Nepal: Chạy đua với thời gian để cứu hộ

Thứ Ba, 05/05/2015, 21:00
Danh sách các quốc gia gửi hàng cứu trợ cùng đội cứu hộ tới Nepal ngày một dài thêm và số người tử vong và bị thương trong trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25/4 tại nước này cũng gia tăng và chưa có con số thống kê chính thức bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Bộ trưởng Nội vụ Nepal Laxmi Dhakal, số người chết do động đất tại Nepal vẫn tăng từng giờ.
Tính đến sáng 27/4, đã có hơn 3.200 người thiệt mạng, khoảng 7.000 người bị thương. Riêng tại thủ đô Kathmandu với khoảng 1 triệu dân, nhưng đã có ít nhất 1.100 người chết. Chính phủ Nepal đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực bị ảnh hưởng, kêu gọi quốc tế hỗ trợ và giải ngân khoản tiền trị giá 500 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất.

Trận động đất cùng các dư chấn đã gây thiệt hại cho một số nước trong khu vực như Ấn Độ (66 người chết), Trung Quốc (18 người chết) và Bangladesh (4 người chết). Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, 3 công dân nước này đã thiệt mạng tại Nepal do động đất gây ra. Mặc dù thế giới đã phản ứng nhanh chóng ngay sau khi nhận được tin về thảm họa động đất, nhưng nhân viên cứu trợ của Liên hợp quốc vừa khuyến cáo, nguồn cung cấp hàng cứu trợ của họ đang cạn nhanh chóng.

Bởi không có dấu hiệu cho thấy các nỗ lực cứu trợ được phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ, khi các tổ chức viện trợ phải cố gắng sử dụng trực thăng trong điều kiện trời nhiều mây, và các dư chấn đã khiến sân bay Kathmandu phải đóng cửa tạm thời, còn các con đường bị chặn do lở đất. Nhiều đường phố ở Nepal bị nứt toác sau động đất và rung chấn khiến cho công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn.

Ngày 26/4, tại khu vực Kathmandu, Nepal lại hứng chịu thêm một trận động đất mạnh tới 6,7 độ Richter, và theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), những đợt dư chấn đã xảy ra trong bán kính 48km từ thủ đô Kathmandu. Còn trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25/4 cách thủ đô Kathmandu 81km về phía Tây Bắc, là trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua.

Dư chấn xảy ra đúng lúc các nhân viên cứu hộ quốc tế đang tăng cường nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát và tìm kiếm người sống sót sau trận động đất. USGS cho biết, trận động đất mạnh 6,7 độ Richter xảy ra tại khu vực Đông Bắc thủ đô Kathmandu, giáp biên giới với Trung Quốc, ở độ sâu 10km. Và theo những người leo núi, dư chấn này đã gây thêm tình trạng tuyết lở ở vùng núi Everest. Người ta có thể cảm thấy mặt đất rung chuyển từ cách tâm chấn hàng trăm kilômét.

Đường phố bị nứt toác.

Trận động đất không những làm chết hàng nghìn người, mà còn phá hủy nghiêm trọng nhiều di sản văn hóa vô giá của Nepal. Trong số những kiến trúc nổi tiếng bị sập có Tháp Dharahara cao 60m, được xây dựng năm 1832 để tôn vinh nữ hoàng Nepal. Và khi tháp sập có tới 200 người mắc kẹt bên trong. UNESCO hiện đang xác định thông tin về quy mô thiệt hại, bao gồm các quảng trường cổ ở thành phố Lalitpur và Bhaktapur, cũng như thủ đô Kathmandu. Văn phòng UNESCO đang nỗ lực tìm hiểu xem khu Lumbini, nơi được coi là Đức Phật sinh thành hơn 2.600 năm trước có bị hư hại hay không. Tại trung tâm thành phố Kathmandu, hàng loạt ngôi đền và tượng do các vị vua Nepal khởi công xây dựng từ thế kỷ XII đến XVIII đều bị đổ.

Sau động đất, hàng ngàn người dân Nepal mất nhà cửa đã phải ngủ trên vỉa hè, ngoài công viên dưới nhiệt độ lạnh lẽo, buốt giá. Nhà chức trách phải lo nơi trú ngụ cho hàng ngàn người dân ở thủ đô sau khi họ phải nằm ngoài trời giá lạnh và dưới cơn mưa vì không dám trở về những ngôi nhà đã tan hoang. Cảnh tượng nhà cửa đổ sập khắp nơi, người bị thương nằm la liệt giữa đường, cứu hộ đào bới các đống đổ nát tìm người bị mắc kẹt... khiến Nepal giống như một bãi chiến trường sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter trưa 25/4. Nhiều chuyên gia cho rằng, số người thiệt mạng có thể lên đến hơn 10.000 người.

Các bệnh viện trong thành phố đã quá tải với cả người bị thương lẫn những người lánh nạn. Và tất cả các bệnh viện công cũng như tư ở khu vực động đất đang trở nên quá tải bởi số người cần điều trị quá lớn. Phó Thủ tướng Nepal Bamdev Gautam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nepal Minendra Rijal tuyên bố, nước này đang kêu gọi cứu hộ, cứu nạn lớn và còn rất nhiều việc phải làm sau thảm họa động đất. Và Ấn Độ là nước đầu tiên cử phái đoàn cứu trợ tới giúp quốc gia láng giềng.

Mặc dù 2 trực thăng quân sự của Ấn Độ đã phải trở lại căn cứ do thời tiết xấu, nhưng trong ngày 26/4, không quân Ấn Độ vẫn thả được 43 tấn hàng cứu trợ cho Nepal, bao gồm lều bạt và thực phẩm, thuốc men, cùng 200 nhân viên cứu hộ.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.