia. Các nhà chức trách hy vọng, cách làm này sẽ tạo động lực cho lực lượng cảnh sát hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

“Cảnh sát là lực lượng chính trong đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng những vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội đòi hỏi sự can thiệp của cả những lực lượng bên ngoài cảnh sát", một lãnh đạo của Đảng ANC nhận định.

Đồng quan điểm này, Gareth Newham của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) cho rằng, "bạo lực - cho dù đó là vụ giết người, hãm hiếp hoặc tấn công bạo lực không phải là một cái gì đó mà cảnh sát có thể ngăn chặn nếu thiếu sự phối hợp, hỗ trợ từ cộng đồng".

Theo đánh giá của các nhà khoa học Nam Phi, tỷ lệ tội phạm cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và uy tín quốc gia.

Một số chuyên gia kinh tế dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Nam Phi trong năm nay sẽ là “một đường thẳng nằm ngang”. Không ít khách du lịch bày tỏ quan ngại khi đặt chân đến Nam Phi vì tình trạng bạo lực tràn lan.

Tỷ lệ bạo lực tình dục ở Nam Phi được coi là một trong những nơi cao nhất trên thế giới. Ước tính, có khoảng 500.000 trường hợp là nạn nhân của bạo lực tình dục mỗi năm ở nước này. Một số tổ chức nhân quyền đưa ra kết quả khảo sát “gây sốc” là, cứ 26 giây có một phụ nữ Nam Phi bị tấn công tình dục. Hơn 25% đàn ông ở KwaZulu – Natal và East Cape tham gia khảo sát cho biết đã từng tấn công tình dục phụ nữ. Ước tính, hơn 40% phụ nữ Nam Phi bị cưỡng hiếp và chỉ có 1 trong 9 vụ hiếp dâm được báo cáo. Nguyên nhân mà các nạn nhân không dám tố cáo hành vi phạm tội phổ biến là sợ bị trả thù, không tin tưởng vào cảnh sát và tâm lý e ngại.
Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.