Nam sinh lớp 12 gây án vì cần tiền mua quà cho chị gái?

Thứ Bảy, 05/03/2016, 11:04
Tất nhiên, đó là lý do mà nam sinh lớp 12 này đưa ra để ngụy biện cho hành động tội lỗi của mình. Nhìn gương mặt trẻ măng, gục rũ vì thấm thía, lí nhí nói những lời ân hận, sám hối, ít ai có thể không day dứt.


Tiếp xúc với những đối tượng phạm tội trẻ tuổi như thế này, chúng tôi thường tự hỏi: Vì thiếu hiểu biết pháp luật hay vì không vượt qua được cám dỗ mà họ chấp nhận đánh đổi tương lai của mình một cách dễ dàng như vậy?

Số phận hẩm hiu của người đàn bà độc thân

Cách Tết Nguyên đán Bính Thân đúng 4 ngày, tức ngày 3-2, bà Nguyễn Thị Thụ (SN 1956, trú tại thôn Thượng, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), một người phụ nữ độc thân, mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ để mưu sinh hằng ngày đã bị kẻ gian sát hại. Hung thủ ra tay tàn độc và có vẻ rất chuyên nghiệp.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường.

Vụ việc được phát hiện ngay đúng thời điểm cái Tết đang cận kề, khiến dư luận xôn xao khắp một vùng quê vốn ngày thường yên bình, phẳng lặng. Cả Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam và Công an huyện Bình Lục như ngồi trên đống lửa. Áp lực phải  tìm bằng được hung thủ, trấn an dư luận khiến các anh làm việc không mệt mỏi, với quyết tâm cao nhất.

Những căn cứ thu thập được tại hiện trường, giúp cơ quan Công an nhận định, đây là vụ án giết người, cướp tài sản. Thủ phạm phải là người có mối quan hệ quen biết với nạn nhân. Tìm hiểu quy luật sinh hoạt của nạn nhân, trinh sát nắm được, thường ngày, nạn nhân luôn đóng cửa hàng trước 19 giờ và sống khép kín, ít giao lưu với hàng xóm.

 Tất cả những đối tượng có tiền án, tiền sự; nghiện ma túy và nam thanh niên có biểu hiện nghiện hút trên địa bàn đã được các trinh sát tiếp cận. Trong quá trình sàng lọc, các anh thấy nổi lên đối tượng Phạm Minh Vương (SN 1998, trú tại thôn Thượng, xã An Đổ), là hàng xóm với nạn nhân Thụ.

Dẫn giải Phạm Mạnh Vương.

Khi tài liệu thu thập đã đầy đủ, chứng minh Phạm Minh Vương chính là hung thủ, cơ quan điều tra quyết định bắt giữ cậu ta. Sáng 13-2, Vương đã bị bắt giữ cùng với chiếc điện thoại tang vật của vụ án. Đúng như nhận định của các điều tra viên, Vương gân cổ cãi bay cãi biến, cho rằng cậu ta mua chiếc điện thoại này cách đó 1 tháng, của một người quen.

Sở dĩ Vương mạnh mồm được như vậy là vì cậu ta đã có một thời gian gần 10 ngày để chuẩn bị cho cuộc "gặp gỡ" với các điều tra viên. Nhưng chỉ sau một vài câu hỏi mang tính chất "chìa khoá" của cơ quan điều tra, Vương đã gục hoàn toàn, thú nhận mình chính là hung thủ gây án.

Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ làm nghề mộc, hoàn cảnh kinh tế gia đình của Phạm Minh Vương không đến nỗi khó khăn nhưng lại khá đặc biệt. Trong gia đình Vương có hai người chị gái bị mắc bệnh tâm thần, cả ngày ngơ ngẩn và không biết làm gì.

Thời điểm gây án, Vương vừa thi xong học kì một lớp 12. Cậu ta là niềm hy vọng lớn lao của cả gia đình. Thế nên, không thể tả hết những đau đớn, bàng hoàng của người thân khi biết tin Vương chính là hung thủ sát hại người hàng xóm.

Ngay sau khi bắt giữ Vương, cơ quan điều tra đã thu giữ tang vật vụ án gồm bộ quần áo dính máu mà Vương đã mặc gây án cùng con dao, đôi dép. Lời khai ban đầu của đối tượng cho thấy, do là hàng xóm, biết rõ hoàn cảnh cô quạnh của bà Thụ, thỉnh thoảng sang nhà chơi nên Vương nắm rõ quy luật sinh hoạt của người đàn bà này, ngày Tết cận kề mà một học sinh như Vương không biết kiếm đâu ra tiền để chơi Tết nên đã liều lĩnh lên phương án sát hại bà Thụ cướp tài sản.

Ngoài ra, Vương khai nhận, cậu ta định có tiền thì sẽ mua cho hai người chị gái bị bệnh tâm thần hai chiếc bờm tóc, nhân dịp năm mới. Tất nhiên, rất có thể đó chỉ là trò ngụy biện của những kẻ tội phạm. Chúng luôn tìm ra một lý do nào đó nghe có vẻ thuyết phục để đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người.

Nhắm mắt vào là ám ảnh

Vương kể rằng, sau hôm gây án, cậu ta đã phải uống rất nhiều cà phê, ngày nào cũng phải làm mấy cốc, để không buồn ngủ. Vì mỗi lần nhắm mắt, hình ảnh nạn nhân bị cậu ta sát hại lại hiện ra rõ mồn một, ám ảnh khiến cậu ta không thể nào ngủ nổi.

Phạm Mạnh Vương (trái) tại cơ quan điều tra.

Nhìn Vương, chúng tôi chợt có suy nghĩ, tội phạm có thể là bất cứ ai, ở bất cứ đâu, khi con người ta không vượt qua được cám dỗ. Bởi gương mặt Vương khá hiền lành, sáng sủa, không có vẻ gì là tên tội phạm gớm ghiếc như người đời vẫn hình dung. Quả thế, Vương mới đang là học sinh lớp 12, đang ở lứa tuổi đẹp nhất, tràn đầy năng lượng nhất của cuộc đời.

Một điều tra viên nói với chúng tôi, khai thác một đối tượng phạm tội không phải là cộm cán hình sự như Vương khó hơn gấp nhiều lần. Từ nhỏ cho đến khi bị bắt vì tội lỗi tày đình, Vương luôn là đứa con ngoan ngoãn, biết giúp đỡ cha mẹ làm lụng việc nhà. Cậu ta luôn ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi trong nhà có tới hai người chị gái bị tâm thần.

Nhắc tới người mẹ, Vương khóc rất nhiều, cậu ta nói thương mẹ nhất. Với những đối tượng như Vương, điều tra viên thường phải "lựa", vì tâm lý những đối tượng này không ổn định, có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Và, việc giữ cho họ có tâm lý bình thường, khai báo tốt, hợp tác với cơ quan điều tra luôn là những công việc cực khó.

- Cháu có quan hệ như thế nào với nạn nhân Thụ?

+ Cháu là hàng xóm của bác ấy. Cháu hay sang nhà bác ấy chơi nên bác ấy quý cháu lắm.

- Cháu nảy sinh ý định sát hại bà Thụ từ bao giờ?

+ Khi cháu sang mua bánh. Sau đó thì cháu lấy được mấy trăm nghìn, tiêu lặt vặt cũng hết.

- Bố mẹ cháu làm nghề gì?

+ Bố cháu làm thợ mộc ở nhà, còn mẹ cháu cũng ở nhà phụ giúp bố.

- Là con út trong nhà, cháu có được chiều chuộng hơn các anh chị khác không?

+ Bình thường ạ. Ngoài giờ đi học, cháu vẫn giúp bố mẹ mọi việc trong nhà.

- Học hết lớp 12 thì cháu định thi vào trường nào?

+ Cháu cũng đang có dự định thi một trường đại học hoặc cao đẳng nào đó, nhưng chưa chọn được trường nào.

- Ngày Tết, cháu cần tiêu những gì mà lại nảy sinh ý định sát hại bà Thụ?

+ Cháu cần tiền... và muốn mua cho chị gái chiếc bờm và muốn mua mấy cái tranh treo Tết trong nhà cho đỡ buồn tẻ.

- Sau khi gây án có sợ không?

+ Sợ đến nỗi không ngủ được. Ngày nào cháu cũng lên mạng đọc tin về vụ này. Cứ mở mạng ra là người cháu run bắn. Không hiểu sao lúc ấy cháu lại làm thế được. Ngày nào cháu cũng phải uống nhiều cà phê để không buồn ngủ. Mỗi lần nhắm mắt lại là bà Thụ lại hiện ra, cháu sợ không dám ngủ.

- Sao không nghĩ đến việc đầu thú?

+ Cháu sợ lắm. Ngày các chú Công an về thôn khám nghiệm hiện trường, cháu  không dám bước chân ra khỏi nhà.

- Cháu có hình dung sẽ bị bắt không?

+ Cháu cũng nghĩ sẽ có ngày này, có lúc lại tặc lưỡi: Thôi kệ, chuyện đã thế rồi, cứ chơi Tết cho vui đã.

- Có vui được không?

+ Không ạ. Làm gì cũng ngó trước ngó sau. Thái độ bất an, đến mẹ cháu còn nhận ra cháu không bình thường. Hôm các chú Công an vào nhà cháu hỏi, cháu cố tỏ ra bình thường, mặc dù trong lòng rất run sợ, cháu nghĩ là các chú ấy nhận ra thái độ của cháu.

- Tương lai của một thanh niên 18 tuổi đang phơi phới, sao lại dễ dàng đánh đổi như vậy?

+ Cháu ân hận lắm. Giờ nghĩ chỉ thương bố mẹ, nhất là thương mẹ. Bố mẹ đặt quá nhiều niềm tin và hy vọng vào cháu. Tết thì cháu định tiêu pha một số thứ nhưng bố mẹ cháu vừa xây nhà nên cháu không muốn xin.

Nhóm PV
.
.
.