Người Mỹ ngày càng cảnh giác với du học sinh Trung Quốc

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:36
Thời gian gần đây, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt mà chưa có lối thoát thì các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ liên tục thụ lý, phạt tù, phạt tiền những đối tượng ăn cắp công nghệ người Trung Quốc, trong đó có những bí mật giá trị hơn tỷ USD. Các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học và cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ đang nêu cao cảnh giác với công dân Trung Quốc đến Mỹ.


Sĩ quan PLA ăn cắp bí mật công nghệ

Theo thông tin từ Fox News, tới đây, Xin Wang, sĩ quan cấp tá thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ phải ra hầu tòa ở Mỹ vì bị Cơ quan truy tố đặc biệt (Văn phòng luật sư Hoa Kỳ) khởi tố tội làm giả visa và ăn cắp bí mật công nghệ. Hiện Xin Wang đang bị tạm giam và trong tương lai sẽ phải đối diện với mức án 10 năm tù cùng khoản tiền phạt lên tới 250.000USD.

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ngày 7-6, trong khi đang cố gắng trở về Thiên Tân, Trung Quốc từ sân bay quốc tế Los Angeles (LAX) thì Xin Wang bị bắt. Ngay sau đó Bộ Tư pháp Mỹ đã loan báo, các nhân viên hải quan Mỹ nhận được thông tin rằng "Wang mang theo nhiều nghiên cứu từ Đại học California, San Francisco (UCSF) để chia sẻ với các đồng nghiệp tại PLA và đã gửi nghiên cứu đến phòng thí nghiệm của mình ở Trung Quốc qua email".

Thẩm phán Tòa án Liên bang Mỹ cảnh báo về nạn đánh cắp bí mật công nghệ.

Theo các tài liệu của FBI, Wang đã đến Mỹ ngày 26-3-2019. Đơn xin thị thực của Wang nói mục đích đến Mỹ để tiến hành nghiên cứu khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF). Tuy nhiên, Wang bị cáo buộc đã có những tuyên bố gian lận trong đơn xin thị thực. Cụ thể, trong đơn xin thị thực, Wang khai đã từng là Phó giáo sư Y khoa tại PLA từ ngày 1-9-2002 đến ngày 1-9-2016.

Wang khai với các nhân viên của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) tại LAX vào ngày 7-6-2020 là một kỹ thuật viên cấp tá ở PLA và được tuyển dụng, làm việc tại một phòng thí nghiệm của một trường đại học quân sự Trung Quốc. Các nhân viên của CBP cũng có được thông tin Wang giữ cấp bậc tương ứng với cấp thiếu tá trong PLA và đã nhận được trợ cấp từ PLA và Hội đồng Học bổng Trung Quốc ngoài mức thù lao từ UCSF.

Theo các tài liệu của tòa án, Wang được PLA tuyển dụng khi anh ta đang học tập tại Mỹ và anh ta đã khai báo sai về hoạt động quân sự trong đơn xin thị thực để tăng khả năng nhận được visa. Wang đã xóa hết nội dung tin nhắn WeChat trên điện thoại di động trước khi đến sân bay để khởi hành về Trung Quốc.

Cũng theo tài liệu của tòa, Wang có nhiệm vụ quan sát cách bố trí phòng thí nghiệm ở UCSF và thông tin về Trung Quốc để tái tạo. CBP xác nhận Wang đã chia sẻ các nghiên cứu với các đồng nghiệp ở PLA và đã gửi những nghiên cứu khoa học về phòng thí nghiệm ở Trung Quốc qua email. Wang khai là đã sao chép một số công việc của giáo sư trong UCSF để gửi về phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và mô phỏng theo.

Bí mật tỷ USD bị đánh cắp

Ngày 12-2-2020, Hongjin Tan bị tòa án kết tội ăn cắp bí mật công nghệ và phải chịu mức án 2 năm tù, bồi thường 150.000USD cho Công ty Phillips 66. Ngoài ra, sau khi ra tù, Hongjin Tan bị mất tư cách lưu trú, bị trục xuất về nước. Trước đó, tại phiên tòa hôm 12-11-2019, trong lời bào chữa, Hongjin Tan thừa nhận cố tình sao chép và tải về các tài liệu nghiên cứu bí mật của Công ty Phillips 66.

Theo tài liệu mà FBI công bố, Hongjin Tan, 36 tuổi, đánh cắp thông tin liên quan đến việc sản xuất một sản phẩm “nghiên cứu và phát triển thị trường năng lượng” có giá trị hơn 1 tỷ USD. Trong các tài liệu tòa án nộp tại Oklahoma, Bộ Tư pháp Mỹ xác định công ty nơi Hongjin Tan làm việc là Phillips 66 chuyên về sản xuất năng lượng có trụ sở ở Mỹ.

Căn cứ hải quân Key West.

Hongjin Tan là nhân viên nghiên cứu khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu của Phillips 66 từ tháng 5-2017 đến tháng 12-2018. Tháng 12-2018, Công ty Phillips 66 gửi đơn khiếu nại lên FBI về những hoạt động đáng ngờ của Hongjin Tan. FBI tìm thấy trong máy tính của Tan gồm hợp đồng tuyển dụng từ một công ty Trung Quốc đang phát triển dây chuyền sản xuất vật liệu pin lithium trên máy tính; hướng dẫn cách sản xuất một sản phẩm mà Công ty Phillips 66 đang có kế hoạch đưa vào thị trường Trung Quốc.

Hongjin Tan là một chuyên gia về hệ thống pin và lưu trữ năng lượng đã sinh sống ở Mỹ hơn 12 năm. Tan nhận bằng tốt nghiệp tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, California. Anh ta chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển chương trình pin của Phillips 66 bằng các quy trình độc quyền. Trước khi đến làm việc tại Công ty Phillips 66, Hongjin Tan từng làm ở Công ty Dầu khí Oklahoma được 18 tháng.

Tan tiết lộ với đồng nghiệp rằng anh ta thực sự có một công việc đang chờ ở Hạ Môn (Trung Quốc). Người bạn của Tan đã báo cáo cuộc trò chuyện này với quản lý. Cuối cùng họ đã thực sự hoảng hốt sau khi biết được ở Hạ Môn có Công ty Hạ Môn Vonfram, là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm kim loại và cũng cung cấp nguyên liệu pin.

Với thông tin mới này, lãnh đạo của Phillips 66 đã ngay lập tức dừng công việc của Tan. Họ rà soát nhìn lại các tài liệu và hệ thống dữ liệu máy tính. Họ tìm thấy dấu vết Tan truy cập các tài liệu nhạy cảm liên quan đến công nghệ tiên tiến nhưng không liên quan trực đến công việc của Tan.

Các nhân viên FBI cho biết, Tan bắt đầu truy cập các tệp nhạy cảm này vào khoảng thời gian nộp đơn vào Chương trình Tài năng ngàn người của Trung Quốc. Các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện ra rằng, thông qua chương trình này, Trung Quốc cung cấp các ưu đãi tài chính cùng các đặc quyền khác cho những người sẵn sàng gửi kết quả nghiên cứu và công nghệ khi làm việc tại Hoa Kỳ về nước.

Tan cũng gửi tài liệu sau những lần về Trung Quốc. Tan đã truy cập hệ thống dữ liệu mật lần cuối cùng vào ngày trước khi dự định rời công ty. Khi Tan mang ổ đĩa trả lại, các kỹ thuật viên của công ty phát hiện một số tập tin quan trọng nhất đã bị xóa. Theo các chuyên gia FBI, nếu nắm trong tay thông tin này, Tan sẽ giúp công ty trong nước đi trước hàng thập kỷ so với nơi bắt đầu công nghệ này.

3 công dân Trung Quốc bị kết án tù

Ngày 5-6, 3 công dân Trung Quốc bị tòa kết án tù vì chụp ảnh bất hợp pháp bên trong một căn cứ hải quân của Mỹ tại Tiểu bang Florida. Lyuyou Liao, 27 tuổi, đã bị kết án 12 tháng tù với tội xâm nhập trái phép vào căn cứ Không quân Hải quân trên đảo Key West vào ngày 26-12-2019, chụp ảnh và quay video các cơ sở quân sự ở khu vực Truman Annex (thuộc căn cứ Key West). Theo kết quả điều tra, thời điểm đó Liao đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại thành phố St. Louis với học bổng toàn phần từ Chính phủ Trung Quốc.

Honh Jin Tan đánh cắp bí mật công nghệ sản xuất pin năng lượng trị giá gần 1 tỷ USD.

Trước đó, vào ngày 4-6, Jielun Zhang, 25 tuổi, đã bị kết án 1 năm tù; và Yuhao Wang, 24 tuổi, bị kết án 9 tháng tù với các tội danh tương tự. Zhang và Wang đã xâm nhập bất hợp pháp vào ngày 4-1-2020 và chụp ảnh cơ sở hạ tầng trong đảo Sigsbee Park và các thiết bị ở khu vực Trumbo Point thuộc căn cứ Key West.

Cả hai thanh niên này đã lái xe đến khu căn cứ quân sự trên. Mặc dù bị bảo vệ không cho phép vào vì không có giấy tờ tùy thân của quân đội nhưng cả hai đối tượng vẫn làm ngơ và cố tình lái xe vào và bị bắt giữ 30 phút sau đó. Khi bị bắt, Zhang và Wang đang theo học Đại học Michigan, theo Miami Herald.

Theo thông tin từ Fox News, Trạm không quân hải quân Key West ở Florida đã từng xảy ra một số vụ xâm phạm những năm gần đây, trong đó có trường hợp các công dân Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp để chụp ảnh và quay video. Năm 2019, một người quốc tịch Trung Quốc khác là Zhao Qianli đã bị kết án 1 năm tù sau khi ông này thừa nhận đã chụp ảnh tại căn cứ hải quân Key West.

Cảnh giác không bao giờ thừa

Theo nhận định của các chuyên gia an ninh, trong một thời gian dài Mỹ tạo thuận lợi cho Trung Quốc phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc Mỹ bị chính người Trung Quốc lợi dụng. Tại một hội nghị gần đây ở Boston, Giám đốc FBI Christopher Wray phân trần: “Chúng tôi thấy các công ty Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ để tránh những khó khăn đổi mới và sau đó sử dụng nó để cạnh tranh với các công ty của Mỹ". Để đề phòng mất cắp các bí mật công nghệ, các chuyên gia của FBI khuyến cáo các công ty của Mỹ không nên vì lợi ích trước mắt là giá cổ phiếu hoặc sợ mang tiếng mà lờ đi các biện pháp bảo vệ, trong đó có biện pháp phối hợp với FBI để thanh trừng những “con rệp” ăn cắp bí mật khoa học công nghệ.

Trước vấn đề này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các cử nhân và nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nếu họ có khả năng chuyển giao kiến thức kỹ thuật cho các tổ chức quân sự Trung Quốc. Quyết định có hiệu lực từ 1-6, nhưng không liệt kê các tổ chức cụ thể mà để Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định thêm. Thế nên, việc Phụ trách Văn phòng FBI là Oklahoma City Field nhấn mạnh sau sự việc của Hongjin Tan rằng, FBI kiên quyết bảo vệ các ngành công nghiệp của đất nước khỏi những kẻ thù cố gắng đánh cắp thông tin độc quyền có giá trị là một động thái giúp người Mỹ nêu cao cảnh giác trước khi quá muộn.

Mạnh Thắng
.
.
.