Nạn "cát tặc" lộng hành ở Kenya

Thứ Hai, 06/03/2017, 18:58
Kenya cũng giống như hầu hết các nước đang phát triển có tốc độ xây dựng, đô thị hóa nhanh chóng mặt. Những tòa nhà cao tầng mọc lên trên khắp các thành phố, đòi hỏi số lượng cát xây dựng rất lớn. Buôn bán cát trở thành ngành công nghiệp mang lại khoản lợi nhuận kếch xù thu hút sự quan tâm của nhiều băng nhóm tội phạm.


Làn sóng bạo lực bùng phát

Làn sóng bạo lực đang bùng phát ở Makueni, một vùng nông thôn nghèo ở Kenya. Trong hai năm qua, ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương, bao gồm cả nhân viên cảnh sát và các quan chức Chính phủ.

Gần đây nhất, đêm 20-12-2016, hai tài xế xe tải chở cát ở Kenya bị một băng nhóm tội phạm giết hại dã man ở khu vực bờ sông Muooni, cách Nairobi khoảng 60 dặm về phía Đông Nam. Những kẻ tấn công đã đốt xe tải nhằm xóa dấu vết.

Cũng trong đêm đó, một tài xế lái xe tải chở cát khác cũng bị bắn chết. Nguyên nhân của tình trạng bạo lực này được xác định là cuộc chiến giành "mặt hàng" quan trọng nhất của thế kỷ 21: cát.

Những cuộc đụng độ giữa các băng đảng khai thác cát trái phép, chính quyền và người dân địa phương liên tiếp xảy ra ở Kenya. Hồi tháng 8-2016, hơn 40 người đàn ông đã tấn công lực lượng chức năng trên đường cao tốc đến Nairobi.

Buôn bán cát hiện là ngành công nghiệp mang lại khoản lợi nhuận kếch xù.

Đầu tháng 12-2016, một nhóm khai thác cát trái phép đã tấn công 6 người đàn ông bằng dao ở Makueni. Gần đây nhất, một sĩ quan cảnh sát Makueni đã bị một đối tượng khai thác cát trái phép tấn công đến chết.

Quan chức tiếp tay cho "cát tặc" lộng hành

Giới chức Kenya đang cố gắng ngăn chặn nạn "cát tặc". Tuy nhiên, đó vẫn là một cuộc chiến chưa có hồi kết. Thực tế cho thấy, một số quan chức nhận hối lộ, tiếp tay cho nạn "cát tặc" lộng hành.

Tài xế xe tải chở cát bất hợp pháp từ Makueni đến Nairobi thừa nhận với các nhà nghiên cứu Kenya trong một báo cáo được công bố năm 2015 rằng, họ thường xuyên hối lộ cảnh sát khi chở cát trên các tuyến đường.

Thống đốc bang Makueni, ông Kivuthu Kibwana từng khẳng định, một số quan chức cảnh sát địa phương và nhân viên thực thi công quyền đã tham gia vào hoạt động buôn bán cát trái phép.

"Khai thác cát đã bị cấm ở Makueni trong những năm gần đây nhưng hoạt động khai thác cát trái phép, buôn bán cát trên thị trường chợ đen vẫn diễn ra sôi động. Từ đêm đến sáng, bạn có thể thấy hàng trăm xe tải chở cát trên đường tới Nairobi.

Những người khai thác cát trái phép không quan tâm đến ảnh hưởng về môi trường. Tất cả những gì họ muốn là cát. Chắc chắn những cuộc xung đột sẽ tiếp tục xảy ra", Timothy Maneno, một thành viên của cơ quan lập pháp Makueni nói.

"Makueni đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống sông ngòi, hệ sinh thái đã thay đổi đáng kể", Gino Cocchiaro, người đứng đầu một tổ chức bảo vệ môi trường có trụ sở tại châu Phi cho biết. Makueni là một khu vực bán khô hạn, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân là chăn nuôi và trồng trọt.

Vì vậy, bất kỳ sự can thiệp nào ảnh hưởng tới nguồn nước đều gây hậu quả nghiêm trọng. Khai thác cát bừa bãi đã hạ thấp mực nước ngầm, xói mòn đất, thay đổi dòng chảy của sông. Nhiều nhà báo cho rằng, khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở Makueni giống như một thảm họa.

Ước tính ngành công nghiệp khai thác, buôn bán cát trên toàn cầu có giá trị hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Mỗi năm, các băng nhóm tội phạm trên thế giới đã khai thác rất nhiều cát để bán trên thị trường chợ đen. Một băng đảng xã hội đen khét tiếng ở Israel khai thác cát trái phép ở khu vực bờ biển. Một nửa số lượng cát được sử dụng để xây dựng ở Maroc có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp. Tại Ấn Độ, "mafia cát" đã tấn công làm thiệt mạng hàng chục người, làm bị thương hàng trăm người trong những năm gần đây.
Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.