Nạn săn người bạch tạng "tăng nhiệt" ở Malawi

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:34
Cảnh sát Malawi, một quốc gia ở miền Đông Châu Phi cho biết, đang tiến hành điều tra việc bảy người có thể là người bạch tạng bị sát hại trong một đám cháy lớn vào thứ ba tuần trước. Mặc dù Chính phủ Malawi đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, nhưng nạn săn người bạch tạng ở nước này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Những băng đảng chuyên săn người bạch tạng

Truyền thông Malawi cho biết, sau khi xảy ra đám cháy làm bảy người chết, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông bỏ trốn mang theo chiếc túi nghi đựng xương người bạch tạng. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục nhưng theo nhận định ban đầu, đây có thể là một vụ săn người bạch tạng lấy các bộ phận cơ thể phục vụ hoạt động tôn giáo.

Người dân địa phương ở huyện Nsanje, miền nam Malawi tin rằng, xương người bạch tạng rất "thiêng" trong các hoạt động hiến tế. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy, rất nhiều người đứng xung quanh thi thể một người đàn ông đã cháy đen. James Kadazera, phát ngôn viên cảnh sát Malawi nói với Nyasa Times rằng, các chuyên gia đang tiến hành giám định xương để đưa ra kết luận cuối cùng. Đồng thời, cảnh sát cũng đã huy động lực lượng để điều tra vụ việc. Tuy nhiên, chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện.

Nhiều người mê tín dị đoan cho rằng, các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có chứa sức mạnh kỳ diệu.

Đây không phải là vụ tấn công người bạch tạng đầu tiên xảy ra ở Malawi trong năm 2016. Hồi đầu tháng 1/2016, thi thể Eunice Phiri, một phụ nữ bạch tạng 53 tuổi đã được tìm thấy trong tình trạng không còn nguyên vẹn. Eunice Phiri đã bị ba người đàn ông, trong đó có một người anh em lừa đến một công viên quốc gia ở Zambia. Đến đây, ba người đàn ông đã giết hại và chặt chân, tay bà.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nạn săn người bạch tạng có xu hướng gia tăng ở Malawi trong thời gian gần đây. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, năm 2015 đã xảy ra 45 vụ tấn công người bạch tạng được báo cáo, trong đó, có cả giết người, bắt cóc, đào mộ người bạch tạng. Một số người ở Malawi cho biết, các băng nhóm được gọi là "thợ săn bạch tạng" đã xuất hiện và chúng chính là nguyên nhân làm gia tăng các vụ tấn công người bạch tạng. Nhiều gia đình có con bạch tạng sợ hãi không dám cho con cái đến trường hoặc di chuyển từ nông thôn ra thành thị sống.

Phải giải quyết tận gốc rễ của vấn đề

Ở Malawi cũng như các nước láng giềng khác như Tanzania và Mozambique, người bạch tạng là đối tượng thường xuyên bị săn đuổi, sát hại để lấy các bộ phận cơ thể và bán phục vụ hoạt động phù thủy. Đây được xem là một lĩnh vực thương mại hấp dẫn. Các bộ phận cơ thể của người bạch tạng được cho là có sức mạnh ma thuật, giúp mang lại may mắn.

Chính phủ Malawi đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về người bạch tạng. Năm ngoái, Mỹ đã hỗ trợ các cơ quan chức năng của Malawi tổ chức cuộc điều tra quy mô lớn về nguyên nhân gốc rễ của các vụ giết người bạch tạng. Cảnh sát Malawi cũng được phép nổ súng vào đối tượng tấn công người bạch tạng.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng, chính phủ Malawi cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ người bạch tạng trước những cuộc tấn công vì niềm tin mù quáng. "Chính phủ phải có hành động khẩn cấp để bảo vệ người bạch tạng và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bạo lực và phân biệt đối xử. Cần phải triển khai các giải pháp để đảm bảo rằng, sự mê tín - nguyên nhân của vấn đề phải được giải quyết", Deprose Muchena, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế  khu vực châu Phi nhận định.

Nạn săn người bạch tạng vì mê tín từ lâu đã trở thành vấn đề nóng ở các quốc gia Châu Phi. Nhiều người vẫn tin rằng, người bị bạch tạng không chết và bộ phận thân thể của họ có thể mang lại may mắn. Thuốc được chế tạo từ xương người bạch tạng có thể chữa bách bệnh.

Những ngư dân ở miền bắc Tanzania thậm chí còn lấy tóc của người bạch tạng đính vào lưới đánh cá vì tin rằng làm như vậy sẽ tăng sản lượng đánh bắt cá. Chân của người bạch tạng có thể bán với giá 2.000 USD và cánh tay bán với giá 800 USD. Một người bạch tạng còn sống hay thi thể người đã chết có thể được bán với giá vài chục ngàn USD. Tanzania hiện là quốc gia có số lượng người bạch tạng cao hàng đầu trong khu vực, với khoảng 200.000 người/tổng số dân là 40 triệu người.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.