Nam Phi không phóng thích sát thủ Janusz Walus

Thứ Hai, 28/08/2017, 13:40
Quyết định không phóng thích sát thủ người Ba Lan Janusz Walus của Tòa án Tối cao Nam Phi hôm 18-8 được dư luận quan tâm.


Bởi đây không phải lần đầu cơ quan chức năng Nam Phi khước từ yêu cầu trả tự do cho Janusz Walus, kẻ đã sát hại người anh hùng Chris Hani, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi, nhà quân sự lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc tại Nam Phi và là một trong những nhà lãnh đạo Nam Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid.

Theo giới truyền thông, Janusz Walus (di cư đến Nam Phi năm 1981) năm nay 64 tuổi, bị kết án tù chung thân và đã thụ lý được 24 năm tù. Gần 20 năm trước (từ 13 đến 23-8-1997), một cuộc họp bất thường đã được tổ chức tại văn phòng Chính phủ ở Thủ đô Nam Phi để nghe Janusz Walus và Clive Derby Lewis, kẻ cung cấp súng đạn cho tên này (đã được trả tự do năm 2015 sau khi ngồi tù 22 năm) kể về vụ ám sát ông Chris Hani, người được coi sẽ thay thế ông Nelson Mandela lên nắm quyền tại Nam Phi.

Ông Nelson Mandela từng coi vụ giết người máu lạnh nhắm vào ông Chris Hani đã làm rung chuyển toàn thể đất nước Nam Phi và thế giới.

Janusz Walus trong một bức ảnh chụp tháng 11-1997.

Janusz Walus thừa nhận đã bắn ông Chris Hani (10-4-1993) sau khi bị cảnh sát thẩm vấn, nhưng không khai thêm một chi tiết nào xung quanh vụ ám sát này. Sau khi cảnh sát bắt được Clive Derby Lewis, thành viên cao cấp của Đảng Bảo thủ Nam Phi và vợ ông ta, Toà án Tối cao Nam Phi đã xét xử 3 bị can này.

Theo đó, Janusz Walus và kẻ chủ mưu Clive Derby Lewis đều bị kết án tử hình, nhưng lại tha bổng cho vợ Clive Derby Lewis vì không có "bằng chứng buộc tội". Và sau một thời gian kháng án, cả Janusz Walus và Clive Derby Lewis đều được giảm xuống chung thân.

Bởi theo lời khai của Clive Derby Lewis, vụ ám sát ông Chris Hani mang mục đích chính trị vì khi đó hắn là thành viên của Đảng Bảo thủ Nam Phi, là lãnh đạo của "tổ chức mật" do ông ta lập ra. Janusz Walus từng có quan hệ mật thiết với tổ chức phát xít mới ở Nam Phi và thời điểm đó phái diều hâu trong chính phủ không tán thành một số cải cách, nhượng bộ đối với người da đen của Tổng thống Decklec… Janusz Walus từng tiết lộ, trong danh sách Clive Derby Lewis đưa cho hắn thực hiện ám sát, ông Chris Hani đứng thứ ba.

Đứng đầu "danh sách đen" là ông Nelson Mandela. Lúc mới bị thẩm vấn, cả Janusz Walus và Clive Derby Lewis đều khai, động cơ giết người của chúng xuất phát từ thù tức cá nhân, không liên quan tới chính trị.

Theo hồ sơ của cảnh sát và giới truyền thông, vào khoảng 10h ngày 10-4-1993, sau khi mua báo, ông Chris Hani cùng con gái 14 tuổi đang trên đường về nhà thì phát hiện có 2 chiếc ôtô bám theo sau. Và khi ông Chris Hani vừa bước xuống xe thì một gã khoảng 40 tuổi đã chạy tới bắn liên tiếp 4 phát vào người nạn nhân.

Phải tận mắt chứng kiến cảnh hãi hùng đó, con gái ông Chris Hani vừa khóc vừa gào thét trong cơn hoảng loạn tuyệt vọng. Lúc mọi người tới hiện trường thì ông Chris Hani đã tắt thở. Ngay tối hôm đó, hàng trăm người đã biểu tình trước nhà riêng của Tổng thống Nam Phi Decklec, đốt nhiều nhà ở và xe cộ để biểu thị sự phẫn nộ của mình.

Ngày 14-4-1993, khoảng 1.500.000 người biểu tình nhân ngày quốc tang tưởng nhớ ông Chris Hani và họ đã xung đột với cảnh sát khiến 17 người chết và hàng trăm người bị thương. Ngày 19-4-1993, khoảng 100.000 người đưa tang ông Chris Hani và đó là lễ tang trọng thể nhất trong lịch sử Nam Phi.

Theo giới truyền thông, cảnh sát đã mở cuộc truy tìm hung thủ ngay sau khi án mạng xảy ra. Ngoài việc huy động một lực lượng lớn chưa từng có trong lịch sử truy tìm tội phạm, cảnh sát còn mời cả chuyên gia của Đức và Anh tới hỗ trợ phá án.

Theo lời kể của người hàng xóm với ông Chris Hani, lúc hung thủ nổ súng có nhìn thấy số xe cũng như màu và loại ôtô mà tên này đã bỏ trốn. Và nhờ nguồn tin này, cảnh sát đã sớm tìm ra sát thủ Janusz Walus.

Ông Chris Hani sinh ra (28-6-1942) trong gia đình có bố là thành viên tích cực trong Đại hội đồng dân tộc Phi, và chú là đảng viên Đảng Cộng sản Nam Phi. Năm 1957, ông Chris Hani tham gia liên minh thanh niên trong Đại hội đồng dân tộc Phi và sau khi nghiên cứu văn học tại Đại học Fort Hare, ông bị bắt và trở thành thủ lĩnh nhóm Umkhonto we Sizwe.

Năm 1974, ông Chris Hani hoạt động bí mật và xây dựng những tổ hoạt động du kích sau khi ra tù. Tới năm 1987, ông Chris Hani được cử làm Tham mưu trưởng quân đội và giành được 94,7% phiếu bầu (đứng đầu danh sách 50 đại biểu) tại Đại hội đại biểu toàn Phi lần thứ 48 và được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi tại phiên họp đầu tiên khoá 8 của Đảng hồi tháng 12-1991.

Trịnh Huyền My
.
.
.