Ngăn chặn tình trạng hành khách vận chuyển súng, đạn qua đường hàng không

Thứ Tư, 06/11/2019, 15:58
Thời gian gần đây, lực lượng an ninh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) liên tục phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều hành khách mang súng, đạn và linh kiện, thiết bị liên quan tới súng lên máy bay. Với mật độ vụ việc xuất hiện ngày càng nhiều, đây là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý hơn nữa về vũ khí, vật liệu nổ...


Súng đạn, vật liệu nổ giấu trong hàng hóa, hành lý

Cuối tháng 10 vừa qua, An ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện một số bộ phận gồm một báng súng, lò xo, ốc vít nghi là của vũ khí quân dụng tháo rời trong lô hàng của Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL VNPT gửi đi Mỹ. Đáng nói, người gửi lô hàng này khai báo bên trong chỉ có bút chì màu, nồi inox, pin pha cà phê, vòng tay bằng gỗ và cối bằng gang.

Theo thông tin ban đầu, người gửi lô hàng này tên Phạm Hương, địa chỉ 108 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM. Người nhận là Ken Heins, địa chỉ 730N.W, 5th ST. Blue Springs, MO Misouri - USA. Vụ việc sau đó đã được bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 30-9, hành khách Sansoucy Xilian Ch. (20 tuổi, quốc tịch Mỹ) đi chuyến bay 3K556 của hãng Jetstar Asia từ TP HCM đến Singapore. Khi qua cửa soi chiếu, lực lượng an ninh phát hiện trong hành lý của hành khách này có hai hộp tiếp đạn rỗng bằng kim loại. Dù là vật đã qua sử dụng, nhưng theo quy định, không được đưa lên máy bay.

Do không có các giấy tờ chứng minh được phép đưa những thiết bị này lên máy bay nên cơ quan chức năng đã tịch thu. Ngày 26-9, một hành khách nam tên Trần Quế L. (quốc tịch Việt Nam, 61 tuổi) đi từ TP HCM đến Moskva (Nga) trên chuyến bay SU293 của hãng hàng không Aeroflot. 

Khi đã làm thủ tục và qua an ninh soi chiếu, hành khách này bị phát hiện trong hành lý ký gửi có hai viên đạn còn nguyên hạt nổ có ký hiệu chữ C. Khi được yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến hai viên đạn trên, hành khách này đã không xuất trình được giấy tờ. Hai vụ việc này sau đó được bàn giao cho Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất giải quyết theo thẩm quyền.

Tương tự, An ninh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng phát hiện một hành khách người Campuchia mang theo trong hành lý xách tay 4 viên đạn còn nguyên hạt nổ. Hành khách này tên Chun Sokhoun (SN 1993) dự kiến đi chuyến bay K6813 từ TP HCM đi Phnompenh. Tại thời điểm kiểm tra, hành khách không xuất trình được các giấy tờ có liên quan.

Đáng lưu ý, cùng thời điểm, An ninh hàng không cũng phát hiện một hành khách người Nhật Bản tên Okada Masami (SN 1968) để hai chân đế súng máy trong hành lý ký gửi. Lực lượng chức năng đã tạm giữ tang vật và cách ly nam hành khách dự định bay đi sân bay Kansai (Nhật Bản) để phục vụ việc kiểm tra, giải quyết.

Tại các khu vực kiểm tra an ninh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đều được trang bị các loại máy móc hiện đại để phát hiện.

Không chỉ có đạn, các bộ phận súng, có hành khách còn mang cả súng quân dụng, các hộp tiếp đạn (còn gọi là băng đạn) của súng quân dụng tiểu liên M16 và AK trong hành lý theo chuyến bay sang Nhật Bản.

Cụ thể, lúc 22h20 ngày 6-8, khi soi chiếu hành lý, lực lượng an ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện trong hành lý ký gửi của hành khách Takahashi Hiro (27 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) đi chuyến bay VN 350, chặng bay TP HCM - Fukuoka (Nhật Bản) có hai hộp tiếp đạn súng M16 và một hộp tiếp đạn súng AK.

Lực lượng an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã thu giữ tang vật vi phạm, tái kiểm tra trực quan hành khách, hành lý đồng thời phối hợp Cảng vụ Hàng không miền Nam lập biên bản vi phạm, bàn giao người và tang vật cho Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, khuya ngày 22-4, tại khu vực kiểm tra soi chiếu hành lý xách tay sảnh B - ga đi quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không phát hiện trong hành lý xách tay của ông T.H (quốc tịch Việt Nam) có dấu hiệu nghi vấn. Ông T.H, là hành khách trên chuyến bay VJ182, chặng bay từ TP HCM đi Hà Nội.

Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra kiện hành lý, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không Tân Sơn Nhất phát hiện một khẩu súng ngắn bằng kim loại màu đen, một hộp tiếp đạn và một viên đạn màu vàng đồng. Tại thời điểm kiểm tra, hành khách T.H không xuất trình được các giấy tờ có liên quan. Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã lập biên bản bàn giao cho cơ quan chức năng để tiếp tục xử lý theo quy định.

Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) cho biết, năm 2019, đơn vị này đã phát hiện 8 trường hợp hành khách định mang súng, đạn, linh kiện súng các loại… lên máy bay, tăng đáng kể so với thời gian trước. Trong đó, số vụ vi phạm xảy ra nhiều nhất ở nhà ga quốc tế (4 vụ), nhà ga quốc nội (2 vụ)…

Ba khẩu súng và bốn hộp tiếp đạn của một nam hành khách.

Kiểm soát chặt chẽ, không để ảnh hưởng an ninh hàng không

Đại diện Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất cho biết số vụ hành khách vi phạm quy định liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tăng trong dịp gần đây, vi phạm nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hàng không cho các chuyến bay. 

Ngoài việc cất giấu vũ khí, súng đạn trong các kiện hàng, hành lý ký gửi để chuyển lên máy bay, rất nhiều trường hợp các công ty vận tải hàng hóa, hành khách còn cất giấu roi điện, công cụ hỗ trợ khác trong các túi hành lý xách tay mang lên máy bay đang xảy ra rất phổ biến. 

Như vụ An ninh sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện một hành khách sinh năm 1966, quốc tịch Mỹ, tên Hernadez Anselmo Virgilio mang bình xịt hơi cay hiệu MACE trong hành lý xách tay. Hành khách dự kiến đi chuyến bay từ TP HCM đi Kuala Lumpur (Malaysia) của hãng hàng không Air Asia…

Theo lãnh đạo sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, việc nhiều công ty vận tải hàng hóa, hành khách cho rằng việc cất giấu vũ khí, súng đạn, roi điện, công cụ hỗ trợ kỹ trong các kiện hàng, trong túi hành lý cá nhân có thể dễ dàng lọt qua các khâu kiểm tra an ninh sân bay để lên được máy bay là thiếu hiểu biết hoặc quá liều lĩnh.

Lý do là vì hiện nay tại các khu vực kiểm tra an ninh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đều được trang bị các loại máy móc hiện đại như: máy soi chiếu, cổng từ, bộ vi xử lý chất nổ, máy ngửi chất nổ... 

Ngoài ra, nếu trường hợp hành khách nào bị nghi vấn mang theo vật dụng trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay thì bộ phận an ninh hàng không sẽ mời vào phòng riêng để tiến hành kiểm thể (kiểm tra người bằng mắt thường có sự giám sát của nhiều đơn vị có liên quan).

Chính việc quản lý, giám sát an ninh chặt chẽ tại các khâu như vậy, nên tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chưa để xảy ra trường hợp đưa vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, dao, kéo... nào lọt được lên máy bay. Tất cả các vụ việc vi phạm đều bị phát hiện và bắt giữ ngay khi hành khách làm thủ tục kiểm tra an ninh.

Tàng trữ, vận chuyển vũ khí trái phép ở Việt Nam được xem là tội hình sự nghiêm trọng. Theo quy định về an ninh hàng không, hành khách bị cấm mang theo các vật phẩm: vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, còng khóa số 8, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn; động vật nghiệp vụ…

Lô vũ khí gồm súng, dao găm, còng số 8 trong hành lý của một nam hành khách từ Mỹ về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, theo Điều 5, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ gồm: cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ...

Cá nhân, tổ chức mua hay sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép.

Những ngày cận Tết, lượng hành khách đi và đến tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ gia tăng đột biến, công tác kiểm tra an ninh, vì vậy càng cần được tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách trên các chuyến bay.

Theo Cục Hải quan TP HCM, qua các vụ phát hiện, bắt nóng hàng cấm vừa qua cho thấy, các đối tượng rất liều lĩnh vận chuyển trái phép hàng cấm. Hiện lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý, đặc biệt trong thời gian điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm. 

Ánh Xuân
.
.
.