Nghị sĩ Anh thân bại danh liệt vì phong trào Metoo

Chủ Nhật, 23/08/2020, 16:42
Cuối tháng 7-2020, Charlie Eiphicke, một nghị sĩ của đảng Bảo thủ đã bị tòa án buộc tội tấn công tình dục 2 người phụ nữ. Người quyết tâm đưa Charlie Eiphicke ra tòa là hai người phụ nữ, trong đó có một người nhân viên của ông ta. Nhờ có phong trào Metoo mà họ đã quyết tâm lật mặt kẻ dâm ô…


Đằng sau vẻ khả kính của vị nghị sĩ sáng giá

Vào một buổi tối muộn tháng 4-2016, sau khi đảng Bảo thủ Anh bị đánh bại trong một cuộc bỏ phiếu, nghị sĩ Charlie Elphicke, 45 tuổi, đi giải sầu bằng cách uống rượu với một nhân viên, một cô gái mới ngoài 20 tuổi. Đột nhiên, ông Charlie nhào đến phía người nhân viên, sờ soạng và cố sức hôn cô.

Charlie Elphicke.

Sau khi cô gái đẩy ông ra, Charlie còn trêu chọc cô không một chút xấu hổ: "Đôi khi anh thật mất nết, phải không nào?". Vài tuần sau, cô lại bị vị nghị sĩ này sàm sỡ. Nạn nhân lúc đầu không hề muốn tố cáo ông Charlie vì sợ sẽ làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình. Nỗi lo sợ của nạn nhân là hoàn toàn thực tế vì ông Charlie Elphicke giữ chức vụ rất cao và luôn giữ hình ảnh sạch trước công chúng. Nhưng cuối cùng cố đã quyết định không im lặng nữa…

Charlie Elphicke sinh ngày 14-3-1970 tại Huntingdon. Sinh ra trong một gia đình khá giả, Charlie theo học trường nội trú Felsted và trường nội trú CCSS trước khi được nhận vào khoa Luật của trường Đại học Nottingham danh giá.

Sự nghiệp của Charlie có thể nói là khá tốt đẹp. Trước khi dấn thân vào nghị trường, Charlie từng làm việc cho Reed Smith - hãng luật có 1.500 luật sư và 30 chi nhánh khắp thế giới, và Hunton & Williams - một hãng luật có hàng chục chi nhánh khắp các châu lục.

Cái tên Charlie Elphicke cũng được giới học thuật tại Anh biết đến vào năm 2007, khi ông viết một báo cáo cho Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Anh cho thấy cho dù mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng 4,7% mỗi năm từ 1997- 2001, nhưng năng 2006 mức tăng lại chỉ đạt 0,35% và đó là kết quả của chính sách phúc lợi xã hội năm 2003.

Hai vợ chồng Elphicke đi dự phiên toà.

Năm 2007, ông Charlie được bầu làm đại biểu cho đảng Bảo thủ ở tỉnh Dover. Cuộc bầu cử năm 2010, ông Charlie chiến thắng với cách biệt 10,4% số phiếu và tiếp tục tái đắc cử vào năm 2015 và năm 2017. Ông Charlie được trao giải Web Awards năm 2010, một giải thưởng dành cho những chính khách sử dụng Internet để tiếp cận với cử tri một cách hiệu quả.

Ông còn được vinh danh là "ánh sáng dẫn đường" cho nhóm nghị sĩ 301 của đảng Bảo thủ. Tháng 10-2012, Charlie trở thành thư kí quốc hội của Bộ trưởng Bộ Đối ngoại châu Âu David Lidington. Năm 2014, ông đảm nhiệm chức vụ thư kí quốc hội cho Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Iain Duncan.

Charlie Elphicke đạt đến đỉnh cao mới của sự nghiệp khi trở thành người quản lý tư tưởng chính trị của các thành viên trong đảng Bảo thủ năm 2015. Tên tuổi của Charlie được biết đến rộng rãi vào năm 2016, khi ông cùng với Michelle Parry - mẹ của em Robert Fraser, một nạn nhân tử vong vì thuốc giảm đau Fentanyl - vận động điều chỉnh luật để đưa Fentanyl vào danh sách chất cấm.

Fentanyl là một loại thuốc giảm đau mạnh hơn ma tuý gấp 50 lần và mạnh hơn móc-phin tới 100 lần. Đây cũng chính là loại thuốc đã giết chết ca sĩ danh tiếng Prince. Chiến dịch của ông Charlie cùng bà Michelle Parry đã thành công khi Fentanyl trở thành thuốc cấm vào năm 2018.

Một chiến dịch chính trị đáng chú ý khác đã khiến công chúng yêu mến Charlie hơn đó là chiến dịch vì quyền của cha mang tên "Gia đình cần những người cha" năm 2012. Với chiến dịch này, ông Charlie mong muốn luật gia đình tại Anh sẽ được sửa đổi và quyền nuôi dưỡng con cái sẽ được san sẻ một cách thật công bằng cho cả cha lẫn mẹ. Đến tháng 6-2012, luật gia đình tại Anh đã được sửa đổi đúng như mong muốn của nghị sĩ Charlie.

Tháng 3-2019, cái tên Charlie Elphicke được nêu trên các mặt báo với tư cách một trong 21 nghị sĩ bỏ phiếu chống việc giảng dạy về người đồng tính và các mối quan hệ nam nữ trong trường học tại Anh. Cuộc sống gia đình của ông Charlie được đánh giá là êm ấm và mẫu mực - ông sống tại London cùng vợ, hai con và chú chó được trao giải "Cún cưng của năm ở Westminster" Star.

Vợ của ông là bà Natalia Cecilia Elphicke, một luật sư kinh tế và một thành viên của đảng Bảo thủ. Vào cuộc bầu cử năm 2019, bà được bầu làm thành viên quốc hội đại diện cho tỉnh Dover - vị trí mà chồng bà đã đảm nhận trước đó.

Khi nạn nhân lên tiếng

Tuy danh tiếng của Charlie trên chính trường khiến nạn nhân lo sợ, nhưng cuối cùng cô đã tìm đến bộ phận phụ trách kỉ luật nội bộ của đảng Bảo thủ và trình báo toàn bộ sự việc. Bà Anne Milton, người phụ trách bộ phận đã lấy lời khai của nạn nhân và trong một cuộc phỏng vấn với BBC tháng 12-2016, bà cho biết ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo được sự an toàn cho nạn nhân. Bà cũng nói rằng mình đã khuyên nạn nhân nên đi trị liệu tâm lý và xin nghỉ phép một thời gian.

Bà Natalie Ross trong một buổi phỏng vấn về vụ ly dị chồng.

Ông Charlie bị triệu lên hội đồng kỉ luật và ngay lập tức phủ nhận mọi cáo buộc. Nạn nhân sau đó được thông báo rằng không có cách nào để xử lý vụ việc, đơn giản vì vào năm 2016, chưa có một hệ thống chính thức để giải quyết các cáo buộc nội bộ trong Quốc hội.

Theo như bà Milton: "Vào thời điểm đó, các nhân viên không có nơi nào để khai báo về những sự vụ tương tự xảy ra trong nội bộ các đảng, hoặc Quốc hội. Tôi đánh giá đó là một tình huống hết sức khó khăn, bởi vì quả thực không hề có một quá trình bảo vệ hoặc hỗ trợ nhân viên. Đặc biệt, đây còn là chuyện quyết định xem lời ai đáng tin hơn".

Tháng 1-2017, bà Milton nói thẳng với nạn nhân rằng cô có 2 lựa chọn: hoặc ra toà lao động (một hình thức xét xử tranh chấp giữa chủ và nhân viên tại Anh), hoặc khai báo với cảnh sát. Cuối cùng, vì đã kiệt sức và chán nản, cô gái quyết định không theo đuổi sự việc tới cùng nữa. Nhưng nạn nhân không hề hay biết, có một người phụ nữ khác cũng đã phải chịu đựng nỗi đau giống cô trong suốt một thập kỉ.

Bị lôi ra ánh sáng nhờ phong trào Metoo

Vào tháng 10-2017, khi hàng chục vụ lạm dụng tình dục kéo dài hàng thập kỉ tại Hollywood bị lôi ra ánh sáng, và tên yêu râu xanh Harvey Weinstein bị tống vào tù, phong trào Metoo bắt đầu, giúp các nạn nhân ở nhiều đất nước khác nhau lên tiếng. Tại Anh, một danh sách các lời cáo buộc nhắm vào rất nhiều chính trị gia được đưa lên mạng và không ngạc nhiên gì khi cái tên Elphicke cũng được nhắc đến. Đầu tháng 11-2017, Charlie Elphicke bị bãi mọi chức vụ vì những cáo buộc rất nghiêm trọng mà cảnh sát nhận được.

Đến lúc này, cơ quan chức năng tìm ra một nạn nhân khác của Charlie. Theo như lời khai của nạn nhân, vào năm 2007 khi Charlie vẫn còn là một luật sư và mới chỉ là một ứng cử viên tiềm năng cho ghế đại biểu đảng Bảo thủ, ông ta đã mời cô gái đến nhà riêng của mình, đẩy cô gái trẻ lên ghế sôfa, đè cô xuống, quấy rối và khi nạn nhân vùng ra, hắn đã vừa đuổi theo cô gái vừa reo hò: "Anh là một đại biểu hư hỏng".

Nạn nhân đã kể lại tất cả với người nhà và bạn bè, nhưng sau cùng lại quyết định không báo án. Vào năm 2007, cô đã vô cùng sợ hãi và tức giận khi nhìn thấy kẻ từng tấn công mình trên truyền hình với tư cách một chính trị gia được kính trọng.

Đến năm 2017, nhờ vào phong trào Metoo, cô mới đủ dũng cảm để tố cáo thủ phạm. Sau khi nhận được lời tố cáo, cảnh sát liên hệ với đảng Bảo thủ và sớm phát hiện ra cáo buộc của nạn nhân thứ hai vào năm 2016. Sau khi được cảnh sát động viên rằng việc cô lên tiếng có thể giúp truyền dũng khí cho vô số nạn nhân khác, cô gái đã quyết định tố cáo Charlie Elphicke.

Tại phiên tòa diễn ra cuối tháng 7-2020, Charlie khai rằng bản thân đã không khai báo thành khẩn với cảnh sát khi được hỏi về một trong những phụ nữ đã cáo buộc ông ta tội tấn công tình dục vì sợ sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân của mình. Đồng thời, Charlie đã ngoại tình với một người phụ nữ khác và cho rằng, nếu tất cả lộ ra thì chắc chắn cuộc hôn nhân của mình sẽ tan vỡ.

Tại phiên toà, nạn nhân thứ hai đã khóc khi làm chứng, còn bà Anne Milton, người lấy lời khai đầu tiên của nạn khai rằng: "Cô ấy rất hiểu mình sẽ không bao giờ có thể được làm việc tại quốc hội nếu như mọi chuyện lộ ra và mọi người bắt đầu bàn tán".

 Vợ của Charlie là chính trị gia Natalie Elphicke đã luôn nắm tay chồng đến mọi phiên toà và ở bên chồng mọi lúc mọi nơi, nhưng vào phiên toà cuối tháng 7, bà đã bỏ về giữa chừng. Chỉ vài giờ sau, bà đã đăng tải một tweet với nội dung: "Bản án ngày hôm nay khiến tôi đau lòng vì đã kết thúc cuộc hôn nhân dài 25 năm với người đàn ông duy nhất tôi từng yêu. Tôi mong rằng công chúng có thể cho tôi thời gian và một khoảng không gian riêng tư để tôi có thể hồi phục sau chuỗi sự việc đau lòng kéo dài 3 năm vừa qua".

Cùng lúc đó, đảng Bảo thủ Anh đang phải đối diện với rất nhiều lời phê phán từ người dân Anh và các đảng đối thủ về cách họ xử lý cáo buộc chống lại Charlie Elphicke. Nhiều người đang đặt câu hỏi tại sao phải đến tận một năm sau khi nạn nhân trình báo sự việc, Charlie mới bị bãi chức và tồi tệ hơn, tại sao ông ta có thể được tái bổ nhiệm vào cuối năm 2018.

 Sau khi phiên toà kết thúc, quan toà đã phát biểu: "Charlie Elphicke đã lạm dụng quyền lực và sức ảnh hưởng để thực hiện những hành vi tình dục không mong muốn". Ủy viên công tố Natalie Dawson cho rằng: "Những vụ tấn công tình dục đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên những người phụ nữ này - những người lo sợ rằng sự nghiệp của mình sẽ chấm dứt nếu họ lên tiếng. Tôi mong rằng phiên toà ngày hôm nay sẽ giúp các nhân có thêm can đảm để lên tiếng, cho dù thủ phạm có quyền thế tới đâu".

Huyền Thi
.
.
.