Nga:

Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin tái xuất chính trường?

Thứ Hai, 14/12/2015, 15:16
Vì từng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, nên những thông tin trên trang mạng Gazeta.ru đang khiến dư luận xứ sở bạch dương cho rằng, ông Alexei Kudrin sẽ trở lại Điện Kremlin để thực hiện các cải cách kinh tế.
Bởi khi tại nhiệm, ông Alexei Kudrin được coi là người có công đưa nền kinh tế Nga phát trưởng mạnh sau khi nước này rơi vào tình cảnh vỡ nợ và đồng rub bị mất giá từ năm 1998. Hơn 4 năm trước (26-9-2011), ông Alexei Kudrin đã phải ra đi theo yêu cầu của ông Dmitry Medvedev, khi đó là Tổng thống.

Bởi khi đó, ông Alexei Kudrin từng tuyên bố tại Mỹ rằng, sẽ không tham gia tân chính phủ nếu Tổng thống Dmitry Medvedev là Thủ tướng. Lý do của việc này là 2 người mâu thuẫn trong chính sách điều hành nền kinh tế, nhất là khi ông Alexei Kudrin phản đối gia tăng ngân sách quân sự, cách thức tiến hành cải cách hưu trí - 128 người làm việc gánh cho 100 người nghỉ hưu, và đến năm 2030, hai chỉ số này sẽ bằng nhau và đó là thách thức nghiêm trọng, và nhiều lần ủng hộ tăng các loại thuế để bù đắp cho những tổn thất do sự sụt giảm của giá dầu.

Theo giới truyền thông, sau khi công khai phản đối việc tăng mạnh chi tiêu quân sự, nên mất chức, phải rời Hội đồng An ninh Quốc gia, tháng 4-2012, ông Alexei Kudrin đã thành lập Ủy ban Sáng kiến Dân sự (KGI), nhằm tập hợp các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau với mục đích "xác định và thực hiện lựa chọn phát triển tốt nhất cho đất nước".

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn với tờ The New York Times (28-6-2011), ông Alexei Kudrin từng khẳng định, sắp tới dầu mỏ sẽ không còn là "động cơ của nền kinh tế Nga" và để đảm bảo tăng trưởng GDP phải dựa vào các ngành công nghiệp khác, phải thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, cũng như làm cho nó đa dạng hơn. Đồng thời thiết lập các quy tắc rõ ràng để tất cả các doanh nhân tự tin trong đầu tư của họ. Nhưng quá trình loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nền kinh tế Nga rất khó khăn.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin.

Hơn 6 năm trước (20-10-2009), khi tham dự "Diễn đàn quy hoạch chiến lược thành phố và khu vực Nga" tổ chức tại Saint Petersburg, ông Alexei Kudrin từng cảnh báo để giảm bớt những áp lực trong nội bộ nước Nga, Moskva phải nỗ lực làm cho giá dầu thô thế giới duy trì ở mức 50 USD/thùng. Và Nga đã hoạch tính dự chi ngân sách tài chính trong năm 2010 trên cơ sở giá dầu thô là 58 USD/thùng.

Và theo thông tin của Gazeta.ru, ông Alexei Kudrin có thể được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng thứ nhất Điện Kremlin (cùng với các ông Alexei Gromov và Vyacheslav Volodin) hoặc làm cố vấn cho Tổng thống Putin. Bởi ông Putin đang cần người giúp vượt qua cửa ải khó khăn hiện nay của nền kinh tế và ông Alexei Kudrin có thể đứng đầu Trung tâm cải cách khi tái xuất chính trường. Giới thạo tin từng cho rằng, Tổng thống Putin có thể bổ nhiệm ông Alexei Kudrin thay thế Thủ tướng Dmitry Medvedev sau khi nền kinh tế Nga xuất hiện khó khăn bởi giá dầu sụt giảm, phương Tây bao vây cấm vận...

Được biết, thời gian qua ông Alexei Kudrin đã có nhiều cuộc gặp với Tổng thống Putin. Nhưng việc bố trí "ghế" cho cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính là điều không đơn giản, bởi sẽ đụng chạm tới những đơn vị và cá nhân hiện đang "phò trợ" ông Putin. Và trong tuyên bố mới nhất, ông Alexei Kudrin cho rằng, cần nâng tuổi nghỉ hưu để có thể phân bổ nguồn tiền tiết kiệm hợp lý và phải hỗ trợ người nghèo vượt qua khủng hoảng.

Hơn 10 ngày trước (30-11), Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nhận định, nền kinh tế Nga sẽ đứng trước nhiều khó khăn khi trong 3 năm tới giá dầu thô thế giới không tăng, thậm chí có thể giảm xuống dưới 40 USD/thùng.Đồng thời cảnh báo, dự thảo ngân sách năm 2016 của Nga quy định mức thâm hụt 2,36 nghìn tỷ rub, nhưng nếu giá dầu thô và đồng rub tiếp tục ở mức như hiện nay, thâm hụt ngân sách có thể tăng khoảng 1,5 nghìn tỷ rub.

Nhưng theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev, Nga đã vượt qua đáy khủng hoảng và các chỉ số kinh tế đang được cải thiện. Và nếu giá dầu thô trong năm 2016 lên hơn 50 USD/thùng, nền kinh tế Nga sẽ có thêm nguồn tài chính bổ sung.

Tờ Moskva Times vừa đưa tin, ngày 2-12, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cắt giảm 10% lương của mình để chia sẻ khó khăn với người dân trong thời buổi suy thoái kinh tế và sắc lệnh này có hiệu lực từ 1-1-2016 đến 31-12-2016. Cùng giảm lương với ông Putin có Thủ tướng Dmitry Medvedev, Tổng công tố viên Yury Chaika và người đứng đầu Ủy ban điều tra Alexander Bastrykin.

Trước đó, ông Putin từng ký sắc lệnh cắt giảm 10% lương của bản thân và các quan chức ngay sau khi đồng rub mất giá và giá dầu thô giảm mạnh do phương Tây trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Được biết, thu nhập của ông Putin trong năm 2014 là 7,6 triệu rub, còn ông Dmitry Medvedev là 8 triệu rub.

Thiện Lân
.
.
.