Nga:

Trừng phạt quan tham

Thứ Năm, 13/04/2017, 09:46
Tỷ lệ 82% người ủng hộ Tổng thống Putin chứng tỏ những chính sách ông chủ Điện Kremlin đang thực hiện hợp lòng dân, nhất là trong lĩnh vực chống tham nhũng.


Kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu độc lập Levada công bố hôm 5-4 diễn ra sau khi hãng TASS đưa tin, Chủ tịch Hội đồng nhà nước của Cộng hòa Udmurtia thuộc Nga, ông Alexander Solovyov đã bị bắt vì bị cáo buộc nhận hối lộ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã được báo cáo về việc ông Alexander Solovyov bị bắt.

Được biết, ông Alexander Solovyov đã được di lý tới Moskva để phục vụ công tác điều tra, và nhà riêng của nhà lãnh đạo này ở Udmurtia bị khám xét. Theo người phát ngôn của Ủy ban Điều tra liên bang Nga (SKR), bà Svetlana Petrenko cho biết, ông Alexander Solovyov bị bắt vì đã nhận hối lộ 139 triệu rub (khoảng 2,47 triệu USD) từ các công ty liên quan đến hoạt động xây dựng cầu nối giữa sông Kama với sông Bui tại Cộng hòa Udmurtia, trong khoảng thời gian 2014-2016. Ngoài ra, ông Alexander Solovyov còn nhận số cổ phần trị giá 2,7 triệu rub của một doanh nghiệp ở Udmurtia.

Người đứng đầu Cộng hòa Udmurtia thuộc Nga Alexander Solovyov.

Trước đó, SKR và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đồng loạt khám xét các văn phòng, nhà riêng của một số lãnh đạo Công ty xây dựng Ateks (thuộc Cơ quan Cảnh vệ Liên bang Nga - FSO) ở Moskva, Saint Peterburg và thu giữ nhiều tài liệu, tiền mặt gồm cả đồng rub và ngoại tệ. Trong số 6 người bị bắt có Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Ateks, ông Andrey Kaminov và cựu Phó Tổng Giám đốc Ateks (hiện là Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Stroifasad), ông Stanislav Kyuner. Những người này bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng "khủng" khi xây dựng công trình số 53 ở Novo-Ogaryovo, trong dinh thự Tổng thống.

Theo giới truyền thông, hơn 4 năm trước (tháng 12-2012), FSO có ký với Ateks hợp đồng thi công xây dựng công trình số 53 ở Novo-Ogaryovo, với tổng giá trị 5,7 tỷ rub.

Theo hợp đồng, FSO đã chuyển cho các công ty xây dựng 2,6 tỷ rub và công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2014. Nhưng sau nhiều lần gia hạn, công trình vẫn không thể hoàn thành trước ngày 31-3-2015. Do đó, FSO yêu cầu Ateks bồi thường 77 triệu rub do không hoàn thành công trình đúng thời hạn.

Sau khi vụ kiện được chuyển tới cơ quan chức năng, người ta đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu phạm tội. Theo đó, Tổng Giám đốc Andrey Kaminov cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt 225 triệu rub. Và mánh khóe gian lận của họ bị phát hiện trong quá trình điều tra vụ buôn lậu rượu ngoại của Công ty cổ phần Forum. Cả 2 vụ án kể trên vẫn đang được SKR và FSB điều tra.

Hơn 1 tháng trước (6-3), Trung tướng Vyacheslav Varchuk, cựu Phó Tư lệnh quân dã chiến (VV) thuộc Bộ Nội vụ (MVD) Nga đã bị bắt vì nghi ngờ nhận hối lộ 10 triệu rub. Trung tướng Vyacheslav Varchuk bị nghi nhận 10 triệu rub (từ tháng 2-2015 đến tháng 2-2016) từ Đại tá Alexander Kostin, Phó Cục trưởng Cục Tài chính của VV.

Việc này diễn ra sau khi Cục Thông tin liên lạc thuộc VV được hứa nhận khoản kinh phí bổ sung 250 triệu rub để hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, nếu "lại quả" 10 triệu rub. 4 năm trước (2013-2017), Trung tướng Vyacheslav Varchuk (từng  nhận danh hiệu "Nhà kinh tế công huân" của Nga) lọt vào danh sách 5 quân nhân Nga giàu nhất theo bình chọn của Forbes bởi sở hữu một căn hộ 3 buồng và chiếc xe Lexus 570, còn vợ ông sở hữu biệt thự, một khu đất và chiếc xe Land Rover Discovery.

Theo giới chuyên môn, việc bắt Trung tướng Vyacheslav Varchuk là kết quả phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của MVD. Trước đó, Cục phó Cục An ninh kinh tế và chống tham nhũng Bộ Nội vụ, Đại tá Dmitry Zakharchenko bị bắt quả tang khi đang nhận 7 triệu rub.

Khi khám văn phòng của ông, người ta phát hiện thêm 20 triệu rub. 13 triệu rub và 176.000 USD cũng được tìm thấy trong khoang hành lý ôtô của ông Dmitry Zakharchenko. Và số tiền được Đại tá Dmitry Zakharchenko cất ở tư dinh trên Đại lộ Lomonosov lên tới 120 triệu USD và 2 triệu euro. 

Ngày 4-4, hãng Reuters và RIA Novosti dẫn chỉ trích của Thủ tướng Dmitry Medvedev trước những cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông - vừa vô lý, vừa mang động cơ chính trị và không trung thực. 

Theo ông Dmitry Medvedev, cái gọi là "cuộc điều tra" chỉ là âm mưu đưa người dân xuống đường biểu tình. Bởi theo một đoạn video do nhà hoạt động chống tham nhũng Alexei Navalny công bố gần đây đã cáo buộc ông Dmitry Medvedev bí mật sở hữu một nhóm đảo với các dinh thự hạng sang. Và đoạn video đã thu hút gần 17 triệu lượt xem trên trang mạng YouTube và châm ngòi cho làn sóng biểu tình trên khắp nước Nga mấy ngày qua. 

Cảnh sát cảnh báo, bất cứ cuộc biểu tình nào diễn ra vào cuối tuần đều bị coi là bất hợp pháp và những người tổ chức biểu tình trên mạng xã hội sẽ bị điều tra.

Thiện Lân
.
.
.