Nạn cướp phá và buôn lậu cổ vật trên thế giới

Chủ Nhật, 19/04/2020, 08:20
Trong một thời gian dài việc buôn bán cổ vật đã trở thành một trong những nguồn thu chủ yếu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.


Những năm gần đây, báo chí, truyền thông liên tục cảnh báo về hiện tượng gia tăng các vụ cướp phá các di sản văn hóa và buôn lậu cổ vật, điều này chủ yếu liên quan đến những hoạt động của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong một thời gian dài tổ chức này đã chiếm đóng những khu vực có những di sản văn hóa và các di chỉ khảo cổ học giá trị và việc buôn bán cổ vật đã trở thành một trong những nguồn thu chủ yếu của chúng. Nhưng thực ra việc buôn lậu cổ vật đã có từ rất lâu đời và guồng máy của nó được vận hành theo những cơ chế hết sức phức tạp. 

Những phi vụ triệu đô

Trong một cuộc điều tra hình sự với quy mô toàn cầu, Subhash Kapoor, 70 tuổi, một nhà buôn các tác phẩm nghệ thuật ở Manhattan đã bị nhà chức trách Mỹ kết tội như là một trong những kẻ buôn lậu cổ vật lớn nhất thế giới. 

Hắn cầm đầu một mạng lưới tội phạm đa quốc gia, từ hơn 30 năm nay đã buôn bán hàng ngàn cổ vật bị đánh cắp hay bị cướp bóc với tổng trị giá lên tới 145 triệu đô la.

Băng nhóm này đã đi lùng mua các cổ vật ở Afghanistan, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Thái Lan, sau đó tìm cách hợp pháp hóa chúng bằng những giấy tờ giả để rồi đem đi bán ở khắp thế giới, thu những món lợi nhuận khổng lồ. Người mua là các nhà sưu tập tư nhân, những người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật và rất nhiều bảo tàng danh tiếng trên thế giới.

Chỉ trong một thời gian ngắn, buôn lậu cổ vật đã trở thành một thứ vũ khí lợi hại của IS. Theo Philippe Lalliot, Đại sứ Pháp tại Unesco thì: “IS nhanh chóng chuyển từ những vụ cướp bóc đơn lẻ thành những chiến dịch cướp phá có tổ chức. IS đã tuyển mộ những nhà khảo cổ chuyên nghiệp và đã trang bị các công cụ khai thác tinh vi”.

Kể từ năm 2011, toàn bộ các di tích khảo cổ của Syria và Iraq đã bị đào bới đến mức trên những bức ảnh vệ tinh, chúng trông nham nhở giống như những miếng pho mát Thụy Sĩ.

Tại Apamea (Syria), thành phố của nền văn minh Hy-La nổi tiếng với những hàng cột lớn, người ta đếm được 14.000 hố đào bới vội vã. Theo ước tính của CIA, việc khai thác và buôn lậu cổ vật đã đem lại cho IS một nguồn thu từ 6 đến 8 tỷ đô la, chỉ đứng sau nguồn thu về dầu mỏ.

Sau khi bị cướp phá, các tác phẩm nghệ thuật Trung Đông này sẽ đi theo những ngả đường Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan để rồi nhập lậu vào châu Âu. 

Tại đây, chúng được chuyền từ tay nhà buôn này sang nhà buôn khác, từ nước này qua nước khác nhằm xóa đi các dấu vết ban đầu và làm cho những công việc truy tìm nguồn gốc các cổ vật hay các tác phẩm nghệ thuật càng trở nên khó khăn hơn.

Cuộc đấu tranh chống lại việc buôn bán bất hợp pháp cổ vật luôn là một quá trình lâu dài và đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Giới buôn lậu cổ vật luôn có những mánh khóe riêng để qua mặt pháp luật. 

Những món đồ bất hợp pháp sẽ xuất hiện trở lại sau 5 hoặc 10 năm ở Hong Kong, Paris, London hay Geneva dưới danh nghĩa một món đồ đã được mua đi bán lại hay được thừa kế.

Subhash Kapoor cầm đầu một mạng lưới tội phạm đa quốc gia.

Giải pháp nào để chống nạn buôn lậu cổ vật?

Phải chăng chúng ta sẽ hoàn toàn bất lực trong việc chống lại hoạt động buôn bán bất hợp pháp cổ vật hay các tác phẩm nghệ thuật? May mắn thay khi câu trả lời là “KHÔNG”.

Daniel Hazdai, một cựu thanh tra cảnh sát thuộc một bộ phận của Bộ Nội vụ Pháp chuyên hỗ trợ các công ty bảo hiểm đi truy tìm các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Ông có một niềm tin không thể lay chuyển vào “dữ liệu lớn”.

Theo Daniel Hazdai thì “mọi việc sẽ rất đơn giản, chúng ta chỉ cần ghi lại thật nhiều hình ảnh của tác phẩm được dự kiến đem ra chào bán rồi đem so sánh với cơ sở dữ liệu đã được lưu trữ từ trước đó”.

Các hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy hiện nay là các hệ thống của Icom (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế), Interpol và OCBC (Văn phòng Trung ương về Chống buôn bán Tài sản văn hóa).

Điểm hạn chế duy nhất là những kho dữ liệu khổng lồ này chỉ lưu lại dữ liệu của những tác phẩm nổi tiếng hay các tác phẩm đã từng được đăng ký hợp pháp. Nhưng cũng có rất nhiều các tác phẩm và các cổ vật quý giá không nằm trong danh sách này.

Để tránh việc các di sản văn hóa vô giá bị cướp bóc hay bị hủy hoại bởi chiến tranh hay các cuộc xung đột, một số người đã đề xuất giải pháp “sơ tán” khỏi bảo tàng những hiện vật hay những tác phẩm quý giá để gửi vào một nơi an toàn, những tác phẩm đó sẽ được trao trả lại một khi những cuộc xung đột kết thúc.

Vào năm 1999, Thụy Sĩ đã nhận bảo quản giúp 1.400 hiện vật khảo cổ quý giá của Afghanistan tại một bảo tàng tạm thời ở Bubendorf đặt dưới sự giám sát của Unesco. Những hiện vật này đã được trao trả nguyên vẹn về Kaboul vào năm 2007. 

Giải pháp này tuy phức tạp về ngoại giao và cũng khá tốn kém, nhưng đó là cái giá phải trả nếu muốn bảo tồn được những di sản vô giá của nhân loại.

Dương Quốc Tuệ (tổng hợp)
.
.
.