Nam Sudan:

Tái diễn cảnh "nồi da xáo thịt"

Thứ Hai, 18/07/2016, 13:51
Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar đã kêu gọi lực lượng trung thành ngừng bắn (có hiệu lực từ 0h ngày 12-7) sau 4 ngày giao tranh ở thủ đô Juba với lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir Mayardit.


Ông Riek Machar đưa ra quyết định kể trên sau khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit công bố lệnh ngừng bắn đơn phương. Lệnh ngừng bắn được Tổng thống Salva Kiir Mayardit ban hành sau khi lực lượng trung thành với ông tấn công vào một căn cứ đối lập, giết chết 35 tay súng của Phó Tổng thống Riek Machar.

Cùng xuống thang

Ngày 11-7, Tổng thống và Phó Tổng thống Nam Sudan đều ra lệnh cho những người trung thành chấm dứt tình trạng thù địch sau 4 ngày giao tranh, bởi lo ngại xung đột sẽ khiến đất nước lún sâu vào một cuộc nội chiến mới. Người phát ngôn của tổng thống, ông Ateny Wek Ateny cho biết, 2 nhà lãnh đạo đã điện đàm hôm 11-7, một ngày sau khi xe tăng và máy bay trực thăng được các bên huy động tham gia vào một số cuộc đụng độ ác liệt bên trong thủ đô.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit và Phó Tổng thống Riek Machar.

Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn của ông Riek Machar cho biết, tư dinh của Phó Tổng thống đã bị lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir Mayardit tấn công - bị tấn công bằng xe tăng và máy bay trực thăng vũ trang. Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit và Phó Tổng thống Riek Machar đạt được hòa giải khoảng 3 tháng trước.

Theo thống kê, đã có ít nhất 272 người chết trong các cuộc đấu súng tại thủ đô Juba (từ 8-7) giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir Mayardit với lực lượng trung thành của Phó Tổng thống Riek Machar. Ban đầu, giao tranh kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ và nhanh chóng leo thang sau khi binh sỹ hai bên sử dụng vũ khí hạng nặng.

Theo giới truyền thông, giao tranh bùng phát tại thủ đô Juba khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit và Phó Tổng thống Riek Machar đang chuẩn bị có bài phát biểu trước giới truyền thông tại Dinh Tổng thống nhân kỷ niệm ngày Độc lập. Ngày 9-7-2011, Nam Sudan tuyên bố tách khỏi Sudan, trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới.

Cuộc giao tranh kéo dài 4 ngày vừa qua đang dấy lên những lo ngại về sự trở lại cuộc nội chiến (khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng) vốn đã kết thúc thông qua một thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù 2 bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 8-2015, nhưng mãi tới tháng 4-2016, ông Riek Machar mới trở về thủ đô để thành lập chính phủ đoàn kết, và được khôi phục chức danh Phó Tổng thống thứ nhất. Cuộc nội chiến kéo dài 2 năm xảy ra sau khi Tổng thống Salva Kiir Mayardit sa thải Phó Tổng thống Riek Machar tháng 12-2013.

Khi đó, Tổng thống Salva Kiir Mayardit cáo buộc Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Và người ta những tưởng bất đồng giữa Tổng thống Salva Kiir Mayardit và Phó Tổng thống Riek Machar đã kết thúc 1 năm trước khi cả hai cùng ký vào bản thỏa thuận hòa bình.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, xung đột tại Nam Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, khiến 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và khoảng 8 triệu người phải sống trong đói khát và bệnh tật. Khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế.

Ngày 27-8-2015, hai bên tuy ký thỏa thuận hòa bình trước sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải khu vực châu Phi và thế giới, nhưng các vụ đụng độ vẫn xảy ra. Hơn 6 tháng trước (7-1), Ủy ban Đánh giá và Giám sát thỏa thuận hòa bình Nam Sudan cho biết, chính phủ và lực lượng phiến quân nước này đã đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ vị trí trong chính phủ đoàn kết dân tộc chuyển tiếp.

Theo đó, các ghế Bộ trưởng Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Thông tin… (16 bộ) do lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir Mayardit nắm giữ, lực lượng nổi dậy dưới quyền Phó Tổng thống Riek Machar kiểm soát 10 bộ, 4 bộ còn lại chia đều cho các đảng đối lập.

"Kẻ thù truyền kiếp"

Theo thỏa thuận được ký hôm 3-11-2015 giữa Chính phủ Nam Sudan và các lực lượng nổi dậy, tổng cộng 4.830 binh sỹ được triển khai tại nội đô Juba, bao gồm 3.420 quân chính phủ và 1.410 quân nổi dậy.

Quân chính phủ Nam Sudan.

Lực lượng này bao gồm các đơn vị lính gác hỗn hợp, quân cảnh và các đơn vị an ninh quốc gia. Ngoài ra, chính phủ và phe nổi dậy cũng nhất trí triển khai các đơn vị cảnh sát chung tại Juba, gồm 3.000 nhân viên chia đều cho 2 bên, cùng với 800 sỹ quan an ninh tại 3 thành phố Bentiu, Malakal và Bor.

Ngày 19-11-2015, với 231/323 phiếu thuận, Quốc hội Nam Sudan đã thông qua sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Salva Kiir Mayardit chia lại đất nước từ 10 bang lên 28 bang. Trước đó (tháng 10-2014), Tổng thống Salva Kiir Mayardit đã quyết định phân chia lại đất nước thành 28 bang thay cho 10 bang. Nhưng ông Riek Machar phản đối quyết định này.

Tổng thống Salva Kiir Mayardit (sinh ngày 13-9-1951) là người Dinka, nhưng thuộc về một thị tộc khác so với người tiền nhiệm John Garang. Sau cái chết của ông John Garang trong vụ rơi máy bay hôm 30-7-2005, ông Salva Kiir Mayardit được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống Sudan, sau đó là Tổng thống Nam Sudan.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Riek Machar là người thuộc bộ tộc Nuer. Và trước khi trở thành Phó Tổng thống, ông Riek Machar là thủ lĩnh của lực lượng phiến quân. Theo giới truyền thông, chỉ 2 năm sau khi tách khỏi Sudan, nội chiến đã xảy ra ở Nam Sudan khiến nền kinh tế nước này sụp đổ - lạm phát tăng cao khiến giá trị đồng nội tệ giảm tới 90%. Cùng với đó là nạn tham nhũng không thể kiểm soát. Và vì gặp khó khăn về tài chính nên Chính phủ Nam Sudan đã quyết định hủy lễ kỷ niệm ngày Độc lập (9-7), đánh dấu 5 năm kể từ ngày Nam Sudan tách khỏi Sudan.

Với kết quả 98,83% cử tri lựa chọn ly khai, ngày 9-7-2011, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ký quyết định phê chuẩn kết quả này và Nam Sudan trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới. Sau khi Nam Sudan tuyên bố độc lập, mối quan hệ giữa nước này và Sudan đã thay đổi. Sudan và Nam Sudan đã quyết định nối lại các cuộc thương lượng về phân định biên giới và tình hình an ninh trật tự tại khu vực biên giới nhằm giảm căng thẳng giữa 2 nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Juba ngày 25-5, ông Nuk Mafeer, Trợ lý Trưởng phái đoàn đàm phán Nam Sudan cho biết, 2 nước đã nhất trí nối lại hoạt động của Ủy ban Chính trị và An ninh chung (JPSC), nhằm thảo luận về vấn đề biên giới và an ninh giữa hai nước vào đầu tháng 6 tại thủ đô Khartoum của Sudan.

Tháng 3-2016, Sudan quyết định đóng cửa biên giới với Nam Sudan khi cáo buộc chính quyền Juba hậu thuẫn các nhóm nổi dậy ở Sudan để lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir.

Phản ứng của thế giới

Ngày 10-7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn theo đề nghị của Mỹ để thảo luận về tình hình xung đột tại thủ đô Juba của Nam Sudan. Bộ Ngoại giao Mỹ còn thông báo, đang triển khai quá trình ra đi có trật tự cho các nhân viên khỏi Nam Sudan sau cảnh "nồi da xáo thịt". Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang có kế hoạch sơ tán công dân nước mình ra khỏi Nam Sudan. Chính phủ các nước kể trên cũng khuyến cáo người dân nước họ không nên tới Nam Sudan vào thời điểm này.

Phó Tổng thống Riek Machar phát biểu trên truyền hình.

Ngày 11-7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, 47 nhân viên Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đang chuẩn bị rời Nam Sudan trên một chiếc máy bay thuê. Cùng ngày 11-7, Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết, Tổng thống Jacob Zuma đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực bùng phát trong mấy ngày qua ở Nam Sudan.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đang thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan. Ông Ban Ki-moon còn kêu gọi ban hành những biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Nam Sudan do vi phạm thỏa thuận hòa bình và để mặc quân đội tấn công cơ sở của Liên Hợp Quốc ở nước này.

Trước đó, khi có chuyến thăm Nam Sudan đầu năm 2016, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon từng phải thốt lên rằng, niềm hy vọng của người dân Nam Sudan đã bị phản bội bởi nạn tham nhũng và sự thiếu hụt những chính sách kinh tế đúng đắn.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 11-7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án cuộc nội chiến tại Nam Sudan, với những từ ngữ mạnh mẽ nhất; đồng thời kêu gọi triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình để phản ứng với tình trạng bạo lực hiện nay tại quốc gia non trẻ nhất thế giới.

Việc này diễn ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực có nguy cơ lan rộng tại Nam Sudan, khi các cuộc đấu súng diễn ra ác liệt giữa lực lượng của Tổng thống Salva Kiir Mayardit với các tay súng trung thành với Phó Tổng thống Riek Machar.

Nhưng bất chấp lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiều cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn diễn ra ở một số khu vực quanh thủ đô Juba. Dư luận đang lo ngại trước khả năng nội chiến tái bùng phát ở Nam Sudan.

Ngày 26-4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các phe phái đối địch ở Nam Sudan nhanh chóng thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, sau khi ông Riek Machar trở về thủ đô Juba và nhậm chức Phó Tổng thống. Trước đó (25-1), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon từng cho rằng, việc hình thành chính phủ chuyển tiếp là bước đi cần thiết trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Nam Sudan.

Ngày 28-10-2015, Liên minh châu Phi (AU) cho biết, cả hai bên tham chiến ở Nam Sudan đều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó có giết người, hiếp dâm, bạo lực tình dục, tra tấn, xúc phạm nhân phẩm, cũng như liên quan đến các đối tượng dân sự và tài sản cần được bảo vệ.

Luật sư David Deng cho rằng, cuộc bỏ phiếu đòi độc lập năm 2011 đã cho ra đời quốc gia trẻ nhất thế giới với nhiều lạc quan và kỳ vọng. Nhưng tình hình hiện nay vẫn tồi tệ như khi Sudan còn chìm trong cuộc nội chiến kéo dài 22 năm. Và đây là một sự thật đáng thất vọng.

Tuệ Sy - Trọng Hậu
.
.
.