Nam Sudan: Điều tra vụ 150 phụ nữ bị cưỡng hiếp

Chủ Nhật, 16/12/2018, 16:18
Chỉ vài ngày nữa (18-12), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan và "vấn nạn" phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng hiếp sẽ là một trong những chủ đề được đề cập.


Bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông báo về mức báo động của tình trạng tấn công tình dục tại Nam Sudan. Và theo báo cáo của Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), ngoài việc bị xâm hại tình dục, các nạn nhân còn bị cướp và đánh đập.

Theo giới truyền thông, mấy hôm trước, các cơ quan chức năng Nam Sudan (là quốc gia trẻ nhất thế giới bởi mới được thành lập 7 năm trước) đã quyết định mở cuộc điều tra sau khi 3 tổ chức của Liên hợp quốc lên án các vụ xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trên tuyến đường tới thị trấn Bentiu, bang Northern Liech.

Tổng thống Salva Kiir.

Theo người đứng đầu 3 cơ quan của Liên hợp quốc (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Quỹ Cứu trợ Liên hợp quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc), chỉ trong 12 ngày (từ ngày 19 đến 31-11), hơn 150 phụ nữ và trẻ em gái đã bị cưỡng bức hoặc bị các hình thức tấn công tình dục khác.

Nạn nhân bao gồm phụ nữ có thai, phụ nữ lớn tuổi và trẻ em gái dưới 10 tuổi. Và hung thủ là những người đàn ông có vũ trang, trong đó có nhiều người mặc quân phục. Theo cáo buộc của nhân viên y tế Ruth Okello, các nạn nhân còn bị cướp tiền, quần áo và giày dép, còn thẻ phân phối thực phẩm của họ bị tịch thu và phá hủy.

Trước đó, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (MSF) đã đưa ra cáo buộc tương tự - 125 phụ nữ và bé gái đã bị cưỡng hiếp khi họ đang trên đường tới các trung tâm phân phối thực phẩm khẩn cấp của Liên hợp quốc.

Nhưng người đứng đầu bang Northern Liech Lam Tungwar lại khẳng định, không có chuyện nhiều người bị cưỡng hiếp trong thời gian ngắn như vậy và thông báo, tòa án địa phương sẽ giải quyết các trường hợp bạo lực ở Bentiu và các khu vực khác.

UNMISS đã họp khẩn cấp với chính quyền sở tại, đồng thời kêu gọi giới chức Nam Sudan hành động ngay lập tức để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời buộc những kẻ gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo người đứng đầu UNMISS David Shearer, các vụ tấn công xảy ra ngay trong khu vực do chính quyền kiểm soát, do vậy họ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của người dân. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, khoảng 2.300 trường hợp bị tấn công được thông báo và đa số là phụ nữ và bé gái.

Nhưng theo 3 cơ quan của Liên hợp quốc kể trên, số trường hợp bị cưỡng hiếp trên thực tế còn cao hơn nhiều do "vấn nạn" này hầu như không được thông báo.

Tổng thống Salva Kiir đã ký thỏa thuận hòa bình với cựu Phó Tổng thống Riek Machar (thủ lĩnh phe nổi dậy) hôm 12-9 để chấm dứt cuộc nội chiến nổ ra từ tháng 12-2013. Nhưng bất chấp thỏa thuận hòa bình đã được ký, số vụ tấn công tình dục ở Nam Sudan vẫn gia tăng, khi nhiều người cố gắng tiếp cận nguồn cung cấp viện trợ trong tuyệt vọng.

Phó Tổng thống Riek Machar.

Nam Sudan rơi vào bất ổn sau khi xảy ra tranh chấp giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Và xung đột đã khiến khoảng 4 triệu thường dân rơi vào cảnh tha hương, trong đó 2 triệu người phải sống tại các trại tập trung trong nước.

Hơn 1 tháng trước (8-11), ông Augostino Njoroge, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Đánh giá chung (JMEC) cho biết, các biện pháp xây dựng lòng tin do Tổng thống Salva Kiir khởi xướng cần được các bên liên quan tiếp tục xây dựng để đảm bảo hiệu quả của thỏa thuận tái thiết đất nước.

Tuyên bố của ông Augostino Njoroge được đưa ra sau khi Chính phủ cho biết, sẵn sàng mở cuộc điều tra các vụ đụng độ sắc tộc tại bang Jonglei khiến 15 người chết và khoảng 20 người bị thương trong ngày 30 và 31-10.

Việc công bố kết quả công trình nghiên cứu do Trường Đại học London thực hiện đang khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Bởi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại Nam Sudan đã cướp đi sinh mạng của 382.000 người, cao gấp nhiều lần so với các thống kê trước đó.

Trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là Giáo sư tại Đại học London Francesco Checchi nhấn mạnh, số liệu đáng buồn kể trên phản ánh rõ nét hơn sự khốc liệt của cuộc nội chiến và tác động của nó đối với người dân Nam Sudan.

Được biết, hiện phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan có khoảng 17.000 binh lính gìn giữ hòa bình với nhiệm vụ bảo vệ dân thường, hỗ trợ các hoạt động nhân đạo quốc tế và giám sát, cũng như điều tra những vụ liên quan đến vi phạm nhân quyền. Nhưng sự có mặt của 17.000 binh lính kể trên vẫn không cải thiện được tình hình bất ổn ở Nam Sudan.

Trọng Hậu
.
.
.