Nga:

Băng đảng xã hội đen sát hại Cảnh sát sa lưới

Thứ Năm, 28/07/2016, 11:17
Ngày 10-7-2016, Tòa án Moscow, Nga đã kết thúc phiên tòa xét xử 7 thành viên của băng tội phạm "nhân viên thu nợ" do Dmitry Vladimirov cầm đầu về các tội tống tiền, cướp tài sản và giết người.


Theo tài liệu điều tra, ngoài Vladimirov, băng nhóm này còn có Anatoly Bortnikov, Andrei Vorobiev, Denis Kandla (kiện tướng môn kickboxing), Alexei Narkisov, Sergei Chugunov và Ara Dallakyan (vận động viên môn vật). 

Hành động theo kiểu "xã hội đen"

Dmitry Vladimirov thành lập công ty thu hồi nợ vào tháng 3-2013, luôn khẳng định mình hoạt động chân chính, các hoạt động và phương pháp đòi nợ mà hắn sử dụng là hợp pháp không đe dọa bất cứ ai, sẵn sàng ký hợp đồng thu hồi mọi khoản nợ của công dân, các đơn vị, tổ chức. 

Tuy nhiên, thực chất hắn là kẻ cầm đầu băng đòi nợ thuê theo kiểu "xã hội đen". Kẻ từng có tiền án về tội quấy rối nơi công cộng sẵn sàng cùng đồng bọn đe dọa, đánh đập, chiếm đoạt tiền, tài sản của con nợ và đã bắn chết 2 sĩ quan cảnh sát. 

Sau khi thành lập băng đảng, Vladimirov, Bortnikov và Vorobiev đã buộc ông Alexey, một trong những con nợ phải trả cho chúng 220 nghìn rúp. Vì gia đình khó khăn, vợ đang mang thai, ông Alexey xin khất nhưng chúng không đồng ý. Bị đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người trong gia đình, ông Alexey đã phải giao chiếc ôtô Peugeot của mình cho chúng. Tuy  nhiên, vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của Vladimirov và đồng bọn lại xảy ra vào cuối năm 2013.

Sát hại Cảnh sát

Do cần mua khung kèo thép, bà Tatiana, chủ một doanh nghiệp nhỏ đã liên hệ với ông Igor, chủ một công ty tư nhân. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán, bà Tatiana đã chuyển cho ông Igor 3,5 triệu rúp. Do không nhận được hàng, bà Tatiana đã gặp ông Igor và nhận được lời xin lỗi cùng lời hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền sau đó 20 ngày.

 Vì vẫn không nhận được tiền, chồng bà Tatiana đã ký hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho Vladimirov. Theo bà Tatiana, Vladimirov tự giới thiệu là Trưởng ban Bảo vệ Nhà máy Sản xuất tấm kim loại và lồng thép, anh ta còn cho bà xem cả giấy chứng nhận nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và khẳng định có nhiều mối quan hệ với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngay sau đó, Vladimirov đã chuyển cho bà Tatiana 500.000 rúp. Giữa năm 2013, anh ta chuyển tiếp 1,9 triệu rúp.
Cảnh sát Nga đẩy mạnh trấn áp tội phạm.

Tuy nhiên, theo đơn trình báo cảnh sát của ông Igor vào tháng 12-2013, Vladimirov buộc ông phải trả số tiền 4.850.000 rúp. Vì chưa nhận được tiền, Kandlen, Dallakyan, Narkisov và Chugunov đã bắt giữ, đánh đập và cướp túi đựng tài liệu cùng giấy phép sở hữu súng ngắn của ông này. Sau đó, Vladimirov tiếp tục gọi điện đe dọa. Sau cuộc nói chuyện này, ông Igor đồng ý trả nợ vào ngày 13-12-2013.

Qua nhiều lần trao đổi, ông Igor đồng ý trao tiền trước nhà hàng McDonalds trên đường Leningrad. Vladimirov, Bortnikov và Vorobiev đến điểm hẹn trên chính chiếc xe Peugeot chiếm đoạt được của ông Alexey. 

Tuy nhiên, trước đó ông Igor đã báo sự việc với cảnh sát. Để bắt quả tang băng nhóm tống tiền này, cảnh sát Moscow đã bố trí sẵn lực lượng. Khi vừa nhận được gói tiền, Vladimirov và Vorobie đã bị bắt tại chỗ. Thấy vậy, Bortnikov rút súng ngắn bắn thẳng vào cảnh sát 5 phát rồi bỏ chạy vào nhà hàng và vứt bỏ khẩu súng trong đó. Bortnikov sau đó đã bị bắt. 

Do bị trúng đạn, Đại úy Vladimir Shishkin, 28 tuổi tử vong tại chỗ, còn Thượng úy Vladimir Borisov, 28 tuổi đã qua đời trên xe cứu thương. Ngay sau đó, các thành viên còn lại của băng tội phạm này đều bị bắt. 

Khám xét nơi ở của Vladimirov, cơ quan điều tra thu được nhiều giấy ghi nợ, súng tiểu liên, súng trường. 

Tòa án Moscow đã tuyên phạt Bortnikov 24 năm tù với chế độ giam giữ nghiêm ngặt, Vladimirov 13 năm tù, Vorobiev 10 năm tù, các bị cáo còn lại từ 8 đến 9 năm tù. Bortnikov phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân 4 triệu rúp. 

Trên đây chỉ là hành trình phạm tội của một băng nhóm điển hình. Được gán biệt danh "kền kền thời khủng hoảng", những kẻ đòi nợ hung hãn đang trở thành tâm điểm của dư luận Nga thời gian gần đây. Họ là "thành phần" nảy sinh từ tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài và lo ngại ngày càng lớn dần khi những kẻ đòi nợ tăng cường sử dụng các ngón nghề đầy tính bạo lực.

Trường Minh
.
.
.