Nan giải ở “thủ phủ tội phạm châu Phi”

Thứ Hai, 18/11/2019, 08:30
Cape Town, thủ đô Cộng hoà Nam Phi được mệnh danh là "thủ phủ tội phạm của châu Phi" bởi tình hình tội phạm ngày càng tồi tệ, khi băng nhóm tội phạm đường phố mọc như nấm, bạo lực diễn ra như chuyện thường ngày.


Trong 5 năm gần đây, số án mạng tăng gấp đôi, vai trò cuối cùng là sự phổ biến những loại ma túy rẻ tiền mà cực mạnh, chủ yếu là methamphetamine mà người châu Phi gọi là "teak". Bây giờ các nhân viên pháp y của Cape Town ngập việc, nhà xác chất đầy những container hàng biển bên trong chứa thi thể.

Hàng nghìn người đã bị giết ở Cape Town

"Một du khách Ukraina bị cắt cổ ở công viên chỉ vì chiếc ba lô", "Một người đàn ông và cả gia đình bị bắn chết chỉ vì không chịu mua bia", "Bọn gangster bắn vào đầu ba đứa trẻ" - những tin tức như thế xuất hiện hàng ngày ở Cape Town. Năm 2018 là 12.000 thi thể, một phần ba trong số đó có dấu hiệu bị giết. 

Theo Quỹ bảo vệ pháp luật FW de Klerk, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 2.302 người bị giết ở Cape Town, nâng mức bị bức tử trong thành phố lên đến 100/ 100.000 người trong năm (toàn Nam Phi là 33) và gấp 16 lần mức trung bình của thế giới (6/100.000).

Hơn một nửa trong tất cả các vụ giết người đều xảy ra tại Cape Flats (nam Cape Town, nơi có khoảng 2 triệu người sinh sống và là quỹ phát triển nhà ở của Nam Phi). 

Tại những quận nghèo của người da đen, mức độ tội phạm thật gây sốc: hơn 250 vụ giết người/100.000 dân, hầu như đêm nào cũng có tiếng đạn nổ, bãi cỏ sân vận động bị những toán trẻ dùng làm bãi chiến trường với dao và súng, không tiền tuyến, không hậu phương và không luật lệ: có những lúc các bên đối địch thỏa thuận ngưng chiến nhưng rồi lại vi phạm.  

Tháng 7-2019, Bộ trưởng An ninh Nam Phi Albert Fritz phải công khai tuyên bố "Cape Flats là vùng chiến sự" và cử một đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Quốc gia gồm hơn 1.300 binh sĩ tuần tra trên những đường phố nhằm dẹp các băng nhóm, nhưng theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Tây Cape thời hạn chiến dịch không phải kết thúc vào 16-9-2019, mà được kéo dài nửa năm, đến 20-3-2020.  

Cảnh sát Nam Phi truy bắt tội phạm.

Tại sao Cape Town trở thành trung tâm bạo lực của nước này? Các chuyên gia tin rằng cội rễ của khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ năm 1950, khi chính phủ áp dụng luật Group Areas Act (Những khu vực sinh sống theo nhóm): chỉ những người da trắng được sống tại trung tâm thành phố, còn những người da màu có dòng máu pha trộn và những người nghèo, người nghiện và bọn tội phạm ồ ạt chuyển về Cape Flats. 

Từ 1950 đến 1982 (32 năm) 70.000 gia đình bị chuyển vào các khu tái định cư ở Cape Flats. Mọi người phải làm quen với phố mới và cảm giác bị cách ly khỏi xã hội, sống trong những ngôi nhà ba tầng xây dựng vội vã gồm những căn hộ hẹp chỉ tính cho bố mẹ và con cái, không có cửa hàng, không có cơ sở văn hóa, trường học thì xa. 

Quan trọng là kết cấu xã hội bị phá vỡ và vô hình trung sự kiểm soát đối với giới trẻ bị cắt đứt. Chúng buồn bã, vô công rồi nghề và không được lựa chọn bạn bè nên bắt đầu tụ tập thành từng băng nhóm, còn trong gia đình thì sinh ra nỗi sợ hãi người lạ, sợ hàng xóm, sợ bọn tội phạm, sợ tất cả những gì diễn ra xung quanh; trong khu nhà bắt đầu bí mật trồng cần sa và hình thành những chợ đen đòi hỏi có "lính" để bảo kê.

Mới đầu xã hội Cape Flats còn tích cực chống lại các băng đảng địa phương, có những băng đảng nghiêm túc với mục đích khá hay: tái lập những tổ chức cơ quan và kinh tế nội tại, xác định giới hạn cho khu phố mới, tuổi trẻ gia nhập những nhóm nhằm tránh trở thành nạn nhân của những phần tử tội phạm, người lớn gia nhập những đội "gìn giữ hòa bình" đảm bảo an ninh trật tự trong khu phố. 

Cơ cấu tự vệ đó rất cần thiết trong điều kiện chính quyền thờ ơ với vấn đề băng đảng tội phạm, nhưng đã bị phá vỡ bởi Luật 1956 Riotous Assemblies Act 17 (về tụ tập đông người) quy định cấm các công dân không da trắng tụ tập quá 3 người trên đường phố. 

Sau đó, những năm 1960-1970, các băng đảng không biến mất đi đâu mà dân da không trắng lại cuốn vào cuộc đấu tranh chống chế độ Apartheidà, nhiều thành viên các băng tích cực tham gia chính trị, bạo lực đường phố thời đó bị coi là của bọn cầm quyền áp bức. 

Kết cục cuộc đấu tranh vì hòa bình tự do ở Nam Phi (1986-1996) được giải quyết bằng hòa bình thương lượng, việc giúp các băng nhóm và các thành viên tiềm năng đã không còn cần thiết, bọn gangster tập hợp lại với nhau và lại hoạt động tội phạm rất tích cực. 

Những quyến rũ không cưỡng nổi từ việc buôn bán ma túy, ma cô dẫn gái và mở rộng vùng ảnh hưởng của mình, dẫn đến những băng đảng tàn khốc. Chính quyền dân chủ thay thế chế độ Apartheidà không mang lại mức sống cao và chỗ làm việc cho Cape Flats, dân da màu thấy mình bị bỏ rơi nên phản lại.

Sau năm 1994, chỉ trong một giai đoạn ngắn, các băng đảng "Americans", "Hard Livings" và "Sexy Boys" phình to, đòi chuyển sang nhà nước thuần túy phong kiến về tư tưởng và kinh tế, họ dùng những đồng tiền do phạm tội rót vào cộng đồng (trả tiền học phí, chữa bệnh, thuê nhà, cung cấp bữa ăn, áo mặc cho người thiếu đói…), bằng cách đó thu phục một phần lớn dân Cape Flats. 

Rashied Staggie, thủ lĩnh băng đảng "Hard Livings" lớn thứ hai ở Cape Flats, được mệnh danh là "trùm ma túy có trái tim vàng" vì đi đến đâu cũng triệu tập mọi người, sau đó ném tiền qua cửa sổ ô tô trong tiếng vỗ tay rầm rĩ. Bằng cách đó hắn ngầm đánh thức người dân ý nghĩ rằng họ được nhận phần của mình từ việc buôn bán ma túy. Và hàng chục cư dân Cape Flats chẳng đã chạy ra khỏi nhà và bảo vệ tên trùm Hard Livings khi cảnh sát vây bắt hắn.

Một “đầu gấu” bị bắt.

Thiên đường của tội phạm

Các băng đảng còn về Cape Town nhiều vì biên giới mở toang cho người và hàng hóa, bất kể người nước ngoài nào cũng có cơ hội đầu tư và buôn bán. Thành phố cảng thu hút nhiều cartel Colombia, mafia Italy, tổ chức tội phạm người Hoa, người Nigeria, người Maroc và cả bọn Taliban Afghanistan thiết lập đường dây đưa vào ma túy và những thứ hàng lậu khác. Sau năm 1994, các băng đảng ở độc lập hoặc liên kết với cộng đồng sở tại Cape Town đã mở những chi nhánh ở ngoài nước và lập đầu mối buôn bán quốc tế.

Một trong những yếu tố kích thích sự cấu kết và siết chặt các băng đảng ở Cape Flats là phong trào chống tội phạm. Năm 1998, lực lượng PAGAD (Người chống chủ nghĩa gangster và ma túy) đã xóa sổ khoảng 30 thủ lĩnh tội phạm hạng nhất và hạng hai, trong đó có "trùm ma túy với trái tim vàng".   

Ở Cape Flats có khoảng 150 băng đảng có vũ trang bao gồm khoảng 100.000 thành viên, con số này là ước chừng vì những băng đảng mới được thành lập thường xuyên rồi nhanh chóng tan rã, hoặc bị những cơ cấu gangster lớn hơn thôn tính nhằm giữ và mở địa bàn: Đó là "Americans", "Hard Livings", "Mongrels", "Playboys", "Sexy Boys", "Naughty Boys", "Junkie Funkies" và "Corner Boys". 2 băng đảng đứng đầu phải gọi là "siêu", vì mỗi băng có tới trên 5.000 thành viên trực tiếp và có quyền kiểm soát những nhóm chư hầu nhỏ hơn.

Quận Cape Flast.

Việc buôn bán ma túy phát sinh bạo lực theo nhiều hướng. Người nghiện thì trộm cắp để có tiền mua liều mới, các đại lý thì tranh giành nhau quyền kiểm soát thị phần, những băng nhóm lớn hơn thì cá lớn nuốt cá bé. 

Không hiếm cuộc chiến giữa các băng buôn bán ma túy bùng nổ sau khi một băng tiếp cận được với nguồn cung cấp chất lượng hơn hoặc rẻ tiền hơn và đang chiếm khách hàng của băng khác. Còn có những băng đảng như Vatos và Vuras sát phạt vì quyền điều hành các hộp đêm. Cũng có những băng đảng trong tù có "số má" (26, 27 và 28), những băng có "góc cạnh" gồm chỉ vài tên giành quyền quản trị tại xó xỉnh của mình cũng như những "babygangster" muốn bắt chước đàn anh.

Các băng nhóm đường phố Cape Townà có nghi thức kết nạp rất nghiêm khắc. Muốn làm thành viên chính thức phải giết, làm sát thương hoặc cưỡng hiếp được người của băng nhóm cạnh tranh, có như thế mới chứng minh được tính chuyên nghiệp, và được cả băng nhóm sẵn sàng bảo vệ khỏi bị trả thù. 

Cư dân Cape Town, những chính khách địa phương, kể cả đảng "Liên minh Dân chủ" luôn chống đối đã nhiều lần phải đề nghị Chính phủ Nam Phi đình hoãn việc đưa quân đội vào "những điểm nóng" ở Cape Flats, nhưng lực lượng SANDF vẫn duy trì tại 10 quận xảy ra nhiều tội phạm hình sự nhất. 

Theo ý kiến các nhà phân tích thì chiến dịch quân sự ở Cape Flats có thể mang đến cho cư dân hại nhiều hơn lợi. Bọn gangster với súng lục và ma túy chỉ là phần không đáng kể trong một cơ cấu ngầm rất phức tạp. Ngoài tầm kiểm soát của quân đội vẫn là những bọn buôn lậu nước ngoài, những kẻ phân phối ma túy lẻ và bọn coi kho, những ông chủ của các băng đảng đã mua chuộc được cảnh sát, thậm chí cả những "lính tráng ngoài đường phố". 

Thống kê của Cảnh sát Cape Town cho thấy trong hai năm 2017-2018, 22% số vụ án mạng là do các băng đảng tiến hành, 22% là do cự cãi, bạo lực gia đình hoặc trả thù, 38% không tìm được nguyên nhân. Trong xã hội Cape Town, căn bệnh tàn bạo là rất nan giải, và thứ mà Cape Flats cần là các nhà tâm lý, những người làm công tác xã hội, những đoàn thiện nguyện giúp việc làm và cai nghiện ma túy cho dân.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)
.
.
.