Nghe trinh sát kể chuyện ngoài hồ sơ vụ án

Thứ Sáu, 21/07/2017, 14:20
Đề cập đến những "góc khuất" của các vụ án càng giúp bạn đọc thêm hiểu về công sức của lực lượng phá án với những gian nan, vất vả mà không phải ai cũng thấu hiểu hết được…

Đằng sau những vụ án lớn đều có những "góc khuất", những thông tin ngoài hồ sơ. Đề cập đến ít nhiều điều này càng giúp bạn đọc thêm hiểu về nội dung vụ án và nhất là công sức của lực lượng phá án với những gian nan, vất vả mà không phải ai cũng thấu hiểu hết được…

1. Một trong những vụ án mạng gây xôn xao dư luận nhất trong hai năm gần đây chính là vụ giết 6 người tại nhà ông Lê Văn Mỹ ở ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (xảy ra ngày 7-7-2015) mà dư luận thường quen gọi là vụ thảm án ở Bình Phước.

Theo Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, qua báo cáo tổng kết chuyên án đã thể hiện đây là vụ án đặc biệt nhất trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam từ trước đến nay. 

Bởi, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với 6 người bị sát hại, hai đối tượng Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, thường trú An Giang, ngụ huyện Hóc Môn) và Vũ Văn Tiến (25 tuổi, ngụ Bình Phước, tạm trú huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã thực hiện hành vi phạm tội với phương thức rất tàn bạo, thủ đoạn xảo quyệt, chưa có tiền lệ.

Từ kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường và các thông tin thu thập được, Ban chuyên án đã nhận định được hướng điều tra rất sát hợp về động cơ, mục đích của các đối tượng gây án. 

Để có những hướng nhận định xác đáng đó thì phải nói đến sự cung cấp thông tin kịp thời của quần chúng nhân dân trong khu vực và kể cả các phóng viên báo đài cũng góp phần đưa ra nhiều thông tin sát thực… 

Từ đó, cơ quan điều tra đã sàng lọc thông tin và xác lập được các đối tượng nghi vấn. Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã có đủ tài liệu, chứng cứ để xác định rõ và bắt giữ hai đối tượng Dương và Tiến.

Riêng thông tin việc phát hiện ra đồng phạm Trần Đình Thoại (27 tuổi, thường trú Vĩnh Long, tạm trú quận 12), lúc đầu dù phải trả lời nhiều buổi xét hỏi của tổ điều tra nhưng Dương một mực khẳng định chỉ rủ Tiến cùng thực hiện hành vi phạm tội và không có đồng phạm khác. Nhưng quan sát thái độ, tâm lý của Dương, các điều tra viên nhận thấy Dương có biểu hiện trả lời qua loa, che giấu cho một vấn đề gì đó...

Qua đấu tranh với nhận định chính xác diễn biến hành vi phạm tội, đồng thời kết hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định Dương liên tục gọi vào số điện thoại lạ; đặc biệt là vào các ngày gần thời điểm xảy ra vụ án. Chính từ những cơ sở này, cuối cùng Dương phải khai ra Thoại… 

Vụ thảm án ở Bình Phước được dư luận và báo chí vô cùng quan tâm.

2. Nhắc lại vụ án hành hạ trẻ em gây phẫn nộ dư luận cả trong và ngoài nước do đối tượng Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, thường trú An Giang, tạm trú huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) thực hiện, Trung tá Phạm Thu Xuân, trinh sát Đội 4, Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, người trực tiếp hỏi cung bị can Dũng đã không hiểu nổi về hành vi "khác người" của Dũng.

Sau khi được gia đình đưa đến cơ quan Công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội, Dũng cho rằng mình nghiện ma túy đá. Liên tục trong 3 ngày từ 21 đến 23-8-2016, đối tượng này đã sử dụng ma túy và rơi vào tình trạng bị ảo giác. Thời gian đó, ba mẹ của bé A Sai (2 tuổi, người Campuchia) đi vắng nên nhờ Dũng trông giữ. Khi bị "ngáo đá", Dũng đã đưa bé A Sai ra để hành hạ bằng nhiều phương cách khác nhau…

Theo Trung tá Phạm Thu Xuân, điều khó hiểu trước tiên của Dũng là dù gia đình ở quê gốc Hải Dương gần như ít người biết rõ thực hư như thế nào; nhưng sau này Dũng được một gia đình ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang nhận làm con nuôi và họ đã đối xử với Dũng như con em ruột trong nhà, cùng nhiều tình cảm yêu thương. 

Dù không học hành đầy đủ nhưng Dũng lại viết chữ đẹp và vốn tiếng Anh rất khá, vì trước đó Dũng từng làm phục vụ ở nhiều quán bar ở TP. Hồ Chí Minh nên đã giao tiếp nhiều với người nước ngoài. 

Sau khi trực tiếp hỏi cung Dũng và nhất là phải xem tất cả các clip (48clip) quay lại cảnh Dũng hành hạ cháu bé, cháu bé chỉ biết la khóc mỗi khi bị kẻ biến thái hành hạ…, Trung tá Phạm Thu Xuân có cảm giác không thể tả được bằng lời. 

"Tôi làm án về hành hạ trẻ em mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy kiểu hành hạ trẻ em tàn ác và lạ lùng như thế; có những hành vi rất phản cảm, cảm tưởng đứa bé như một trò chơi hay đồ chơi của tên này vậy… Nhất là sau khi xem những clip hành hạ đó, tôi đã bị ám ảnh, mất ngủ nhiều đêm vì những hình ảnh quá kinh khủng. Quả thật, Dũng có những hành vi không thể hiểu nổi và cũng khó lý giải được… 

Sau đó, nhiều người đã hỏi tôi tại sao một người lớn có thể làm vậy với một đứa bé còn chưa hề biết gì? Tôi chỉ có thể suy nghĩ và trả lời rằng chắc chắn một người bình thường không thể có những hành vi quái gở như vậy. Có thể từ hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, rồi giới tính và cả việc Dũng có sử dụng ma túy một thời gian đã khiến đối tượng này trở thành một kẻ mất nhân tính như vậy", Trung tá Phạm Thu Xuân chia sẻ.

Đối tượng Trịnh Duy Phương tại cơ quan điều tra.

3. Vụ án Trịnh Duy Phương (tức Phương "pê đê", 27 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) mạo danh nhiều vị lãnh đạo, quan chức của các tỉnh, thành từ Khánh Hòa đến Cà Mau để gây ra hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại ước tính ban đầu có thể lên tới hàng chục tỷ đồng… cũng là một trong những vụ án có nhiều điều đáng nói.

Kể lại những thông tin "ngoài hồ sơ" trong vụ án này, Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an, cho biết, bởi đối tượng Phương có "biệt tài" giả giọng nói của nhiều người, nói được cả giọng nam giới lẫn nữ giới, hơn nữa là khẩu khí và phong cách nói chuyện khi mạo danh lừa đảo của Phương khá tự tin, chững chạc khiến cho người nghe nhanh chóng tin tưởng rằng mình đang nói với "yếu nhân" thật.

Theo Đại tá Phan Mạnh Trường, việc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bắt giữ được đối tượng này đã khiến cho Công an nhiều tỉnh, thành phía Nam thở phào nhẹ nhõm bởi sự tinh quái và hành vi lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng cho không ít cá nhân, tổ chức nhiều năm nay nhưng họ không thể nào truy tìm được tung tích của đối tượng lừa đảo.

Dù có vẻ ngoài khá "hầm hố", với mái tóc được cắt ngắn và nhuộm màu vàng nhưng Phương lại là "bạn gái" (Phương là người đồng tính) của một "bạn trai" khá nhỏ con và gầy ốm. Gần như các vụ lừa đảo Phương đều đi với "bạn trai" của mình, tuy nhiên mọi hành động lừa đảo đều do Phương thực hiện.

Hôm bị bắt giữ khi đang thực hiện vụ lừa đảo một chủ tiệm bán xe máy lớn ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Phương đã tỏ ra không hề hoảng sợ hay bất ngờ hơn nữa Phương cũng không khai nhận bất cứ điều gì mà chỉ im lặng khiến các trinh sát cũng vất vả vì sợ có thể bắt sai đối tượng. 

Tuy nhiên, qua hình dáng và mọi thông tin về đối tượng đều trùng khớp và sau đó trước các bằng chứng thuyết phục của cơ quan Công an, Phương phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Nhằm tránh bị bại lộ, Phương dùng rất nhiều số điện thoại (tính riêng từ tháng 3-2017 đến khi bị bắt, Phương đã dùng khoảng 12 số điện thoại khác nhau để phục vụ cho việc lừa đảo), giả nhiều giọng khác nhau và thường xuyên thay đổi nơi ở, chủ yếu là sống ở nhà nghỉ, khách sạn tại các tỉnh, thành. 
Phú Lữ
.
.
.