Nạn đào trộm mộ nạn nhân Ebola ở Sierra Leone

Thứ Hai, 21/03/2016, 14:58
Các chuyên gia ước tính, khoảng 4.000 người đã chết vì đại dịch Ebola ở Sierra Leone - một quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi. Gần đây, nhiều gia đình có người chết ở đây phát hiện ra rằng, phần mộ của người thân đã bị những tên trộm mộ đào bới để lấy tài sản có giá trị.


Nhân lên nỗi đau

Chồng cô Salamatu, anh Osman là một trong số 4.000 người Sierra Leone chết vì đại dịch Ebola. Vào tháng hai vừa qua, cô Salamatu phát hiện mộ của chồng mình đã bị đào trộm. "Tất cả các đồ vật chôn theo bằng gốm đều bị lấy mất", cô Salamatu, 45 tuổi, người hiện sở hữu một cửa hàng nhỏ bán bút, nến và đồ gốm trong làng John Thorpe, ngoại ô phía tây thủ đô Freetown nói. "Chúng tôi thực sự bị sốc. Nỗi đau mất chồng lại như nhân lên nhiều lần".

Gia đình Salamatu không phải là gia đình duy nhất là nạn nhân của bọn trộm cổ vật. 250 ngôi mộ trong bảy nghĩa trang ở Freetown đã bị đào trong tháng giêng và đầu tháng 2-2016. Những vụ trộm cắp đã gây phẫn nộ sâu sắc trong một quốc gia mà vết thương do Ebola gây ra vẫn chưa được chữa lành.

Một kẻ đào mộ đi qua khu vực nghĩa trang ở thủ đô Freetown.

"Tại sao họ không để những người chết được yên nghỉ trong hòa bình và yên tĩnh? Những tên trộm đã dùng búa tạ để phá mộ. Trộm cắp mộ người chết là hành vi sỉ nhục quốc gia", Sulaiman Zainul-Parker, người phụ trách vấn đề môi trường và xã hội của thành phố nói.

Nghĩa trang Kingtom được cho là nơi xuất hiện nhiều vụ trộm mộ nhất, mặc dù chính quyền không cung cấp con số chính xác về số mộ bị đào bới. Nhiều nạn nhân Ebola yên nghỉ tại đây vì các nhân viên y tế công cộng muốn để xác chết nhiễm bệnh ở một nơi vì sợ lây nhiễm ra khu vực khác.

Khoảng 60% trong số hơn 6.000 ngôi mộ ở Kingtom là nạn nhân của Ebola. "Những kẻ trộm mộ bỏ lại xác chết sau khi lấy quan tài bằng gỗ gụ đắt tiền. Tôi nghi ngờ rằng, những chiếc quan tài sau đó được bán cho một số nhà chuyên bán quan tài trong khu vực", Abdul Rahman, một người có mộ người thân bị đào trộm nói.

Sally Cole, 48 tuổi, cho biết, quan tài trị giá 1.000 USD trong ngôi mộ người cha quá cố của anh cũng đã bị đánh cắp. "Tôi cảm thấy rất tức giận khi mộ cha tôi bị đào bới. Cha tôi chết vì tuổi già hai năm trước đây, không phải vì Ebola", cô Sally Cole nói. Christopher Coker, một nông dân 50 tuổi cho biết, nhiều đồ vật bị đánh cắp trong ngôi mộ của anh trai ở nghĩa trang Ascension có thể được bán cho hiệu cầm đồ.

Trước vấn nạn trên, chính quyền thành phố đã tăng cường bảo vệ tại các nghĩa trang ở khắp thủ đô và nhiều khu vực khác. Có vẻ như nạn trộm cắp mộ đã giảm trong một vài tuần gần đây. "Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và cũng đã thông báo cho chính quyền thành phố khác để họ nêu cao tinh thần cảnh giác", ông Syed Zainul-Parker nói.

Thực tế cho thấy, cảnh sát đã không bắt giữ bất cứ ai hoặc mở cuộc điều tra nghiêm túc về tình trạng này. Nhân viên cảnh sát nghi ngờ rằng, những đứa trẻ vô gia cư sống trong nghĩa trang và những người thường xuyên được thuê để chôn người chết là đối tượng khả nghi nhất vì họ biết số tài sản được chôn theo. Sheka Conteh, 24 tuổi, một thành viên của nhóm "Youth Club Dead" - bạn của những người sống trong nghĩa trang nói rằng, anh và những người bạn của anh vô tội.

Cơn ác mộng mới vì Ebola quay trở lại

Theo lý giải của ông Sulaiman Zainul-Parker, sở dĩ xuất hiện nạn đào trộm mộ ở Sierra Leone là vì, người dân nơi đây vẫn thường chôn theo người chết đồ trang sức, quần áo tốt và các mặt hàng có giá trị. Bên cạnh đó, người dân Sierra Leone cũng chi khá nhiều tiền để trang trí hầm mộ và mua quan tài đắt tiền.

Sidie Yahya, Giám đốc truyền thông của Trung tâm ứng phó với Ebola quốc gia cho biết, thi thể người chết chôn trong nhiều tháng sẽ không có khả năng làm lây nhiễm Ebola nhưng có thể xuất hiện mầm mống của bệnh khác, nhất là ảnh hưởng đến môi trường sống. "Vấn đề đáng lo ngại nhất là môi trường và điều này cần phải được giải quyết", ông Sidie Yahya nói.

Một nhân viên y tế ở Lokomasama - nơi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Ebola.

Làn sóng trộm mộ diễn ra trong bối cảnh được đánh giá là "cơn ác mộng mới" cho y tế công cộng Sierra Leone. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Sierra Leone không còn nạn nhân Ebola vào tháng 11 năm ngoái nhưng vào tháng giêng, hai trường hợp mới nhiễm Ebola đã xuất hiện trở lại, một nạn nhân đã tử vong. Sierra Leone, Guinea và Liberia là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Ebola.

Khoảng 10.000 người dân đang hồi phục sức khỏe vì bị ảnh hưởng Ebola trước đó. Các quan chức y tế công cộng khuyến cáo, cần nêu cao tinh thần cảnh giác để ngăn chặn ổ dịch mới. Phát hiện mới cho thấy, virus Ebola cũng xuất hiện trong sữa mẹ và tinh dịch của những người đã từng nhiễm Ebola.

P. Tường (Tổng hợp)
.
.
.