Cơ chế hoạt động của vaccine chống COVID-19 do Nga sản xuất

Thứ Năm, 13/08/2020, 11:19
Giáo sư Alexandr Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vi sinh và dịch tễ học Gamaleya (SIC), cho biết các phần tử coronavirus trong vaccine COVID-19 không thể gây hại cho cơ thể người.


Loại thuốc này sử dụng  phân tử “không sống” được tạo ra trên cơ sở virus adenovirus. Do đó, đối với những lo ngại rằng vaccine có thể gây hại cho sức khỏe, không có cơ sở.

Phản ứng có thể xảy ra là sốt nhẹ

Theo Giáo sư Alexandr Gintsburg, các phần tử coronavirus tối đa có thể gây khó chịu, vì khi một kháng nguyên lạ được tiêm vào, hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động mạnh mẽ ở người được tiêm chủng. Một số người tự nhiên bị sốt trong những trường hợp này. 

Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này, nhiệt độ cơ thể của tình nguyện viên đã tăng lên 37, đôi khi lên tới 38 độ, nhưng vấn đề này "được loại bỏ bằng một viên paracetamol", ông Gintsburg lưu ý.

Loại vaccine ngừa coronavirus do Bộ Quốc phòng Nga phát triển sẽ bảo vệ người được tiêm vaccine trong thời gian hơn hai năm. Các thử nghiệm lâm sàng về vaccine ngừa coronavirus do SIC và Bộ Quốc phòng phối hợp tiến hành trên 18 tình nguyện viên bắt đầu ngày 18-6 tại Bệnh viện Burdenko. Quá trình thử nghiệm đã hoàn thành vào cuối tháng 7.

"Vaccine được tiêm hai lần. Hơn nữa, đều tiêm cùng một loại gen (vaccine sử dụng các nang adenovirus làm chất nền để gắn các gen mã hóa protein “gai” đặc hiệu coronavirus) sử dụng các chất nền khác nhau, không chỉ giúp hình thành phản ứng miễn dịch bảo vệ, mà còn có tác dụng trong thời gian dài hơn. 

Phương pháp này đảm bảo với xác suất cao rằng người được tiêm vaccine phiên bản tăng cường (booster version) sẽ ngừa được coronavirus trong thời gian ít nhất hai năm và có thể còn lâu hơn", Giáo sư Ginzburg nói.

Ông cũng lưu ý rằng tác dụng lâu dài của thuốc đã được chứng minh thông qua công trình nghiên cứu về vaccine ngừa virus Ebola được SIC và các cơ quan y tế trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga phối hợp thực hiện tại Guinea ở châu Phi.

Một người tình nguyện được tiêm vaccine COVID-19 phát triển ở Nga.

Ai sẽ là người đầu tiên ở Nga được tiêm vaccine COVID-19

Tháng 7-2020, ông Oleg Gridnev, Thứ trưởng Bộ Y tế Nga, cho biết ở giai đoạn đầu của quá trình tiêm chủng vaccine COVID-19, nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ được tiêm trước tiên.

Giám đốc Trung tâm Gamaleya Alexander Gintsburg lưu ý rằng thực tế vaccine coronavirus không thích hợp với tất cả mọi người. Theo ông, bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ, do đó, những người mắc bệnh mạn tính nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Trước đó, Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) đã khẳng định Nga đang chuẩn bị đưa vào sản xuất đại trà một loại vaccine chống lại virus SARS-CoV-2. 

Cơ quan này lưu ý rằng, công việc phát triển vaccine có tính đến tất cả các yêu cầu bắt buộc, cũng như các kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine. Các chuyên gia của Rospotrebnadzor lưu ý rằng, vaccine trước hết cần bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng và phải đạt chất lượng cao.

Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov khẳng định, Nga sẽ sản xuất đại trà vaccine ngừa COVID-19 vào  tháng 9 tới. Theo ông, ba công ty Nga sẽ tham gia sản xuất hàng loạt vaccine. 

Hiện, công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương. Nga sẽ mua thêm thiết bị để có thể triển khai sản xuất vaccine, với việc trước mắt có thể bảo đảm sản xuất hàng trăm nghìn liều mỗi  tháng và sẽ tăng công suất lên vài triệu liều bắt đầu vào năm 2021 tới.

Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova gần đây cho biết nước này có kế hoạch cho sản xuất hàng loạt loại vaccine COVID-19 của Viện Gamaleya trong tháng 9. Việc sản xuất loại vaccine còn lại sẽ diễn ra trong tháng 10.

Còn Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cũng khẳng định, Nga sẽ sử dụng nguồn ngân sách để tiêm vaccine phòng, chống virus SARS-CoV-2 cho người dân. Hiện các cơ quan chức năng đang lên kế hoạch, khi có nguồn vaccine sẽ sớm triển khai việc tiêm chủng cho người dân một cách khẩn trương nhất.

Ngọc Trang (theo Sputnik)
.
.
.