Nạn nhân của đường dây buôn người vô tình trở thành tội phạm

Thứ Bảy, 04/04/2015, 07:00
Những nạn nhân gốc Việt đã bị biến giấc mơ đổi đời thành những cơn ác mộng sau khi bị lừa gạt sang trời Tây. Họ không biết rằng họ đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người và ngay sau khi đặt chân đến xứ người, những nạn nhân này đã bị biến thành những thủ phạm trong đường dây trồng cần sa và sản xuất chất gây nghiện.

Giấc mộng đổi đời

Mong ngóng được đặt chân đến nước Anh với hy vọng là sẽ kiếm được hàng ngàn bảng Anh mỗi tháng. So với thu nhập hiện tại chỉ vài ba trăm ngàn đồng ở quê, cơm còn không đủ ăn chứ chưa nói đến được mặc ấm, những thanh niên người Việt này đã bị mê hoặc bởi những gì mà bọn buôn người vẽ ra. Hứng khởi tạm biệt quê hương, tạm biệt những người thân để sang Anh làm giàu, không ai có thể tưởng tượng ra tấn bi kịch đang chờ đón họ ở trước mắt.

Hàng loạt các báo điện tử của Anh đã đưa tin rằng, tính đến tháng 3 năm 2015 này có hàng nghìn người Việt bị lừa sang Anh để làm việc trong các trang trại trồng cần sa với điều kiện sống và làm việc vô cùng khổ sở và khắc nghiệt. Không chỉ bị bắt ép làm những việc họ không muốn làm mà họ còn bị đánh đập và tra tấn một cách dã man, bên cạnh đó nhiều nạn nhân còn bị hãm hiếp và tất nhiên là không ai có thể có cơ hội trốn thoát trước sự bảo vệ nghiêm ngặt của bọn tội phạm.

Những người Việt được bọn chúng đưa sang Anh bằng rất nhiều cách khác nhau, có thể là đi theo con đường xin visa du lịch rồi tìm cách trốn ở lại bất hợp pháp, cũng có thể sang bằng đường lậu qua biên giới. Những tổ chức buôn người có rất nhiều cách, nhiều mánh khóe để thu nạp được những nhân lực Việt Nam. 

Có những người phải trải qua quãng đường hàng nghìn dặm bằng cách đi bộ, đi thuyền và xe tải trong nhiều tháng trời, thậm chí cả năm trời để tới được bờ biển nước Anh. Sau khi đưa được những người này sang Anh, bọn chúng ngay lập tức đưa những nạn nhân này đến các trang trại trồng cần sa ở rất xa thành phố. 

Tại những trang trại này, những nạn nhân gốc Việt chỉ biết thầm trách số phận không may mắn của mình mà không ai dám chống lại bởi có chống lại thì họ chỉ nhận được những hình phạt vô cùng dã man.

Luật sư bào chữa hình sự Philippa Southwell cho hay, trong những năm gần đây, bà thường xuyên phải đại diện cho những thân chủ, chủ yếu là những nam thanh niên và bé trai người Việt Nam bị lừa sang Anh làm việc trong các nông trại trồng cần sa. Những người này thực sự đáng thương bởi họ đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó ở các vùng quê nghèo và họ chỉ đơn giản nghĩ rằng trời Tây là một giấc mơ khiến họ có thể thoát nghèo, thay đổi được số phận. 

Bà Philippa Southwell còn cho biết thêm, những người Việt Nam trong đó có rất nhiều các em bé trai còn đang trong độ tuổi trung học nhưng cũng phải chịu một cuộc sống đầy cơ cực và nặng nhọc khi bị đưa sang Anh. 

Bà Southwell cho hay: “Họ bị vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp. Một số phải đi bộ qua rừng nhiều ngày trời. Họ phải ngủ trong các lán trại và trốn trong những thùng xe tải bẩn thỉu. Ở trong đó, họ phải giữ im lặng, không được cử động và thở ngột ngạt. Thậm chí, họ phải đi vệ sinh ngay tại đó”.

Phải sống và làm việc phi pháp trong một điều kiện khắc nghiệt như vậy cũng chưa làm họ hoang mang và lo sợ khi trên đầu họ bị vướng vào một món nợ khủng lên đến gần 50.000 USD. Một con số mà có khi cho họ viết chưa chắc họ đã viết đúng chứ chưa nói đến chuyện họ phải trả nợ. 

Theo những kẻ buôn người thì số tiền này là chi phí để những người Việt Nam này đặt chân được trên đất nước Anh. Chính vì số nợ đó mà những người này phải bị giam giữ như tù nhân, làm việc theo quy định của bọn chúng thì mới có hy vọng giữ được mạng sống. Số nợ khủng cộng với những hành động tra tấn dã man, những nạn nhân Việt Nam đành nhắm mắt đưa chân, chấp nhận cuộc sống hiện tại là những người trồng cần sa, làm ăn phi pháp để trả được số nợ và hy vọng một ngày nào đó lại được trở về quê hương.

Những trang trại trồng cần sa được thiết kế rất bí mật với điều kiện sống và làm việc vô cùng khắc nghiệt. Một dãy nhà được thiết kế lụp sụp với hệ thống làm nóng phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp chiếu rọi bỏng rát, dây điện được chăng khắp nơi, không có bất cứ một cửa sổ nào và tất nhiên là ánh sáng mặt trời không thể chiếu được vào bên trong những căn nhà. Cổng ra vào dãy nhà được bảo vệ canh gác rất nghiêm ngặt nên không ai có thể trốn thoát ra ngoài.

 Những người làm việc trong các ngôi nhà này cả năm không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không một lần được hít thở bầu không khí tự nhiên. Điều kiện làm việc khắc nghiệt là thế, ăn uống sinh hoạt khổ cực và hơn nữa những nạn nhân này còn không được nói chuyện với bất cứ ai, cứ lầm lũi làm việc theo sự chỉ đạo của những tên bảo vệ ở đấy.

Nạn nhân vướng vòng lao lý

Những nạn nhân Việt Nam bị bắt làm việc trong các trang trại trồng cần sa này nếu như bị cơ quan chức năng phát hiện thì tất nhiên họ sẽ bị kết tội trồng cần sa và phải đối diện với các bản án tù. 

Bà Chloe Setter thuộc tổ chức thiện nguyện ECPAT UK chuyên bảo vệ cho các trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người cho hay: “Tôi được biết, chưa có băng nhóm buôn người Việt Nam nào bị truy tố vì đưa trẻ em đến đây làm nô lệ trồng cần sa. Nhưng chúng ta đã nhốt, truy tố và kết tội nhiều nạn nhân hơn là truy tố những kẻ đã bóc lột các em”. 

Năm 2013, Toà án tối cao ở Anh và xứ Wales đã ra phán quyết rằng các nạn nhân của nạn buôn người không nên bị truy tố khi tòa xóa tội cho 3 người Việt Nam, trong đó có một người là thân chủ của bà Southwell, vì các tội liên quan đến ma túy.

Theo quan điểm của bà Chloe Setter thì nếu như cảnh sát bắt giữ được các thanh thiếu niên trồng cần sa trong các trang trại thì phải tìm ra manh mối và những người chủ của những trang trại này hơn là ngay lập tức kết tội các em. Những người trồng cần sa chỉ là những nạn nhân làm việc dưới sự chỉ đạo của một tổ chức tội phạm. Nếu như cơ quan cảnh sát điều tra nghiêm ngặt và kỹ càng thì họ sẽ tìm ra các manh mối dẫn đến tệ nạn buôn người trái phép.

Luật sư Philippa Southwell thì cho biết rằng luật sư bào chữa cho những nạn nhân này đều khuyên họ nhận tội chứ không cho rằng chính họ là nạn nhân của tệ nạn buôn người và bóc lột sức lao động. Một khi đã phải chịu án liên quan đến cần sa, nhiều người Việt Nam ở Anh bất hợp pháp đã bị trục xuất về nước. 

Tuy nhiên, ông Mimi Vũ từ Tổ chức Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links Foundation) của Mỹ cho hay, khi có tiền án, họ thường có xu hướng quay trở lại làm việc cho mạng lưới mà họ đã tham gia trước đó. 

Ông Mini Vu nói: "Tất cả những gì họ biết là thế giới tội phạm. Họ đã bị hãm hiếp, bị đánh đập, bị lạm dụng. Họ đã bị đầu độc nhân phẩm vì vậy họ sẽ rất khó để vượt qua danh giới đó”. 

Bà Southwell thì cho rằng: "Điều vô cùng quan trọng là họ phải nhận ra được rằng họ là nạn nhân chứ không phải là tội phạm. Tôi nghĩ đó là cách cho họ niềm tin”.

Mặc dù cần sa bị coi là phạm pháp ở Anh từ năm 1928, nhưng đây vẫn là thứ ma túy thông dụng nhất ở nước này hiện nay. Có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với giá trị ước tính khoảng 9,2 triệu USD mỗi năm. Những nạn nhân của các tổ chức buôn người đã vô tình bị đẩy vào con đường tội lỗi, làm ăn phi pháp.

Phương Mai
.
.
.