New Zealand, đất nước xinh đẹp có lực lượng cảnh sát tốt nhất thế giới

Thứ Tư, 01/02/2017, 07:34
New Zealand, đất nước xinh đẹp và phát triển không chỉở khu vực châu Đại Dương mà còn nổi tiếng trên toàn cầu. Đây cũng là một trong những đất nước yên bình và có hệ thống cảnh sát tốt nhất thế giới. Mỗi sỹ quan cảnh sát coi công việc của mình như vinh dự được phục vụ cho nhân dân và tổ quốc…


Cùng với việc xác lập New Zealand là thuộc địa của đế chế Anh, năm 1840 người Anh thiết lập chính sách cảnh sát và các đơn vị cảnh sát đầu tiên ở đây. Hoạt động theo cơ chế nửa cảnh sát, nửa quân đội, một số cảnh sát New Zealand ban đầu đã từng phục vụ trong cảnh sát Ireland hoặc Australia.

Những người mà người dân gửi gắm niềm tin.

Tuy nhiên, đến năm 1886, lực lượng cảnh sát New Zealand mới chính thức ra đời với đạo luật cảnh sát đầu tiên. Cho đến bây giờ, New Zealand đang duy trì chế độ quốc gia trong khối Liên hiệp Anh với người đứng đầu trên danh nghĩa là Toàn quyền (thay mặt nữ hoàng Anh) còn Thủ tướng là người nắm thực quyền điều hành đất nước và lực lượng cảnh sát cũng hoạt động theo mô hình tổ chức kiểu các nước trong khối Liên hiệp Anh.

Cảnh sát New Zealand là một thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và có quan hệ đặc biệt mật thiết với cảnh sát Australia. Cảnh sát New Zealand cũng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình ở Đông Timor và Solomon cũng như nhiều hoạt động quốc tế khác với 8 cơ quan đại diện ở thủ đô 8 nước và khoảng 80 sỹ quan được biệt phái làm việc công khai tại các nhiệm vụ khác nhau ở nước ngoài.

Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát New Zealand cũng có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, hỗ trợ điều tra, trao đổi thông tin, hợp tác đào tạo…

Cảnh sát New Zealand là cơ quan cấp bộ có trụ sở ở Thủ đô Wellington, với 8.459 cảnh sát chính quy và 2.960 nhân viên dân sự hỗ trợ, chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đảm bảo các vấn đề về an ninh quốc gia. Đứng đầu là Tư lệnh Cảnh sát quốc gia (tương đương cấp hàm Bộ trưởng).

Giúp việc cho Tư lệnh có Phó Tư lệnh phụ trách quản trị và phụ trách nghiệp vụ cảnh sát. Tại Tổng hành dinh có nhiều đơn vị nghiệp vụ như Cục Cảnh sát điều tra, Cục Chống tội phạm có tổ chức, Cục Chống tội phạm tài chính, Cơ quan Hợp tác quốc tế và phối hợp khu vực Thái Bình Dương, Cục Chính sách cảnh sát, Trung tâm Thông tin, Cục Cảnh sát giao thông…

Tại các địa phương, New Zealand có 12 đơn vị cảnh sát cấp vùng. Chỉ huy cảnh sát vùng có chức vụ Chánh thanh tra cảnh sát. Dưới cảnh sát vùng là đồn cảnh sát với hơn 400 đồn trên khắp đất nước.

Cảnh sát New Zealand tiếp nhận khoảng 600.000 cuộc gọi báo thông tin về an ninh trật tự thông qua số điện thoại thường trực 111 và các thông tin về giao thông tại số 555. Tùy theo địa điểm xuất phát cuộc gọi, các cuộc gọi này sẽ được tiếp nhận bởi Trung tâm thông tin chỉ huy: Trung tâm phía Bắc (đặt tại Auckland, chịu trách nhiệm các địa phương phía Bắc, vùng vịnh Hicks, khu vực sa mạc phía Bắc Turangi và Awakino), Trung tâm Thủ đô (đặt tại Wellington, chịu trách nhiệm khu vực Thủ đô và lân cận), Trung tâm phía Nam (đặt tại Christchurch, chịu trách nhiệm cho các khu vực phía Nam và các đảo phía Nam).

Thông tin từ các cuộc gọi sẽ được xử lý, phân tích và Trung tâm chỉ huy sẽ quyết định điều phối đơn vị cảnh sát nào xử lý hoặc đưa ra các quyết định xử lý khẩn cấp.

Hằng năm, các thông tin tuyển dụng của cảnh sát New Zealand được đăng công khai và người ứng tuyển được nộp hồ sơ tự do. Sau quá trình sàng lọc hồ sơ kỹ lưỡng, chỉ một số ít người được gọi thi tuyển với nhiều vòng thi khắt khe về thể lực, kiến thức, chỉ số thông minh, khả năng xử lý tình huống…

Người được tuyển dụng tiếp tục được đưa tới đào tạo về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ chiến thuật tại các trung tâm huấn luyện của cảnh sát. Tại các khóa học này tiếp tục là quá trình sàng lọc và thử thách.

Chỉ một phần trong số những người trúng tuyển ban đầu được có mặt tại lễ tốt nghiệp trước khi được phân bổ về các đơn vị cảnh sát. Tại đây các tân cảnh sát phải trải qua hai năm làm lính tập sự và trong hai năm đó nếu họ hoàn thành được 10 chỉ tiêu công việc thì mới được công nhận là sỹ quan chính thức.

Hằng năm, căn cứ vào kết quả công việc, các sỹ quan được phân công các vị trí công tác phù hợp, xem xét cử đi đào tạo hoặc thăng cấp, bổ nhiệm các chức vụ xứng đáng hoặc bị xem xét kỷ luật, thậm chí sa thải.

Nếu muốn thăng cấp hàm thanh tra cảnh sát, sỹ quan đó phải đã từng là sỹ quan chỉ huy, có quá trình công tác đặc biệt xuất sắc, phải trải qua khóa đào tạo và huấn luyện kéo dài từ 2 - 3 năm với hàng chục kỳ thi khắc nghiệt tại Học viện Cảnh sát quốc gia.

Đối với cấp hàm từ thanh tra trở lên sẽ do Toàn quyền ký quyết định phong cấp dựa trên đề nghị của Tổng tư lệnh cảnh sát. Do được tuyển chọn, sàng lọc minh bạch và đào tạo rất kỹ lưỡng, bài bản nên các cấp chỉ huy của cảnh sát New Zealand đều rất chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh và trình độ cao, đủ sức đảm đương chức vụ, trở thành những đầu tàu dẫn đầu lực lượng cảnh sát ngày càng phát triển.

Là một đất nước phát triển với dân trí rất cao, cảnh sát New Zealand sử dụng các chính sách, mô hình cảnh sát tiên tiến và ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới vào công tác cảnh sát, góp phần đưa cảnh sát quốc gia ngày càng chính quy và hiện đại.

Trong công tác tuần tra hằng ngày, chỉ có Biệt đội bảo vệ ngoại giao đoàn và Cảnh sát tuần tra các sân bay là mang theo súng còn các đơn vị tuần tra khác chỉ mang theo gậy chuyên dụng, bình xịt hơi cay, roi điện và còng số 8. Khi cần thiết, cảnh sát thường sử dụng súng ngắn Glock 17 hoặc súng trường Bushmaster XM15 để trấn áp hoặc tấn công tội phạm.

Các xe tuần tra của cảnh sát đều có hệ thống máy tính nối mạng trực tiếp đến cơ sở dữ liệu cảnh sát giúp cảnh sát tra cứu thông tin nhanh chóng, bộ đàm sóng ngắn, hệ thống định vị toàn cầu, hộp cứu thương khẩn cấp… 

Đến nay, gần 50 sỹ quan cảnh sát New Zealand đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Họ đều được vinh danh như những người hùng và Chính phủ dành những chế độ phúc lợi đặc biệt cho người thân của họ như một sự tri ân quốc gia.

Tất cả các sỹ quan tốt nghiệp các khóa đào tạo ban đầu đều được đến viếng tại Đài tưởng niệm liệt sỹ Cảnh sát trước khi được phiên chế về các đơn vị. Từ đây, họ bắt đầu chặng đường sống, chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho sự bình yên của nhân dân và đất nước mình.

Phương Dung
.
.
.