Nam Phi đối mặt với dịch COVID-19 và tham nhũng

Thứ Tư, 09/09/2020, 19:51
Trong khi đang phải huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn, khắc phục làn sóng thứ hai từ dịch bệnh COVID-19 chưa mấy khả quan thì Chính phủ Nam Phi còn phải đối diện với "giặc nội xâm" hết sức trầm kha, đó là nạn tham nhũng.


Dịch COVID-19, cơ hội cho "kền kền"

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nam Phi, chính phủ đã công bố gói cứu trợ trị giá 500 tỷ Rand (tương đương 30 tỷ USD) để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và giảm thiểu thiệt hại mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế cũng như đời sống người dân. 

Thế nhưng, theo Tổng Kiểm toán Nam Phi Kimi Makwetu, ngân sách chống dịch COVID-19 đã bị thất thoát nghiêm trọng thông qua các hành vi tham nhũng, gian lận và nâng giá. Trong một số trường hợp, đồ bảo hộ(PPE) được mua với giá cao hơn gấp 5 lần so với giá mà kho bạc quốc gia thông tin. Sau khi tăng giá mặt khẩu trang y tế lên tới 900%, các công ty Sicuro Safety và Hennox Materials đã thừa nhận sai phạm và nhận bị phạt.

Tại tỉnh Kwazulu-Natal, chính quyền đã đình chỉ các quan chức bị cáo buộc liên quan đến việc mua hàng loạt thiết bị bảo vệ cá nhân và chăn màn với giá quá cao lên tới 2,4 triệu USD cho người nghèo.

Chính quyền tỉnh Eastern Cape, một trong những vùng nghèo nhất và là điểm nóng về COVID-19 đangphải đối mặt với các câu hỏi về việc mua "xe tay ga khẩn cấp" không phù hợp. Sở y tế tỉnh bị cáo buộc đã mua 100 chiếc xe máy với giá 5.993USD mỗi chiếc, mặc dù chúng bán lẻ với giá khoảng 2.337USD một chiếc.

Trong khi đó, các hạn chế về đại dịch và khóa cửa đã gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi hiện ở mức trên 30% và hơn 16 triệu người đã được trợ cấp phúc lợi xã hội. Dự tính con số trên sẽ tăng lên khi làn sóng thứ hai bùng phát ở Nam Phi. 

Trong khi đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã báo cáo về các khoản thanh toán gian lận. Ví dụ lẽ ra sẽcó 200 người nhận được tiền cứu trợ khoảng 340.000USD của chính phủ qua tài khoản ngân hàng nhưng không hiểu sao số tiền lớn ấy lại rơi vào một tài khoản cá nhân.

Trong chiến dịch nhằm làm trong sạch chính phủ, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã yêu cầu Tổng Kiểm toán Makwetu xem xét kỹ lưỡng các khoản chi chống dịch vào tháng 6 vừa qua. 

Theo đó, Nam Phi đã dành 147,7 tỷ rand (8,8 tỷ USD) để các cơ quan nhà nước tiến hành trợ cấp thực phẩm, mua thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp và thực hiện nhiều biện pháp khác. 

Khoảng 30.000 trường hợp hưởng trợ cấp đã được liệt vào danh sách nghi vấn. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Nam Phi Thulas Nxesi cho biết, đã mở cuộc điều tra đối với 38 vụ án hình sự liên quan.

Nam Phi trở thành ổ dịch của châu lục và thế giới.

Khởi động chiến dịch bắt "kền kền"

Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ tham nhũng khá cao, phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp và các hoạt động của công ty bình phong. 

Hình thức thứ nhất là các doanh nghiệp đấu thầu có được các dự án của chính phủ chủ yếu dựa trên các mối quan hệ cá nhân do hối lộ. Hình thức thứ hai là tổ chức Trao quyền kinh tế cho người da đen (BEE) đã lạm dụng các quy tắc quản lý để tạo bình phong cho các công ty khác. 

Vào tháng 6-2017, Netcare, một công ty điều hành mạng lưới bệnh viện tư nhân lớn nhất ở Nam Phi đã bị buộc thông đồng với BEE để trục lợi ngân sách. Tham nhũng vặt ở Nam Phi là một vấn đề phổ biến trong lĩnh vực dịch vụ công. Tình trạng tham nhũng vặt xảy ra khá nhiều đối với  các quan chức giao thông, sĩ quan cảnh sát và các quan chức trong các văn phòng việc làm.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 2-2018, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố sẽ đấu tranh để loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng vốn đã phát triển mạnh dưới thời người tiền nhiệm Jacob Zuma. 

Nhằm đưa đất nước thoát khỏi thứ "dịch bệnh" nguy hiểm này, ngày 27-8 vừa qua, ông tuyên bố phát động cuộc chiến chống tham nhũng bằng việc điều tra hành vi tham ô liên quan công tác mua sắm trang thiết bị phòng, chống COVID-19. Ông nêu rõ, ít nhất 11 cơ quan chính phủ đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến dịch bệnh.

Tổng thống Ramaphosa tuyên bố thành lập một ủy ban liên bộ để điều tra các cáo buộc tham nhũng và gian lận liên quan đến các nguồn COVID-19. Phát biểu sau khi ra mắt ủy ban liên bộ, Bộ trưởng Tư pháp và Dịch vụ Cải huấn Ronald Lamola cho biết, ủy ban đã bắt đầu điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến bưu kiện thực phẩm, trợ cấp xã hội, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và các thiết bị y tế khác, cũng như quỹ dành riêng cho chương trình cứu trợ người sử dụng lao động/nhân viên tạm thời.

Lamola cho biết: "Nội các hoan nghênh thông báo rằng ít nhất 36 vụ án liên quan đến tham nhũng đang ở các giai đoạn điều tra và truy tố khác nhau. Những trường hợp này gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chính phủ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi tham nhũng nào, đặc biệt là trong số các quan chức của mình, và rằng tất cả những người chuẩn bị sẽ bị bắt và truy tố". Ông nói thêm rằng ủy ban sẽ hành động mà không "sợ hãi hay ưu ái".
Mạnh Thắng
.
.
.