Nghi án FBI bao che cho Hillary Clinton

Thứ Sáu, 29/12/2017, 10:26
FBI cho phép phụ tác cấp cao của bà Hillary Clinton hủy chứng cứ; sếp FBI chỉ thị cho cấp dưới rằng bà Hillary “phải chiến thắng” trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016…


Tất cả những điều này đang khiến công luận đặt câu hỏi: Phải chăng FBI cố gắng bao che cho các sai phạm của bà Hillary Clinton?

“Hillary Clinton phải chiến thắng”

Trong một văn bản gửi cho luật sư FBI Lisa Page, quan chức cấp cao FBI Peter Strzok nói bà Clinton "phải thắng". Văn bản cho thấy Strzok và Page lo ngại việc ông Trump lên làm tổng thống khiến FBI có thể bị ảnh hưởng, theo tiết lộ của báo New York Times (NYT) hôm 12-12 vừa qua.

Reuters cho biết hiện Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz đang nghiên cứu các văn bản của Strzok để xem xét cách FBI xử lý cuộc điều tra việc bà Clinton sử dụng một máy chủ email cá nhân cho công việc của nhà nước khi bà là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Strzok đã bị loại khỏi Ủy ban điều tra đặc biệt về mối liên hệ của Nga với cuộc bầu cử sau khi báo chí hồi đầu tháng này tiết lộ ông đã gửi những thông điệp chê trách ông Trump và ủng hộ bà Hillary. Ông Strzok từng tham gia vào cuộc điều tra email của bà Hillary và cuộc điều tra về Nga.

Tờ PSN bình luận, yêu cầu cơ bản đối với một nhân viên điều tra là phải công tâm, nhưng “sếp” Peter Strzok nói với các nhân viên FBI rằng bà Hillary phải thắng. Điều này lý giải tại sao bà Hillary chưa bao giờ bị FBI buộc tội dù bà có rất nhiều vấn đề như vụ bê bối email, Uranium One, hủy chứng cứ…

Hủy chứng cứ

Trước đó, Hãng Fox News cho biết FBI đã cho hủy máy tính cá nhân của các trợ lý cao cấp của bà Clinton trong cuộc điều tra việc bà Clinton sử dụng email cá nhân cho việc công. Và việc tiêu hủy là một phần của thỏa thuận miễn trừ truy tố cho 2 phụ tá hàng đầu của bà Clinton là Cheryl Mills và Heather Samuelson.

Thỏa thuận này giới hạn việc tìm kiếm đến hết ngày 31-1-2015. Điều này có nghĩa các nhà điều tra không thể xem lại các tài liệu trong khoảng thời gian sau khi bê bối máy chủ email được biết đến rộng rãi, từ đó ngăn cản cơ quan điều tra phát hiện ra nếu có bất kỳ bằng chứng nào cản trở công lý.

Theo Fox News, các thỏa thuận miễn trừ cho bà Mills và bà Samuelson, được thực hiện như một phần cuộc điều tra của FBI đối với việc sử dụng một máy chủ email cá nhân của Hillary khi bà làm Ngoại trưởng, dường như bao gồm một loạt các "thỏa thuận phụ" đã được đàm phán bởi luật sư của 2 phụ tá của bà là Beth Wilkinson.

Các thỏa thuận  trên đã được đồng ý vào ngày 10-6-2016, chưa đầy một tháng trước khi cựu Giám đốc FBI James Comey tuyên bố cơ quan này sẽ không đưa ra cáo trạng chống lại bà Hillary hay nhân viên của bà.

Trợ lý của Ủy ban Tư pháp cho biết việc phá hủy máy tính xách tay đồng nghĩa với việc máy tính sẽ không thể sử dụng làm bằng chứng trong các thủ tục tố tụng, nếu có thông tin hoặc hoàn cảnh mới.

Điều khó hiểu là tại sao thỏa thuận miễn trừ lại đi kèm với việc cho phép các trợ lý của bà Clinton phá hủy chứng cứ. Vì cả quyền miễn trừ và việc hủy chứng cứ đều có lợi cho phía bà Clinton.

Theo tờ PSN, cựu Giám đốc FBI James Comey thực sự đã tham gia vào việc “cản trở tư pháp” để bảo vệ bà Hillary Clinton. Nếu việc hủy chứng cứ diễn ra trong quá trình điều tra email của bà Clinton, ông Comey có thể phải đối mặt với án phạt 20 năm tù giam vì đã huỷ bỏ bằng chứng về một thỏa thuận miễn trừ cho các phụ tá của bà Clinton.

Tại sao ông Comey đồng ý đưa ra một thỏa thuận miễn trừ với điều kiện các phụ tá hàng đầu của bà Clinton phá hủy thiết bị điện tử cá nhân của họ như máy tính xách tay? Có lẽ vì ông Comey có liên quan đến những thứ ở bên trong các máy tính của các phụ tá bà Clinton, cũng như các thiết bị điện tử cá nhân khác, theo PSN.

Gia Huy
.
.
.