Nepal hủy dự án thủy điện với Trung Quốc

Chủ Nhật, 26/11/2017, 17:44
Ngày 13-11 vừa qua, Chính phủ Nepal cho biết đã hủy một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc về việc xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất nước này.


"Nội các đã hủy bỏ thỏa thuận bất thường với Tập đoàn Gezhouba về xây dựng dự án thủy điện Budhi Gandaki", Bộ trưởng Năng lượng Kamal Thapa  và là Phó Thủ tướng của nước này, phát biểu trong một bài viết đăng trên Twitter ở Nepal sau cuộc họp nội các.

Bởi “Thỏa thuận với Gezhouba Group về dự án thủy điện Budhi Gandaki bị phát hiện có điểm mờ ám và bất cẩn và đã bị bác bỏ theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc hội”, ông Thapa nói.

Theo Phát ngôn viên Bộ Năng lượng Nepal Dinesh Kumar Ghimire, quyết định hủy thỏa thuận với Gezhouba Group là quyết định cuối cùng.

Các con sông của Nepal, trải dài từ dãy Himalaya đầy tuyết, có tiềm năng to lớn chưa khai thác được về thủy điện, nhưng do thiếu vốn và công nghệ nên nước này phải phụ thuộc nước láng giềng Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu hàng năm là 1.400 megawatts (MW).

Vào tháng 6-2017, sau khi Nepal chính thức đồng ý tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Chính phủ liên minh cánh tả của Nepal do Pushpa Kamal Dahal “Prachanda” đứng đầu đã trao hợp đồng cho Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc để xây dựng một nhà máy điện 1.200 MW trên con sông Budhi Gandaki để giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Các nhà chỉ trích nói rằng dự án trị giá 2,5 tỷ đô la này đã được trao cho công ty Trung Quốc mà không có bất kỳ cuộc đấu thầu cạnh tranh nào theo yêu cầu của luật pháp.

Thỏa thuận này trước tiên bị cựu Thủ tướng Baburam Bhattarai phản đối. Một số đảng phái chính trị và các nhà sản xuất năng lượng Nepal cũng không đồng ý với thỏa thuận này mặc dù chính phủ đã phân bổ hơn 12 tỷ Rs để đền bù cho việc thu hồi đất. Và mới đây, một ủy ban của Quốc hội đã yêu cầu chính phủ phải hủy bỏ thỏa thuận.

Theo  ông Tôn Thời Hải - chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc với Nam Á tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc - quyết định hủy bỏ dự án thủy điện nói trên có liên quan đến nhiều yếu tố như các nhóm bảo vệ môi trường, nền chính trị trong nước và những nhóm lợi ích khác. Chính phủ Nepal vẫn rất cần Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Một số nhà quan sát thì cho rằng việc Kathmandu hủy bỏ thỏa thuận xây nhà máy thủy điện với Gezhouba Group là một bước thụt lùi lớn đối với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Nepal thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, theo South China Morning Post.

Gezhouba hiện có ít nhất 2 hợp đồng xây nhà máy thủy điện ở Nepal trong khi một số công ty Trung Quốc khác đang xây bệnh viện, cầu đường và sân bay ở quốc gia Nam Á này.

Chính quyền Kathmandu đã thông qua một dự án công suất 750 MW được xây dựng trên sông Tây Seti ở phía tây của quốc gia bởi Tập đoàn Three Gorges International Corp. thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Nó cũng cho phép 2 công ty Ấn Độ là GMR Group và Satluj Jal Vidyut Nigam Limited xây dựng 2 nhà máy thủy điện, mỗi nhà máy có khả năng sản xuất 900 MW điện, chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ.

Nguyễn Như
.
.
.