New York trang bị 18.000 camera gắn trên người cho lực lượng cảnh sát

Thứ Tư, 07/02/2018, 15:43
"Khoảng 18.000 cảnh sát sẽ được trang bị và huấn luyện sử dụng camera gắn trên người.

Và ngân sách cho chương trình này sẽ gần 6 triệu USD cho năm 2018, 12 triệu USD cho năm 2019 và 9,5 triệu USD cho năm 2020", tuyên bố hôm 30-1 của Thị trưởng New York Bill de Blasio. 

Ông Bill de Blasio cho biết, mục tiêu của thành phố là tới cuối năm 2018, tất cả số sỹ quan và nhân viên điều tra thuộc Sở Cảnh sát New York, đơn vị cảnh sát trực thuộc thành phố lớn nhất nước Mỹ, sẽ được trang bị camera đeo trên người khi làm nhiệm vụ. Đồng thời khẳng định, đây là một trong những nỗ lực của chính quyền New York để hỗ trợ lực lượng bảo vệ pháp luật làm việc hiệu quả, an toàn và minh bạch hơn. 

Giới chức thành phố hy vọng, việc New York đi đầu trong sáng kiến trang bị máy quay cho cảnh sát sẽ giúp nhân rộng mô hình ra nhiều thành phố khác, trong bối cảnh Mỹ chưa giải quyết dứt điểm những căng thẳng gây tranh cãi liên quan tới trường hợp người dân, chủ yếu là người Mỹ gốc Phi bị thiệt mạng khi đụng độ với cảnh sát. 

Ông Eric Adams, Chủ tịch khu dân cư Brooklyn đông dân nhất New York coi sáng kiến này sẽ giúp thành phố tiết kiệm hàng triệu USD phí tổn cho các vụ kiện liên quan tới cảnh sát. 

Về phần mình, đại diện lực lượng cảnh sát New York, ông James O'Neill cho biết, thành phố hiện có khoảng 2.200 sỹ quan đang mang theo máy quay khi làm nhiệm vụ. Được biết có tới 4/5 vụ nổ súng liên quan tới cảnh sát mới đây được ghi lại qua camera gắn trên người đã giúp cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện. 

Theo thống kê, Sở Cảnh sát New York hiện có hơn 36.000 sỹ quan và đã thí điểm trang bị máy quay đeo trên người từ tháng 12-2014, chỉ 6 tháng sau vụ đụng độ giữa cảnh sát với người đàn ông da màu Eric Garner khiến 1 người thiệt mạng. Và đây là một trong những vụ xung đột giữa lực lượng cảnh sát với người dân châm ngòi cho hàng loạt vụ biểu tình trên khắp nước Mỹ xung quanh chủ đề nhạy cảm này.

Trang bị máy quay trên người cho cảnh sát Mỹ.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng quyết định chi 75 triệu USD trong 3 năm để trang bị camera cho lực lượng cảnh sát Mỹ. Camera cho cảnh sát có xuất xứ từ nhà sản xuất Vievu - nhỏ gọn, chống nước, chống sốc tốt, cho hình ảnh tùy chọn chất lượng HD (720) hoặc Widescreen SD (848×480), cùng bộ nhớ 16Gb với pin cho phép hoạt động liên tục 12 tiếng ghi hình. 

Dữ liệu từ chiếc camera này sẽ được bảo mật bởi một phần mềm chuyên biệt có tên gọi VIEVU's VidLock, đảm bảo dữ liệu hình ảnh và video được an toàn và không bị chỉnh sửa, ảnh hưởng tới kết quả giám sát, theo dõi. 

Theo giới truyền thông, Sở Cảnh sát New York đã ký và kế hoạch mua sắm camera là một phần trong hợp đồng 5 năm trị giá 6,42 triệu USD giữa họ với nhà sản xuất Vievu. Và việc trang bị camera cho lực lượng cảnh sát New York có từ hơn 3 năm trước (tháng 12-2014). 

Gần 3 năm trước (30-4-2015), Bộ Tư pháp cho biết, chương trình tài trợ mua camera trang bị cho cảnh sát để ghi lại quá trình họ thực hiện nhiệm vụ được ông Barack Obama đề xuất và quyết định từ tháng 12-2014 và Quốc hội đã chấp thuận khoản tài trợ đầu tiên trong tổng số 75 triệu USD. 

Bộ trưởng Tư pháp khi đó là bà Loretta Lynch tuyên bố, máy quay sẽ giúp cảnh sát cải thiện quan hệ với người dân. Theo giới chuyên gia, với máy quay gắn trên người, cảnh sát sẽ không thể hành động khinh suất và bất kỳ sai lầm nào cũng sẽ bị ghi lại, trở thành bằng chứng không thể chối cãi.

Thành phố New York trang bị máy quay trên người cho cảnh sát.
"Tất cả lãnh đạo cảnh sát trên toàn quốc phải hiểu đây chính là tương lai", Thị trưởng thành phố Jersey Steven Fulop đã tuyên bố như vậy khi Sở Cảnh sát Jersey, bang New Jersey trở thành nơi đầu tiên ở Mỹ thử nghiệm ứng dụng điện thoại thông minh mang tên CopCast - cho phép biến điện thoại di động thành máy quay gắn trên cơ thể (tháng 6-2017). 

Ban đầu chỉ với 10 nhân viên, nhưng sau nhiều tháng thử nghiệm, Sở Cảnh sát Jersey muốn ký với nhà cung cấp để mở rộng phổ cập công nghệ này tới 250 nhân viên. Vì việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đau đầu bởi các vụ xả súng liên quan tới cảnh sát nên thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Theo chuyên gia Chuck Wexler, Giám đốc điều hành Diễn đàn nghiên cứu Quản lý cảnh sát (tổ chức nghiên cứu về thực thi pháp luật ở Washington D.C), đây là công nghệ hấp dẫn bởi CopCast cho phép các đơn vị nhanh chóng và dễ dàng điều chỉnh phần mềm theo cách họ cần. 

Được biết, CopCast đã có phiên bản cho điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, và là nền tảng cho phép các sở cảnh sát ở Mỹ áp dụng theo điều kiện và khả năng của họ.

Trọng Hậu
.
.
.