Ngày nào cũng có người chết tại các công trình phục vụ cho World Cup 2022 ở Qatar

Thứ Hai, 22/06/2015, 16:00
Những bê bối xung quanh tham nhũng ở FIFA vẫn đang tiếp tục được khui ra và truyền thông đang chuyển sự tập trung sang một vấn đề mới: Đã có 1.200 người lao động tử vong khi đang làm việc tại các công trình phục vụ cho World Cup 2022 ở Qatar. Việc quốc gia Trung Đông này giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cũng có nhiều dị nghị, mờ ám, tham nhũng.

Nguy hiểm rình rập hằng ngày

Theo các cuộc điều tra cho thấy, điều kiện sống và làm việc của lao động nước ngoài ở Qatar thực sự đáng lo ngại. Thời tiết nóng nực, lương thấp, nơi ở tồi tàn, bảo hộ lao động kém là thách thức hằng ngày của hàng ngàn lao động tại quốc gia dầu mỏ này, dẫn đến nhiều công nhân tử vong.

Tờ Washington Post mới công bố các số liệu về số lượng công nhân tử vong khi đang làm việc cho các công trình phục vụ ngày hội thể thao qua các thời kỳ, từ Thế vận hội Bắc Kinh cho đến World Cup 2014 tổ chức ở Brazil và đã có 1.200 người chết ở Qatar.

Nhiều người Ấn Độ đau buồn trước cái chết của người thân ở Qatar.

Con số này lần đầu tiên xuất hiện trong một báo cáo của Liên minh Liên đoàn Lao động quốc tế (ITUC) có tên "Tình huống chống lại Qatar". Các quan chức ITUC đã đến đại sứ quán Nepal và Ấn Độ, hai quốc gia có nhiều lao động nhập cư tới Qatar nhất. Các đại sứ quán này đã tính toán, có hơn 400 ca tử vong mỗi năm kể từ năm 2010 cho đến cuối năm 2013.

Tuy nhiên, số lao động đến từ Nepal và Ấn Độ chỉ chiếm 60% trong tổng số 1,4 triệu lao động nhập cư vào Qatar. Vì thế, con số tử vong có thể cao hơn nhiều so với tính toán. Một công ty luật được Chính phủ Qatar uỷ quyền xem xét vấn đề này cũng kết luận, có khoảng 1.800 ca tử vong trong 3 năm, từ 2010 đến 2013.

Tuy vậy, hãng tin BBC nhận định, rất khó xác định liệu số người tử vong trên có thực sự phục vụ tại các công trình dành riêng cho World Cup 2022 hay không. Qatar là một đất nước đang trong quá trình phát triển và xây dựng như vũ bão. Cũng theo BBC, các công trình dành riêng cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh chỉ mới bắt đầu được xây dựng từ năm 2014, tập trung vào hoàn thiện hệ thống tàu điện ngầm, khách sạn, sân bay, đường giao thông, hệ thống thoát nước…

Một yếu tố khác mà BBC nhận định có thể "giải oan" cho World Cup 2022 chính là việc số người không đăng ký tham gia ngành xây dựng chiếm 1/3 tổng số lao động nhập cư vào Qatar. Trong khi đó, số liệu của ITUC nhận được từ các đại sứ quán có thể là con số tử vong ở bất cứ ngành nghề nào và với nhiều nguyên nhân dẫn tới cái chết của họ.

Một số người cho rằng, giao việc tổ chức một giải đấu lớn như World Cup cho đất nước có quá nhiều người lao động nhập cư chết là một ý tưởng tồi tệ.

Giá nhân công rẻ mạt

Ông Suryanath Mishra, cựu Đại sứ Nepal ở Qatar (từ năm 2007 tới năm 2012), cho biết: "Lao động nhập cư Nepal có thu nhập bình quân thấp nhất trong số công nhân nước ngoài làm việc ở Qatar. Tuy nhiên, họ chiếm số lượng đông đảo nhất".

Theo ông Mishra, trình độ thấp là nguyên nhân chính khiến công nhân Nepal bị trả lương rẻ mạt. Tuy nhiên, công việc họ phải đảm nhận lại rất nguy hiểm. Khi trả lời câu hỏi của CNN, ông Mishra đang sát cánh cùng với người em một công nhân thiệt mạng đang chờ đón thi thể anh trai được đưa về từ Qatar.

Công nhân xấu số tên là Kishun Das, 38 tuổi, lao động chính trong gia đình có 5 con. Bishun, em trai nạn nhân, cho biết, Kishun rời Nepal tới Qatar làm việc 10 tháng trước. Giống anh trai, Bishun cũng chọn cách mưu sinh nơi xứ người nhưng anh đang nghỉ phép tại Nepal. "Chúng tôi không có tiền để đưa những thành viên khác trong gia đình tới đón thi thể anh ấy nên mình tôi ở đây. Anh ấy mất mà không được nhận một đồng tiền bồi thường", Bishun nói.

Hiện tại, 350.000 lao động người Nepal làm việc ở Qatar. CNN đã gọi tới Bộ Lao động Qatar để tìm số liệu chính xác về số trường hợp lao động Nepal tử nạn nhưng họ từ chối trả lời. Họ cũng không nêu chi tiết các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho công nhân nước ngoài.

Hầu như ngày nào cũng có 3 hoặc 4 thi thể công nhân Nepal được đưa về nhà từ Trung Đông. Trong số đó, ít nhất một người tử nạn ở Qatar.

Trường Minh (tổng hợp)
.
.
.